VNTB – Tôi không nợ nhưng tôi bị uy hiếp, làm phiền!

VNTB – Tôi không nợ nhưng tôi bị uy hiếp, làm phiền!

Diệp Chi

VNTB – Thật ra thì đã là con dân xứ Việt, mới chào đời, khi được cấp mã số định danh là đứa bé đã phải gánh khoản nợ có tên “nợ công quốc gia”.

Chiều 8-6, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Ngân hàng.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi: “…tình trạng người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa, nếu không may có tên trong danh bạ điện thoại của người vay tiền khi không trả nợ đúng hạn. Với chức năng quản lý Nhà nước của mình, Thống đốc sẽ triển khai các biện pháp nào để hạn chế những hành vi vi phạm đó?”.

Trả lời nội dung trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết cá nhân khi mở tài khoản, đều phải xác thực định danh. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng lừa đảo lấy cắp thông tin để lấy trộm tiền. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, có giải pháp cảnh báo với người dân.

Đối với trường hợp đòi nợ của công ty tài chính, bà Hồng cho biết, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật.

Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9g đến 21g…

“Việc người này mượn, đi đòi người khác của các công ty cho vay nợ hay các ứng dụng ứng tiền, vay nợ, còn gọi là các apps, là điều hoàn toàn không mới. Nếu không nói, theo tôi, là cũ rích. Vì sao là vậy? Bởi, ngay bản thân tôi chính là nạn nhân.

Những năm 2012 – 2013, bên họ hàng tôi có mượn nợ từ một công ty tín dụng, trực thuộc ngân hàng. Không biết họ đòi nợ như thế nào, người thân tôi đã kê khai những số điện thoại nào, mà họ gọi điện thoại rồi gửi tin nhắn nội dung đe dọa đến cho tôi cũng như thành viên khác trong gia đình tôi, quấy rầy cuộc sống.

Chẳng lẽ, khi đó, thống đốc ngân hàng lại không biết? Để rồi sự việc tiếp tục tái diễn cho đến tận hôm nay. Hướng giải quyết vẫn còn ở giai đoạn “cần phải sửa đổi văn bản quy định của pháp luật”, ông Hai Minh, một cư dân sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc.

Cũng là một “nạn nhân” khác của một ứng dụng vay tiền trên điện thoại, bạn sinh viên trẻ tên Long chia sẻ: “Ngày 2-6-2022, tôi nhận được một tin nhắn từ một ứng dụng vay tiền qua điện thoại. Theo đó, ứng dụng này: “Cảnh báo người nhà khách hàng…, sdt…, anh/chị có khoản vay bên công ty… đã trễ hạn, nhắc nhở vẫn cố tình trốn tránh, trước 12h không thanh toán công ty sẽ gọi điện, gửi hình ảnh cho người nhà, bạn bè, đăng hình ảnh, biết khoản vay tiền trốn nợ…”.

Điều này là vô lý, thứ nhất cá nhân tôi không có vay tiền bên công ty đó nhưng họ lại nhắn tin kêu anh/chị có khoản vay. Thứ hai, họ có “suy nghĩ” dự tính sẽ dùng hình ảnh cá nhân để có ý đồ bôi nhọ. Hơn hết, theo điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe doạ, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Thế nhưng họ vẫn nhắn tin như vậy, là như thế nào?”.

Một “khách hàng” giấu tên từng vay tiền thông qua ứng dụng trên điện thoại thắc mắc: “Lúc vay, rõ ràng tôi không có khai số điện thoại đó. Nhưng tại sao họ lại có được danh bạ của tôi để họ tuỳ tiện nhắn tin làm phiền những người nhà, bạn bè của tôi?

Liệu đây có phải là hành vi cố tình xâm phạm về đời sống riêng tư của tôi hay không? Công ty đó có vi phạm quyền con người: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác” hay không?”.

Tựu trung lại, câu chuyện quấy rối bằng tin nhắn (hoặc cuộc gọi) đến từ những công ty đòi nợ là điều hoàn toàn không mới. Nhưng vì sao nó “cũ” như vậy; báo chí, truyền thông cũng phản ánh nhưng nó vẫn tồn tại, người dân vẫn còn bị làm phiền, mà sao vẫn chưa được giải quyết triệt để, xem ra, câu trả lời, vẫn còn bỏ ngỏ…

Có phải là phép nước bị xem nhờn chăng, hay đây là sân sau của nhóm quyền lực nào đó trong nghề kinh doanh bạc tiến?

Tham khảo:

https://countrymeters.info/en/Vietnam/economy


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)