Ngọc An (thực hiện)
(VNTB) – Nhà báo Phạm Chí Dũng trong một trao đổi với kênh radio Việt Nam Thời báo, đã bày tỏ sự bức xúc về sự chần chừ, thiếu kiên quyết của người đứng đầu quân đội trước sự ngạo mạn của chính quyền Bắc Kinh trên vùng Biển Đông của Việt Nam.
Ông nói: “Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi xấu hổ vì không thể làm gì được để bảo vệ những công dân, với những công dân của mình. Những ngư dân Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể chia sẻ với họ sự bức xúc và một trong những sự bức xúc lớn nhất đó là ngư dân bám biển, hải quân bám bờ”.
Không chỉ có hải quân bất động…
Trong suốt thời gian vừa qua đội quân của ông Phùng Quang Thanh viên tướng 4 sao được mệnh danh là bộ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam đã làm được những gì. Theo NB Phạm Chí Dũng: Chúng ta biết là từ cuối tháng 4/2014, cái giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lưng lững tràn vào Biển Đông và ngự trị ở đó suốt 3 tháng. Trong suốt 3 tháng đó hải quân VN gần như bất động. Bất chấp lời tuyên bố của các viên tướng quân đội như thế nào, chúng ta chỉ cần nhìn vào sự thật là họ có hành động gì hay không? Nhưng họ không hành động gì cả. Quân đội không hành động, Quốc hội có hành động không? Quân đội, Quốc hội hầu như không ra một văn bản nào cả. Không có bất kỳ một nghị quyết ở Biển Đông.
Từ hồi năm trước đến nay, cả lần họp Quốc hội vừa qua cũng không có nghị quyết Biển Đông. Mặc dù Hải Dương 981 đang ngự trị ở Việt Nam, đang ngự trị ở Biển Đông, Quốc hội vẫn nín lặng. Đến độ đài VOA phải rút tít là “Quốc hội Việt Nam câm lặng”. Một sự câm lặng cực kỳ đáng tủi hổ và còn hơn cái nữa là nhục nhã cho tất cả gần 500 ông bà đang ngồi trong một khán phòng, tiêu tốn một 1 tỷ đồng một ngày kia. Họ không chia sẻ được cái hoàn cảnh của dân chúng. Và thậm chí là một cái chuyện nhỏ như thế này thôi, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ra rả là sẽ đầu tư cho ngư dân để đóng tàu kiên cố để đi ra biển. Nhưng từ năm trước tới năm nay, đúng một năm rồi, cái chiến dịch đó gần như không có một hiệu ứng gì cả. Và ngư dân vẫn tiếp tục than là không thể vay vốn được từ các ngân hàng.
Các ngân hàng luôn mạnh miệng tuyên bố là sẵn sàng cho nông dân vay, cho ngư dân vay vốn. Nhưng đã gần như không làm cái gì cả. Và cho tới giờ, phản ánh của một số tờ báo như là báo Pháp luật TPHCM, báo Người lao động, hay là báo Tuổi trẻ đều cho thấy là người ngư dân đang rất thất vọng về cái chương trình vay vốn của họ.
Từ bức xúc giặc Trung đến giận dữ với nhà nước
NB Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi: Như vậy thì nhà nước lo cho dân cái gì, hay là nhà nước khư khư bám bờ và bám ghế?
Hãy hỗ trợ cho ngư dân kế sinh nhai nếu như họ không có đủ dũng khí tiến ra Biển Đông của chính đất nước mình. Nhưng điều đó đã không diễn ra. Ngư dân biết là giặc Trung luôn rình rập tấn công ngư dân Việt ngay trên vùng biển của Việt Nam, họ vẫn phải dong tàu ra khơi, vì chén cơm, vì manh áo… Vậy thì đừng có nói tới cái chuyện trưng cầu dân ý. Cái luật trưng cầu dân ý mà họ đang đưa ra để làm gì? Họ đã mất đi một cơ hội cực kỳ lớn và cái mất rồi thì không thể lấy lại được. Gió thoảng mây bay và cũng như đầu môi chót lưỡi của nhà nước này mà thôi.
Hiện nay, thay vì người ngư dân họ bức xúc với Trung Quốc thì bây giờ họ lại bức xúc lại với nhà nước Việt Nam. Và họ nhìn thấy cái bản chất hèn đốn của một số lãnh đạo Việt Nam trong việc không dám bảo vệ ngư dân. Và chúng tôi cũng muốn phải nhắc lại khi mà vừa mới thành lập Hội Nhà báo độc lập cũng đồng thời xảy ra cái vụ 13 ngư dân ở Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Giới ngoại giao Việt Nam không lên tiếng, không làm gì cho tới lúc báo chí nhà nước phát hiện ra. Do báo chí dồn dập lên tiếng, khi ấy bộ ngoại giao Việt Nam mới cử người sang Trung Quốc để điều đình. Và cũng may là Trung Quốc trả người.
