VNTB – Tôn giáo ở Việt Nam là một quyền tự do có định hướng chính trị

VNTB – Tôn giáo ở Việt Nam là một quyền tự do có định hướng chính trị

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Các nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước tiếp tục bị chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do hành đạo.

 

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 15-5-2023 công bố bản phúc trình thường niên 2022 về tình trạng tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam.

Trong phần báo cáo về Việt Nam, phúc trình nhận định là trong năm qua có sự cải thiện đối với các tổ chức tôn giáo nào được nhà nước công nhận, nhưng các nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước tiếp tục bị chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do hành đạo.

Các vi phạm cụ thể được nêu lên chi tiết trong bản báo cáo với những dẫn chứng đính kèm từ chính sách xóa bỏ đạo Dương Văn Mình và Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, ép các tín đồ Tin Lành người Hmong ở nhiều tỉnh miền Bắc và người Thượng ở khu vực Tây Nguyên bỏ đạo, cho tới buộc tháo dỡ các cơ sở thờ tự như chùa Thiên Quang và Sơn Linh thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Báo cáo nói hầu hết các lãnh đạo tôn giáo ở khu vực thành thị cho biết chính quyền thường cho phép họ hành đạo miễn là họ hợp tác với chính quyền và hành động theo các yêu cầu pháp lý và hành chính áp dụng cho các tổ chức tôn giáo.

Trong khi đó, các giáo phái tôn giáo không được công nhận ở Tây Nguyên và Tây Bắc và ở một số vùng của đồng bằng sông Cửu Long – đặc biệt là những nơi có tín đồ chủ yếu là người dân tộc thiểu số – thì báo cáo cho biết họ bị quấy rối bởi các quan chức chính phủ. Nhiều thành viên của các nhóm tôn giáo bị sách nhiễu cũng tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền, hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ chức chỉ trích chính quyền.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói đây là năm thứ tư liên tiếp chính quyền Việt Nam không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào, kể cả chi nhánh của các nhóm lớn hơn đã được phê duyệt trước đó. Một ví dụ được viện dẫn là Giáo hội Báp-tít Việt Nam trong năm đã nộp khoảng 40 đơn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập thể tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng rất ít đơn được duyệt.

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết đã có báo cáo về việc chính quyền địa phương ở Việt Nam cấm và phá rối các cuộc tụ họp và tịch thu các ấn phẩm của các nhóm tôn giáo khác nhau. Những tổ chức này bao gồm những tổ chức lâu đời như Giáo hội Công giáo và những tổ chức ít được biết đến hơn và chưa đăng ký như Hòa Hảo Thuần túy ở An Giang.

Theo quan sát của người viết, dường như đã không đồng cách hiểu về quyền tự do tôn giáo theo cách phổ quát chung của thế giới, và theo cách của riêng Việt Nam. Chính điều này dẫn đến chưa lần nào các báo cáo về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam được phía Mỹ ghi nhận là thật sự tự do như cách hiểu thông thường về tự do.

Công bằng mà nói, khoảng cách về “quyền tự do tôn giáo” ở Việt Nam hiện nay cải thiện đáng kể so với vài năm trước đây. Có thể dẫn chứng từ các chùa chiền thuộc tổ chức có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Nếu như trước đây nhiều chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thường xuyên bị o ép, thậm chí đến mức giam lõng như với trường hợp cố Đại trưởng lão Thích Quảng Độ (1928 – 2020), hay quản thúc đi lại với hòa thượng Thích Thiện Minh (Lộc Uyển), giám sát gần như 24/24 giờ với hòa thượng Thích Không Tánh,… thì nay tất cả đều cởi mở hơn, không còn cảnh ngăn chặn ‘bánh canh đầu ngõ’ như trước.

Những tự viện tiếp tục theo tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ở các địa phương, đặc biệt như tại Sài Gòn, Bình Định, Phú Yên vẫn được hoạt động bình thường so với các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thậm chí một hội đoàn dân sự có tên “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”, về cơ bản vẫn sinh hoạt, mà gần nhất là mấy hôm trước đã có một gặp gỡ với đoàn phụ trách về tôn giáo đến từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM.

Tuy nhiên với các tôn giáo như Hòa Hảo, Cao Đài ở tại những địa phương ngoài Sài Gòn thì “định hướng chính trị” từ chính quyền sở tại nặng nề hơn nhiều; và điều này đã được thể hiện xem chừng có phần cũng chưa đầy đủ trong các bản phúc trình thường niên về tình trạng tự do tôn giáo, khi đi sâu vào sự bức hại trong hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt trong hành lễ nghi thức tôn giáo của người dân ở các nơi đây.

Và cũng vì ở Việt Nam tôn giáo luôn chịu phụ thuộc vào định hướng chính trị nên vừa qua mới xảy ra chuyện Phật tử người Campuchia sinh sống lâu đời tại tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã tham dự buổi sinh hoạt của Phật giáo Khmer Krom, sau khi họ trở về nhà đã ‘bị mời cà phê’ từ công an ở hai địa phương này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    T Vy 10 months

    Thánh thần phật chúa tăng ni đạo sĩ gì gì cũng phải đặt dưới sự cai trị của đảng tất! độc tài toàn trị thì nó phải như thế. Nó có phải do người dân bầu ra đâu mà nó sợ dân? Ai lên tiếng chỉ trích thì đàn áp bằng bạo lực cướp mạng! cộng sản sợ nhất là tinh thần tử vì đạo của phe Hồi giáo cực đoan, thử hình dung xem các chiến binh hồi giáo, những đứa con của thánh Ala vĩ đại, sẵn sàng xông vào các trụ sở, văn phòng của cộng sản đánh bom cảm tử để cùng chết với chúng, thì chúng teo đến cỡ nào!