VNTB – Toàn dân sử dụng smartphone: sức khỏe tâm thần sẽ như thế nào?

VNTB – Toàn dân sử dụng smartphone: sức khỏe tâm thần sẽ như thế nào?

Mai Lan

 

(VNTB) – Chính phủ Việt Nam vừa công bố đến năm 2025, tất cả người dân đều có ‘smartphone’ và kết nối sóng internet.

 

Theo thống kê, hiện có khoảng 12,4 triệu thuê bao vẫn đang dùng điện thoại “cục gạch” và chưa thể kết nối mạng Internet. Còn theo thông tin từ kết quả nghiên cứu thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota, tỉ lệ người dùng ‘smartphone’ tại Việt Nam năm 2020 đạt 44,9%; tức cứ 10 người thì mới có xấp xỉ 4,5 người sử dụng smartphone.

Tạm gác qua việc tiện ích được công bố là “bước đi mạnh mẽ đến xã hội số và chính phủ điện tử” thông qua ‘smartphone’, vấn đề về sức khỏe tâm thần tiếp tục được đặt ra: Cứ nhìn cách chúng ta sử dụng dụng điện thoại như luôn mang bên mình cả ngày, ‘cắm mặt’ vào nó trong thời gian dài, thì mối lo này có thể hiểu được.

Điện thoại di động phát ra bức xạ tần sóng vô tuyến (RFR), năng lượng thấp hơn nhiều so với bức xạ ion hóa mà người ta nhận được tia X, hoặc phóng xạ hạt nhân. Thông thường, trong các nghiên cứu khoa học ghi nhận do việc nghe gọi nhiều nên bức xạ điện thoại tiếp xúc nhiều đến cơ quan thần kinh gây khối u ở đây.

Tuy nhiên các nghiên cứu chủ yếu là dựa trên sóng 2G, tức các ‘điện thoại cục gạch’ quen thuộc. Còn với ‘smartphone’, mới chỉ là khuyến cáo: Năng lượng tần số vô tuyến là một từ khác của bức xạ vi sóng.

Nếu mọi người hiểu rằng họ đang cầm một thiết bị phát ra sóng vi ba hai chiều ngay cạnh não họ hoặc ngay cạnh các cơ quan sinh sản của họ, họ có thể nghĩ khác về nó… Thiết bị phát sóng vi ba có liên quan tới các khối u não và u tuyến nước bọt, làm suy yếu việc sản xuất tinh trùng và màng tế bào, mất thính lực và ù tai cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác

Góc nhìn khác đáng âu lo hơn: vấn đề sức khỏe tâm thần.

Một ghi nhận ‘bỏ túi’ của nhóm thầy thuốc ở bệnh viện Tâm thần TP.HCM, kể câu chuyện vầy qua lời thuật của một người từng là bệnh nhân chữa trị ngoại trú nơi đây:

“Tôi sẽ kể cho các bạn là của chính bản thân tôi về một thời mà tôi đã nghiện chơi game trên smartphone. Có thể bạn sẽ thấy đâu đó hình bóng của bạn giống với những gì tôi đã từng trải qua.

Thời tôi còn đi học đại học, smartphone nó là một khái niệm khá là lạ lẫm. Với tôi, game hay nhất vẫn là rắn săn mồi trên những chiếc điện thoại Nokia. Những giờ học khiến tôi cảm thấy chán ngấy trên giảng đường đại học cũng là lúc tôi sẽ lôi điện thoại ra và bấm bấm. Vẫn chỉ là con rắn chạy trên màn hình bé xíu và tôi thì cố ghi được điểm càng cao càng tốt để đạt kỷ lục rồi khoe với bạn bè.

Thực tế là tôi mất thời gian để được số điểm cao kỷ lục trong trò chơi, nhưng điều tôi không nhận ra rằng: Tôi đã bỏ lỡ nhiều kiến thức quan trọng chỉ đổi lấy một thứ vô giá trị. Một con số mà ai cũng có thể đạt được. Trong khi việc ngồi học trên giảng đường là điều mà bao nhiêu người khác có mơ vẫn chưa thực hiện được.

Một vài năm sau đó, khi tôi đã đi làm, việc tiếp xúc và sử dụng smartphone đã khá phổ biến. Danh sách các game cần chơi của tôi tăng đột biến. Từ những game nổi nhất thời đó như: Angry Birds, Fruits Ninja, Temple Run, NOVA, Modern Combat,… đến những game gì gì đó mà tôi cũng không thể nào nhớ hết nổi cái tên của chúng. Tôi có thể chơi hằng ngày, hằng giờ mà không biết chán. Tất nhiên thì tôi cũng biết thân biết phận là không chơi trong giờ làm việc, giải lao thì chơi, làm xong công việc thì chơi.

Bạn tưởng tượng được không? Mỗi giờ giải lao để đi ăn trưa, sau khi gọi món thì tôi vừa ăn vừa chơi luôn, nhiều lúc mải chơi mà quên cả ăn luôn. Mỗi tối, tôi vẫn giành ra khoảng 3 tiếng để hoàn thành nốt vài trò đang chơi dở, hay các nhiệm vụ trong game cần phải làm. Có nhiều hôm phải đến 1g – 2g sáng tôi mới cảm thấy có thể yên tâm đi ngủ.

Lại một lần nữa, tôi đánh đổi sức khỏe của bản thân chỉ để ưu tiên chơi game. Trong khi nhiều người lại đánh đổi thời gian quý báu đó để làm thêm việc kiếm thêm thu nhập. Tôi cũng không thể tin được lúc đó mình lại có thể suy nghĩ thiển cận như vậy. Đặt ưu tiên chơi game lên trên cả sức khỏe của mình.

Giá mà tôi ưu tiên công việc lên như vậy như bao người khác, chắc có lẽ giờ này tôi không phải lâm cảnh ngồi kể câu chuyện này cho các thầy thuốc nghe nữa rồi. Có thể tôi sẽ làm giám đốc doanh nghiệp nào đó chẳng hạn.

Sau một khoảng thời gian sống như vậy, tối ngày cắm mặt vào game, tôi nhận ra tôi đã bỏ lỡ khá nhiều điều trong cuộc sống. Những sự kiện, những hoạt động ngoài thực tế xã hội ngoài kia tôi đều không biết nhưng tôi có thể đọc chính xác ngày giờ khuyến mãi, các sự kiện trong game,…

Thật là xấu hổ quá đi, khi mà mình còn chẳng biết một tý gì về những gì cuộc sống xung quanh. Nếu mà tôi gặp một người nào đó ngoài đường mà họ hỏi tôi một vài câu hỏi liên quan tới xã hội như bài hát nào đang được yêu thích nhất, chủ tịch nước Việt Nam hiện nay là ai,… họ sẽ nghĩ tôi như những kẻ từ sao hỏa đến vậy…”.

Có một thực tế không loại trừ, đang diễn ra tại Việt Nam: những nguy cơ sức khỏe của điện thoại di động chưa được làm rõ quyết liệt. Đó là vì ngành công nghiệp viễn thông toàn cầu là một ngành công nghiệp trị giá nhiều ngàn tỉ USD, nên nó có ảnh hưởng nhất định tới các chính sách của chính phủ, thông qua những nỗ lực vận động hành lang, các khoản tài trợ chính trị lớn và sự lôi kéo, vận động khoa học…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)