Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tổng Bí Thư Tô Lâm chỉ đạo sáng tác nghệ thuật

Hoàng Lan Mộc Châu

 

(VNTB) – Vận dụng mỹ học Mác-Lênin tạo ra một hệ thống “văn nghệ sĩ” xu nịnh và cơ hội chỉ biết cách “nói theo,” “viết theo,” và “vẽ theo”, để dễ dàng được trọng dụng.

 

Chiều cuối năm, 29-12-2024, Tổng Bí Thư Tô Lâm, người suốt đời lăn lộn trong ngành công an, đã nói chuyện với đại diện giới văn nghệ sĩ trong lần đầu làm tổng bí thư. Bài nói chuyện gợi vài suy nghĩ về yêu cầu của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong sáng tạo nghệ thuật, sự khác biệt giữa quan điểm sáng tạo nghệ thuật bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng chính trị (mỹ học Mác-Lênin) và sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật ở các xã hội dân chủ và về ông Tô Lâm.

Trong bài phát biểu khá văn vẻ, ông cựu bộ trưởng công an đã  chỉ đạo về việc sáng tạo nghệ thuật, “phải thấu hiểu chủ trương chiến lược mà  Đảng đang lãnh đạo thực hiện, thấu hiểu tình trạng đất nước, thấu hiểu cuộc sống của nhân dân, trên nền tảng mỹ học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có được những tác phẩm tái hiện đời sống một cách giản dị chân thành” 

Đây hẳn là sự khác biệt quan trọng giữa quan điểm sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh chính trị cụ thể (như Việt Nam với nền tảng tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh) và quan điểm sáng tạo nghệ thuật trong thế giới tự do, đặc biệt là khi đề cập đến “nền tảng mỹ học Mác-Lênin”. Ông tướng công an, nay là người đứng đầu trong hệ thống chính trị Việt Nam đã có chỉ đạo cứng nhắc theo chủ trương cộng sản từ trước đến nay. Văn hóa, văn học, nghệ thuật phải được định hướng, phải được xem là một công cụ để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, phải đặt quyền lợi của đảng lên trên hết, phải phục vụ các mục tiêu chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước. 

“Mỹ học Mác-Lênin”, là nền tảng tư tưởng cho sáng tác nghệ thuật với các nguyên tắc như tính hiện thực xã hội chủ nghĩa, tính giai cấp, tính đảng. Các tác phẩm nghệ thuật cần phản ánh hiện thực xã hội một cách chân thực, nhưng phải thể hiện được tinh thần lạc quan, cách mạng, và phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân. 

Tô Lâm trong bài này nói văn nghệ sĩ là những người luôn lạc quan nhất, “khẳng định sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng”. Khẳng định này của tướng công an Tô Lâm cũng hàm ý các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật luôn phải chịu sự kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt. Công khai hay ngấm ngầm, chế độ cộng sản luôn vẫn có sự kiểm duyệt nhất định đối với các tác phẩm nghệ thuật, bắt các sáng tác phải nằm trong khuôn khổ phù hợp với đường lối chính trị XHCN.

Điều này khác với thế giới tự do, trong đó người nghệ sĩ để lại dấu ấn sâu sắc của họ qua đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau. Nghệ sĩ được tự do thể hiện quan điểm, cảm xúc, và khám phá các hình thức nghệ thuật khác nhau mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ hệ tư tưởng hay áp lực chính trị nào. Dù chỉ 20 năm, vườn văn hóa nghệ thuật Việt Nam Cộng Hòa đã nở tung những chùm hoa lạ đầy màu sắc, hiện diện đa dạng phong cách và trường phái.  Mỗi nghệ sĩ có quyền tự do lựa chọn con đường riêng trong thế giới đa dạng, phong phú về phong cách và trường phái nghệ thuật, từ hiện thực, trừu tượng, siêu thực đến hậu hiện đại…

Trong môi trường tự do, thị trường người nghệ sĩ hướng đến việc tạo ra những tác phẩm thu hút người đọc, người thưởng lãm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của họ. Sự thành công của nghệ sĩ được đo bằng sự đón nhận của công chúng.

