Anh Văn
(VNTB) – Nếu như xét trên những lợi ích áp lực địa chính trị của Việt Nam đối với Trung Quốc thì tuyên bố lặp lại của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển về việc, TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì cũng đúng về một mặt nào đó.
Chính trị – sự nứt trục Á châu
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược ngoại giao xoay trục Á châu của Mỹ. Bởi ngay từ năm 2013, ông Danny Russel, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương, còn nói rõ thêm về vị trí của Việt Nam và Đông Nam Á trong chính xác định “Việt Nam là một tác nhân chủ chốt trong ASEAN vào một thời điểm mà sự tham gia của Mỹ vào trong các tổ chức (khu vực) […] là một đối tác đàm phán quan trọng của Hiệp ước thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP”.
Trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia nổi trội trong va chạm chủ quyền và là nước phản ứng gay gắt với các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông với những nước cờ thích hợp trong tương tác chiến lược địa chính trị. Việc Mỹ gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam chính là xác tín điều đó, tạo điều kiện hơn nữa trong bổ trợ vai trò bảo vệ an ninh hang hải của Mỹ tại vùng biển Đông nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi Trung Quốc đã thành công một phần nào đó trong quan hệ với Philippines, Malaysia, Campuchia,… thì vai trò đối trọng tiềm lực của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong sự kiềm hãm mối đe dọa đến từ Bắc Kinh của Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách xoay trục Á Châu thời kỳ Tổng thống Trump có thể thay đổi, khi ông đề ra chính sách đối ngoại chính trị nhấn mạnh đường lối giao “tự chủ” cho các nước, tức là chính sách đối ngoại biệt lập thì có thể khiến Việt Nam mất đi công cụ ngoại giao, chiến lược quan trọng trong xử lý vấn đề Trung Quốc tại Biển Đông, cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu cũng bị phá vỡ. Trong khi đó, Việt Nam có thể tìm kiếm một sự hợp tác về chính trị – an ninh hàng hải với các đối tác song phương có trùng quan điểm “quan ngại” nguy cơ trỗi dậy quân sự của Trung Quốc trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,…
Đó là lý do vì sao, trong bài phỏng vấn trên Vietnamnet, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định: TPP có thể chậm lại, đàm phán thêm. Nhưng bỏ TPP sẽ mất đi một khoảng trống quyền lực đối với Trung Quốc. Như vậy Mỹ thiệt, đồng minh của Mỹ thiệt chứ không phải Việt Nam.
TPP – mất sức hấp dẫn
Với công cụ thứ hai của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương là TPP đã có nguy cơ bị mất sức hút, khi ông Trump lên tiếng đòi rút khỏi hiệp định thương mại này. TS Lê Hồng Hiệp trong một bài đánh giá có liên quan đã diễn giải (*), quan hệ Việt – Mỹ là quan hệ kinh tế lẫn an ninh, Việt Nam sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu ông Trump thực hiện đúng lời hứa bảo hộ kinh tế (bằng cách tăng thuế nhập khẩu) trong chiến dịch tranh cử của mình. Bởi lẽ, Mỹ là thị trường chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam cũng như loại bỏ TPP. Đặc biệt, trong bài diễn văn gặp gỡ giữa Trump và Thời báo New York, có chỉ ra ra, khi ông lên nắm quyền, FDI của Mỹ vào Việt Nam sẽ đi xuống.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể sống mà không có TPP, bởi theo ông, nếu không có TPP thì sẽ xuất hiện một thứ khác, vì quan điểm là xu hướng của thế giới.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thực tế hơn, chỉ ra rằng, nếu nhìn ở một hướng khác, thì TPP sẽ có hiệu ứng ngược đối với Việt Nam, nhất là trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Một trong số đó là, các dự án “dệt may sợi” của Trung Quốc đã và đang đi tắt đón đầu trong xây dựng cơ sở tại Việt Nam nhằm hưởng lợi từ TPP – thậm chí nó lộ rõ ý đồ “thâu tóm”, quản lý chuỗi dệt may của các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. Điều này cho thấy, bản thân TPP ngay cả những điều kiện thuận lợi nhất của Việt Nam là “dệt may” cũng đều bị tước bỏ, thì không dám chắc những lợi ích còn lại mà đáng ra Việt Nam được hưởng lại không tác dụng ngược trở lại.
(*) http://www.straitstimes.com/opinion/us-vietnam-blow-to-economy-and-security