VNTB – Tôi đi bầu tại Hoa Kỳ

VNTB – Tôi đi bầu tại Hoa Kỳ

Thường Dân

 

(VNTB) – Hy vọng trong tương lai VN sẽ trả lại cho người dân quyền tự do bầu cử, ứng cử như các nước dân chủ tây phương để đất nước được điều hành bởi người thật sự có đức, có tài.

 

Hôm thứ ba tôi đi bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tổng thống Mỹ để bầu thống đốc tiểu bang, dân biểu liên bang, thị trưởng và hàng chục vị trí trong chính quyền tiểu bang của tôi. Đến nay kết quả bầu phiếu của tiểu bang tôi dù chưa hoàn toàn kết thúc, một vài nơi còn đang đếm phiếu, một vài thùng phiếu phải đếm lại vì trục trặc gì đó, nhưng đáng buồn cho tôi, tất cả người trong tiểu bang, ở những vị trí tôi bầu đều thất bại. Một vài người tôi quen biết ra ứng cử ở các địa phương khác ở Hoa Kỳ cũng thua luôn. Có anh thua “thảm bại”, chỉ được hợn 10% phiếu bầu toàn bang, có anh “thảm bại” cách khác là thua đối thủ thắng cử có vài trăm phiếu, nếu tất cả người Việt trong hạt bầu cử của anh chịu bỏ ra nửa giờ đồng hồ đi bỏ phiếu thì người Việt đã có  một dân biểu ở Hạ Viện như trước kia có ông Cao Quang Ánh.

Bầu cử các chức vụ cấp liên bang được tổ chức vào các năm chẵn. Cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức bốn năm một lần và diễn ra vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Các cuộc bầu cử lựa chọn 435 nghị sĩ tại Hạ viện Hoa Kỳ, được tổ chức hai năm một lần. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có nhiệm kỳ sáu năm được bố trí so le nhau sao cho cứ hai năm thì một phần ba (hoặc một phần ba cộng 1) trong số 100 ghế tại Thượng viện được bầu lại. Nếu một thượng nghị sĩ qua đời hoặc bị mất năng lực khi đang giữ chức vụ, thì có thể tổ chức một cuộc bầu cử đặc biệt vào một năm lẻ hoặc vào năm chẵn tiếp theo.

Các cuộc bầu cử các chức vụ liên bang thường được tiến hành vào các năm chẵn. Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu 4 năm một lần. Trong Quốc hội Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ được bầu 6 năm một lần và dân biểu hạ viện được bầu 2 năm một lần.

Khác với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ở Mỹ và các nước dân chủ tự do khác, người ra ứng cử phải tự thân vận động ghê gớm lắm, có người đi đến gõ cửa từng nhà, gặp người dân trên đường phố, tự giới thiệu, trả lời các câu hỏi, phát tờ rơi, tham gia các buổi tranh luận với nhau được tổ chức công khai. Trong các phiên tranh luận họ phải trả lời những câu hỏi hóc búa, đôi khi khó chịu về đủ thứ chuyện mà cử tri, hay đối thủ cần biết về họ.

Tranh luận công khai giữa các ứng viên được tổ chức trong chiến dịch tuyển cử. Các ứng cử viên trình bày ý kiến chính trị và đề xuất chính sách công trước các cử tri. Các buổi tranh luận (debate) được phát trực tiếp trên đài phát thanh, truyền hình và Internet, thường được tổ chức bởi các hãng truyền thông hoặc các tổ chức phi chính phủ.