Do sự cạnh tranh trên thị trường và nhu cầu đa dạng của công chúng, nghệ thuật trong môi trường tự do thường rất đa dạng về phong cách, thể loại và hình thức biểu đạt. Nghệ sĩ được tự do thể hiện ý tưởng, cảm xúc và quan điểm cá nhân mà không bị kiểm duyệt hay áp đặt bất kỳ khuôn mẫu nào. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển của những phong trào nghệ thuật mới và những trào lưu văn hóa độc đáo.

Sáng tác phẩm trong chế độ XHCN chỉ được cho phép xuất bản, và đánh giá theo quy định và quyết định của nhà nước. Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc định hướng, kiểm duyệt và đánh giá nghệ thuật. Nghệ thuật được xem là công cụ phục vụ cho mục đích chính trị và tuyên truyền tư tưởng của đảng. Nghệ sĩ phải tuân theo những quy tắc và khuôn mẫu được nhà nước đặt ra, “đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng đã trở thành đội quân văn hóa của Đảng” Các tác phẩm phải ca ngợi chế độ, lãnh tụ, đấu tranh và phản ánh cuộc sống theo hướng lý tưởng hóa. 

Bất kỳ tác phẩm nào bị coi là “lệch lạc” về tư tưởng hoặc không phù hợp với đường lối của Đảng đều bị cấm đoán, tác giả có thể bị đấu tố, tù đầy như vụ Nhân văn Giai Phẩm. Do sự kiểm soát của nhà nước, nghệ thuật trong chế độ xã hội chủ nghĩa thường thiếu sự đa dạng về phong cách và thể loại. Các hình thức nghệ thuật thử nghiệm, trừu tượng thường bị coi là “xa rời quần chúng” và bị phê phán.

Do nhà nước bao cấp và phân phối, thậm chí nghệ sĩ còn được hưởng lương hay trợ cấp, sự cạnh tranh giữa các nghệ sĩ thường không có, hay có chăng là sự cạnh tranh phô diễn lòng trung thành với đảng. Điều này cũng có thể dẫn đến sự trì trệ và thiếu động lực sáng tạo và sự đố kỵ ganh ghét, tố cáo lẫn nhau.

Việc nhấn mạnh “nền tảng mỹ học Mác-Lênin” trong sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam mà Tô Lâm quật mồ cho thấy ông ta còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng lạc hậu này. Người nghệ sĩ Việt Nam sau gần một thế kỷ bị “nền tảng mỹ học Mác-Lênin” đè nén đã thấy rõ đặc điểm riêng của các nước theo hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, từng dẫn đến sự gò bó, hạn chế sự sáng tạo nghệ thuật. 

Một số nguyên tắc của mỹ học Mác-Lênin, được hình thành trong bối cảnh lịch sử cụ thể, không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Tô Lâm than phiền,so với thời kỳ kháng chiến kiến quốc, hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn đổi mới đất nước đang có phần chững lại, kém khí thế nhiệt huyết; thiếu vắng những tác phẩm có sức khái quát nghệ thuật cao, có năng lực hiệu triệu, lay động, cổ vũ, khích lệ toàn dân, toàn quân muôn người.”

Có vẻ như có một sự ngầm chắt lọc hay loại trừ trong giới văn nghệ sĩ để được đảng trọng dụng là việc Tô Lâm đòi hỏi nghệ sĩ phải “thấu hiểu” và vận dụng mỹ học Mác-Lênin, có nghĩa là họ phải được đào tạo chuyên sâu về lý luận chính trị, nói khác đi họ phải là đảng viên cao cấp. 