Tôi nhắc lại những cái điều đó để cho chúng ta thấy rằng suốt từ năm 2011 khi mà Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam cho tới nay, khi mà ông Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc Hội hé môi về luật biểu tình cho tới nay, tất cả những gì được coi là tinh thần tự tôn, tự trọng trước người Trung Quốc, trước chế độ Bắc Kinh gần như cực kỳ mờ nhạt. Và điều đó không gây ra một ấn tượng tốt đẹp nào đối với dân chúng Việt Nam.
Nghiêm trọng lắm rồi !
Báo chí nhà nước đã không thể lên tiếng và thậm chí phải dùng từ “tàu lạ”. Chỉ đến gần đây, có lẽ là căng thẳng quá rồi, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên nói rằng, chủ quyền Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng.
Xin lưu ý tính từ “nghiêm trọng”. Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Sinh Hùng nói như vậy và lần đầu tiên ông Nguyễn Sinh Hùng dùng tính từ “nghiêm trọng”. Có nghĩa là mọi việc căng lắm rồi. Ông Dương Danh Hy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam ở Quảng Tây cũng nói là tình hình căng lắm rồi. Và có thể hiểu cái từ nghiêm trọng của ông Nguyễn Sinh Hùng chính là một cái từ có thể đã nằm trong cái văn bản gần đây của bộ chính trị Việt Nam trong đánh giá mối quan hệ Việt- Trung.
Và khi mà nghiêm trọng lắm rồi thì người ta làm gì, giới lãnh đạo Việt Nam làm gì? Bắt đầu mới bớt đu dây, bắt đầu thể hiện thái độ rõ ràng hơn một chút với Hoa Kỳ. Trong khi trước đây Hoa Kỳ đã chìa bàn tay cho Việt Nam. Trong khi từ tháng 6 năm trước đô đốc Mỹ của hạm đội ở Thái Bình Dương đã đánh tiếng là Việt Nam và Mỹ có thể, thậm chí là có thỏa thuận về chiến lược quân sự, hợp tác chiến lược quân sự, Việt Nam không làm gì cả. Và bây giờ thì mọi chuyện, thực ra thì cũng không quá trễ, nhưng mà cái điều mà trễ là trễ trong lòng dân. Và cái trễ trong lòng dân thì giới lãnh đạo Việt Nam không thể nào lấy lại được. Cho tới bây giờ thì người ta, giới lãnh đạo Việt Nam mới chỉ nghiêng về phía Mỹ một chút.
Tôi hy vọng
NB Phạm Chí Dũng nói: “Dù sao thì tôi có một hy vọng. Và hy vọng này có lẽ là cũng trùng với hy vọng của nhiều người, nhiều người hiện nay trong và ngoài nhà nước và ở hải ngoại là nói gì thì nói, chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng dự kiến là từ ngày 7/7 tới ngày 9/7 tới Wasington và được hứa hẹn là sẽ được tiếp ở nghi thức cấp cao nhất gặp Tổng thống Obama, hai bên có thể đạt được một số kết quả nào đó. Và cái kết quả trực tiếp trước mắt là điều mà tháng 5 vừa qua, ông Phùng Quang Thanh là bộ trưởng bộ quốc phòng Việt Nam đã ký một thỏa thuận về liên minh quân sự với ông Ashton Carter là bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ; và kỳ này tôi hy vọng là ông Nguyễn Phú Trọng mang về Việt Nam được cái phụ lục thỏa thuận quân sự. Tức là có nghĩa là chi tiết hơn, chi tiết hóa.
Hãy chưa nói vấn đề vũ khí sát thương Việt Nam mua được cái gì, vì việc đó nhỏ thôi. Cái vấn đề quan trọng là sự hiện diện của người Mỹ ở khu vực Biển Đông mới đáng giá. Và cũng chính vì cái sự hiện diện như vậy cho nên cho tới giờ Hải Dương 981 chưa dám thực chất vi phạm vùng biển lãnh hải Việt Nam, chỉ mới lấp ló gần gần đó mà thôi. Chứ còn nếu không có sự hiện diện của người Mỹ trong thời gian vài tháng vừa rồi thì tôi nghĩ chắc chắn là hiện nay Hải Dương 981 nó đang không phải là cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 dặm nữa mà có thể gần hơn rất nhiều. Đó là những điều tôi hy vọng là kỳ này chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng có thể đạt được và cái đạt được đấy không phải là đạt được cho Đảng của ông mà đạt được cho dân tộc Việt Nam”.