Các cuộc tranh luận được cử tri thích thú, hồi hộp theo dõi. Qua các cuộc tranh luận, người bỏ phiếu có thể quyết định họ sẽ bầu cho ứng viên. Thường cuộc tranh luận bắt đầu với việc mỗi ứng viên đưa ra tuyên bố mở đầu ngắn. Sau đó, một nhóm người trong ban tổ chức tranh luận, thường là những nhà báo nổi tiếng đưa ra những câu hỏi mà cử tri quan tâm đối với tất cả ứng viên hay riêng từng người. Sau khi (các) người ứng viên trả lời từng câu hỏi, (các) người ứng viên khác có thể có cơ hội ngắn gọn trả lời hay chất vấn ngược lại. Thường mỗi ứng viên có thời gian hạn chế để trả lời câu hỏi của mình, hay chất vấn, ‘cãi cọ’ với đối thủ. Sau khi cuộc tranh luận kết thúc, các bình luận viên tha hồ nhận xét theo ý riêng của họ. Cử tri cũng ồn ào tranh luận với nhau. Thời gian vận động bầu cử rất sôi nổi, thú vị và gay cấn cho mọi người quan tâm. Bạn bè hay người trong gia đình cũng đụng đầu với nhau nhiều.

Các ứng viên đều quyết thắng nhưng vẫn biết có thể thua. Nhiều ứng viên thuê người thường xuyên tiến hành thăm dò dư luận. Thăm dò dư luận giúp các ứng viên biết họ đang được đánh giá hay hoặc tệ hơn đến mức nào so với các đối thủ của mình và họ tìm hiểu thêm được những vấn đề gì là quan trọng hơn nảy sinh trong cử tri, nhờ đó, đảng của họ hay chính họ sẽ thêm, bớt trong dự án hành động. Các phương tiện truyền thông cũng thực hiện các cuộc thăm dò dư luận và thông báo kết quả.

Bầu cử là cách cơ bản nhất để công chúng đưa ra tiếng nói của mình về chính quyền. Người dân quyết định ai sẽ là người lãnh đạo, cũng là cách đáng tin cậy để chọn người tài đức. Hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ có thể phức tạp, nhưng nó đảm bảo cử tri có tiếng nói ở mọi cấp chính quyền.

Hôm bầu cử, tôi đã chọn người khác làm thống đốc tiểu bang, nhưng không may ông này thất cử, nếu ông ấy được nhiều phiếu hơn để đánh bại thống đốc đương nhiệm thì bang tôi ở sẽ có một thống đốc mới. Hai ông này sẽ chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa, và tiểu bang có thể có vài luật, vài quy định mới. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định một số quyền lực nhất định đối với chính quyền liên bang, số khác cho từng bang. Mỗi bang được coi như một quốc gia độc lập theo thể chế cộng hòa nằm trong liên bang. Tiểu bang đặt ra các chính sách về kinh tế, giáo dục và y tế chẳng hạn, nhưng một số chính sách phải theo liên bang như về quốc phòng và đối ngoại. Các tiểu bang bị nghiêm cấm vi phạm bất cứ điều nào trong hiến pháp.

Trong ngày bầu cử, cử tri, ứng viên, ngay cả vị tổng thống đương nhiệm, gia đình và bạn bè của họ chỉ biết ngồi trước màn hình, nín thở, hồi hộp theo dõi số phận lá phiếu của mình. Không ai biết trước mình hay người mình ủng hộ thắng, thua.

Một điều khác xa với VN, nói ra để người Việt trong xứ biết thêm về sự dân chủ của Hoa Kỳ. Khi đến phòng phiếu, bạn có thể không bầu cho ai nếu bạn thấy họ không xứng đáng.

Trên tờ phiếu bầu, dưới tên các người ứng cử, có một chỗ trống ghi: Write in, if any_______ Bạn có thể bầu cho chính bạn hay một người nào bạn thấy tốt hơn.

Hy vọng trong tương lai VN sẽ trả lại cho người dân quyền tự do bầu cử, ứng cử như các nước dân chủ Tây phương để đất nước được điều hành bởi người thật sự có đức, có tài.

 

Tham khảo

https://vn.usembassy.gov/wp-content/uploads/sites/40/2016/11/elections-usa_in-brief-2016-vn.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)