Hệ quả của việc “chắt lọc” và “loại trừ” khiến sáng tạo nghệ thuật đã bị hạn chế lại bị đóng khuôn vào một số đảng viên. Họ phải-hay vui mừng- sáng tác theo những khuôn mẫu và quy tắc được định sẵn, không được tự do thể hiện ý tưởng và cảm xúc cá nhân. Kiểu cách này tạo ra sự đồng nhất về tư tưởng trong giới văn nghệ sĩ. Những nghệ sĩ có tư tưởng khác biệt hoặc không tuân theo sẽ bị loại trừ hoặc bị cô lập, bị đấu tố bởi đảng và đồng nghiệp. Do vậy tính chính trị cộng sản và giai cấp của tác phẩm được đặt lên hàng đầu, tính nghệ thuật nếu có là thứ yếu, những tác phẩm chỉ chú trọng đến tuyên truyền chính trị mà bỏ qua giá trị nghệ thuật sẽ được đánh giá cao, đại khái như những “tác phẩm” của Chu Lai.

Vận dụng mỹ học Mác-Lênin tạo ra một hệ thống “văn nghệ sĩ” xu nịnh và cơ hội chỉ biết cách “nói theo,” “viết theo,” và “vẽ theo”, để dễ dàng được trọng dụng. Nghệ thuật trở nên đơn điệu, thiếu tính đa dạng và phong phú.

Trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc, những tác phẩm nghệ thuật chỉ được phép ca ngợi Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản. Những tác phẩm có nội dung khác biệt đều bị coi là “phản cách mạng” và bị cấm đoán. Liên Xô, đặc biệt dưới thời Stalin, “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” được áp đặt một cách nghiêm ngặt. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đều phải sáng tác theo khuôn mẫu này.Tại Việt Nam thì không cần nói thêm, trước 1975 nghệ thuật miền bắc rập khuôn Nga – Tàu. Sau 1975, văn hóa, miền Nam bị triệt tiêu, nghệ sĩ, nhà văn bị ruồng bỏ, tù đày thậm chí bị ám sát.

Tô Lâm  yêu cầu “nghệ thuật phải giản dị”. Đúng là có một sự mâu thuẫn nhất định khi áp đặt tính “phải giản dị” lên nghệ thuật, bởi vì bản chất của nghệ thuật là đa dạng và phong phú, bao gồm cả những tác phẩm giản dị lẫn những tác phẩm cầu kỳ, phức tạp.

Có thể thông cảm cho Tô Lâm khi nói “nghệ thuật phải giản dị” trong bối cảnh chính trị, xã hội nhất định (như đã thảo luận về mỹ học Mác-Lênin), nếu ông ta nghĩ “giản dị” là tác phẩm nghệ được quần chúng nhân dân dễ dàng hiểu và cảm thụ, tránh sự khó hiểu, trừu tượng, xa rời thực tế. Nhưng yêu cầu “phải giản dị” này mâu thuẫn với bản chất đa dạng và phong phú của nghệ thuật được thể hiện qua vô vàn hình thức khác nhau, từ hội họa, điêu khắc, âm nhạc, văn học đến điện ảnh, sân khấu… Mỗi hình thức lại có những đặc trưng riêng, có thể đòi hỏi sự phức tạp, cầu kỳ khác nhau. Nghệ thuật là phương tiện tự do biểu đạt cảm xúc, ý tưởng, và thế giới quan của người nghệ sĩ. 

Đôi khi, để diễn tả những cảm xúc phức tạp, những ý tưởng sâu xa, người nghệ sĩ cần sử dụng những hình thức biểu đạt phức tạp, cầu kỳ. Nghệ thuật luôn khuyến khích sự sáng tạo và thử nghiệm. Việc áp đặt “phải giản dị” có thể hạn chế sự sáng tạo và khám phá những hình thức nghệ thuật mới. Đó, phần lớn, có thể hiểu như một hình thức đàn áp tư tưởng.

Nghệ thuật phải có giá trị, có ý nghĩa, và phục vụ con người, dù được thể hiện qua hình thức giản dị hay phức tạp. Một bài hát ru con có thể rất giản dị về giai điệu và lời ca, nhưng vẫn chứa đựng tình cảm sâu sắc và giá trị nghệ thuật cao. Một bức tranh trừu tượng có thể rất phức tạp về bố cục và màu sắc, nhưng lại thể hiện những cảm xúc và ý tưởng sâu xa về con người, thế giới hay vũ trụ. Người cộng sản rất sợ sư đa diện, đa tư tưởng mang tính tự do.

