Một tuần sau khi kết thúc kỳ họp thứ 11 quốc hội để “kết quả triều đại Nguyễn Tấn Dũng”, người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam bắt đầu có một hoạt động nội chính đáng lưu tâm. Ngày 18/4/2016 trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Trọng đã thể hiện thái độ sốt ruột và yêu cầu đưa ra xử một số vụ trọng án: “…Kết luận đến đâu xử lý đến đấy, không cầu toàn chờ làm cùng một lúc, vụ nào có điều kiện thì làm trước”.

Hình Internet.
Trong số những vụ trọng án mà ông Trọng nêu ra, có hai vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.
Vụ bắt lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng nổ ra vào tháng 7/2014.
Còn vụ bắt lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương xảy ra vào tháng 10/2014, ngay trước kỳ họp quốc hội. Người bị bắt – Tổng giám đốc Hà Văn Thắm – được đồn đoán có quan hệ thân thiết với một lãnh đạo cấp cao của Quốc hội Việt Nam. Vào thời gian đó, thậm chí còn có một băng ghi âm được tung lên mạng, được cho là ghi lại phát ngôn của ông Thắm về vị lãnh đạo quốc hội đó.
Vào năm 2015, đảng đã chỉ đạo đưa 8 vụ trọng án ra xét xử. Tuy nhiên chỉ mới một tỷ lệ nhỏ trong đó được “hoàn thành nhiệm vụ”.
Mới đây, Thanh tra chính phủ công bố quyết định thanh tra Vietcombank – ngân hàng thuộc loại lớn nhất trong hệ thống ngân hàng nhà nước. Mặc dù Thanh tra chính phủ cho biết đây là công việc thanh tra bình thường, nhưng một số dư luận lạ cho rằng có dấu hiệu khối nội chính đang muốn “đánh” ngân hàng.
Một số biểu hiện tập trung xét xử, thanh tra và điều tra vào giới ngân hàng từ trước đại hội 12 và đặc biệt gần đây cho thấy có thể bên đảng đang muốn tiến hành một chiến dịch, chưa biết với quy mô và độ sâu nào, nhắm vào giới ngân hàng và “sân sau” của một số quan chức nào đó.
Trong nhiều năm trước, ngân hàng được xem là nhóm lợi ích liên quan đến quyền lực thao túng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Người được xem là “cánh tay mặt” của Thủ tướng Dũng chính là Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Nhưng sau đại hội 12, kết quả hết sức trái ngược: trong khi Nguyễn Tấn Dũng bị loại trắng tay khỏi hầu hết các vị trí quyền lực, Nguyễn Văn Bình lại “nhảy” lên Bộ chính trị.
Tuy nhiên có vẻ bên đảng đã sắp sẵn đối sách với trường hợp tân ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình. Sau kỳ họp thứ 11 quốc hội, ông Bình không còn được làm thống đốc ngân hàng hoặc giữ chức phó thủ tướng chính phủ như một số tin đồn trước đó, mà được “đá lên” Ban Kinh tế trung ương. Tại cơ quan này, công việc chủ yếu là “định hướng”. Nhiều quan chức khối cơ quan đảng lại rất rành trà đạo và chơi cờ tướng.
Lê Dung/ SBTN