VNTB – Trả lại vốn đầu tư công

VNTB – Trả lại vốn đầu tư công

Định Tường

(VNTB) – Có 17 bộ, địa phương đề xuất trả vốn với tổng số tiền 6.827 tỷ đồng.

 

Có 6 bộ, 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn, gồm các bộ Công Thương, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh.

Bộ Tài chính cũng nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá là 6.827 tỷ đồng.

Vốn trên giấy?

Theo báo cáo, ước giải ngân đến cuối tháng 9-2022 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Có 12 bộ, ngành, địa phương tỉ lệ giải ngân trên 70%. Giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỷ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, đến ngày 23-9, TP.HCM giải ngân được 10.877 tỷ đồng trong tổng số 37.997 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25%. Năm 2022, Quốc hội và Thủ tướng giao vốn cho TP.HCM gần 52.000 tỷ đồng, sau này giao thêm và tăng lên khoảng 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TP.HCM là địa phương cân đối ngân sách, với tỷ lệ điều tiết 21%, thành phố phải bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại mới chi đầu tư phát triển.

Năm 2022, Hội đồng nhân dân TP.HCM cân đối nguồn thu, bảo đảm chi được 42.508 tỷ đồng. Trong số này, có 4.478 tỷ đồng là khoản bội chi ngân sách từ nguồn vay nước ngoài nhưng nhiệm vụ chi chưa rõ, do đó Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh giảm thêm khoản này, khi đó TP.HCM chỉ còn chi 37.997 tỷ đồng và là con số thống nhất để tính tỷ lệ giải ngân. Như vậy, so với tổng vốn được Thủ tướng giao ban đầu, nguồn vốn đầu tư công mới của TP.HCM giảm khoảng 16.000 tỷ đồng.

Vướng vì mặt bằng?

Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm mà TP.HCM nêu ra đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số dự án tồn tại chục năm nay, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Tuy nhiên, vừa qua, TP.HCM đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng lập tổ công tác chuyên về giải phóng mặt bằng để tập trung các địa bàn có khối lượng lớn và phức tạp như Thủ Đức và một số quận huyện. Dự kiến trong tháng Mười này sẽ cơ bản tháo gỡ được giải phóng mặt bằng trên 90% để phục vụ triển khai các dự án.

Một nguyên nhân nữa, đó là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy móc… làm cho nhà thầu thi công cầm chừng. Lãnh đạo TP.HCM đã gặp từng nhà thầu cụ thể trong từng dự án để tháo gỡ, thuyết phục. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên đề (dự án vốn lớn, ODA, giải phóng mặt bằng), rà soát từng dự án, làm việc, tổ chức giao ban định kỳ với từng chủ đầu tư lên kế hoạch giải ngân từ đây đến cuối năm. Nhiều dự án khả năng đến cuối tháng 11, tháng 12 năm nay giải ngân đạt kế hoạch.

Ở đâu cũng tắc như nhau

Tình hình tương tự với Hà Nội.

Đến ngày 23-9, Hà Nội giải ngân hơn 17.170 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch. Trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Hà Nội gặp 4 điểm nghẽn, nút thắt. Thứ nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.

Thứ hai là khó khăn do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu. Thứ ba, dự án ODA có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ tư, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong thực hiện chỉ giới đường đỏ, quy hoạch, tuân thủ quy định chuyên ngành.

Một phản biện về thực trạng trên, đó là có tình trạng bộ ngành, địa phương vẽ ra kế hoạch, vẽ dự án nhưng lại không gắn nhu cầu thực tiễn do không có sự đầu tư khảo sát, nghiên cứu. Vì thế, khi được phân bổ vốn, triển khai thực hiện dự án mới phát sinh bất cập, vướng mắc và không sát thực tế. Thêm nữa là tư duy nhiệm kỳ đã tác động đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tạo ra độ trễ, ảnh hưởng tới sự thống nhất, liên tục của quy hoạch.

Thực tế cho biết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã có từ nhiều nhiệm kỳ chính phủ, như “căn bệnh trầm kha” nhưng vẫn chưa có “thuốc giải” hữu hiệu khi mà quản trị quốc gia vẫn chịu sự định hướng toàn diện từ Bộ Chính trị.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 1 year

    Tập trung xây tượng đài thôi!