Tô Lâm nói Nghệ Thuật phải giản dị. Nếu “giản dị” được hiểu một cách máy móc, áp đặt, thì đó là nhận thức phiến diện, hạn chế sự phát triển của nghệ thuật. Ngược lại, nếu “giản dị” được hiểu là một trong những phương thức biểu đạt, hướng đến quần chúng, đồng thời tôn trọng sự đa dạng và sáng tạo, thì đó là nhận thức khá đầy đủ và sâu sắc hơn.

Khi nhấn mạnh “nghệ thuật phải giản dị,”, dù “giản dị” được hiểu theo nghĩa nào (dễ hiểu, gần gũi quần chúng, phản ánh hiện thực…), thì vẫn có thể Tô Lâm khó tiếp cận và đánh giá cao những tác phẩm như tranh trừu tượng của Picasso hay truyện “Trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez.

Tranh trừu tượng của Lê Thị Lựu, Bùi Xuân Phái phá vỡ những hình thức hiện thực thông thường, tập trung vào việc biểu đạt ý tưởng, cảm xúc, hoặc cấu trúc bên trong của sự vật. Người xem phải có khả năng tư duy trừu tượng, liên tưởng, và chấp nhận sự đa nghĩa. Tô Lâm hay bất kỳ ai với quan điểm “nghệ thuật phải giản dị,” tức là dễ hiểu, dễ nhận biết hình ảnh, sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và cảm thụ tranh trừu tượng. Họ có thể cảm thấy khó hiểu, khó chịu, thậm chí cho rằng đó không phải là nghệ thuật. Có lẽ Tô lâm không thể hiểu tranh Lê Thị Lựu, đơn giản trừu tượng mang  ý nghĩa tâm linh và tinh thần, hay Nguyễn Gia Trí người nghệ sĩ của VNCH đầy sáng tạo và tự do.

“Trăm năm cô đơn” là một tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa hiện-thực-huyền-ảo, kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kỳ ảo, huyền thoại. Tác phẩm sử dụng nhiều biểu tượng, ẩn dụ, và cấu trúc thời gian phức tạp, đòi hỏi người đọc phải có khả năng tư duy đa chiều, chấp nhận sự phi lý, và sẵn sàng khám phá những tầng ý nghĩa sâu xa. Tô Lâm với quan điểm “nghệ thuật phải giản dị,” tức là kể chuyện rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, sẽ khó có khả năng tiếp nhận được lối viết phức tạp và giàu tính biểu tượng của của Gabriel García Márquez. Tô Lâm có thể cảm thấy khó theo dõi cốt truyện, khó hiểu ý nghĩa của các chi tiết, và cho rằng tác phẩm quá khó hiểu, xa rời thực tế.

Xuyên qua vài ý tưởng của Tô lâm trong buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ mà đảng luôn xem là lực lượng nòng cốt cùng đảng định hình tư tưởng và nhận thức của người dân có thể đoán chừng ông ta, Tổng Bí Thư, nguyên bộ trưởng công an, người đã từng tra bàn tay sắt, đẫm máu vào rất nhiều vụ khủng bố chết người, như giết cụ Lê Đình Kình, thảm sát dân bản địa tây nguyên, tàn sát người Thiên Chúa Giáo Mông, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh..khó lòng chấp thuận đổi mới xã hội Việt Nam tự do dân chủ.

 

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nguyễn Phú Trọng nhắc khéo Tô Lâm vụ “đớp bò vàng” để xây vững ngôi vị cho tân chủ tịch nước

Do Van Tien

VNTB – Tô Lâm tiếm quyền, vì Nguyễn Phú Trọng ngày càng yếu 

Do Van Tien

VNTB – Hợp đồng mang mật danh “Khơ Me Đỏ” của Tô Lâm

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo