Phạm Tuân
(VNTB) – Người Do Thái cắm cây gậy xuống sa mạc và cây gậy ấy thành cây xanh cho hoa thơm trái ngọt, còn chúng ta tàn phá rừng vàng, biển bạc, đồng bằng màu mỡ, thành sa mạc… chỉ để cho lũ con hoang đàng phè phỡn, tại sao ta im lặng?
.jpg)
Chuyện cũ, chuyện mới
Cách đây khoảng 2 năm, báo đăng tin một thanh niên gục ngã vì đói lả, nhiều người bạn của tôi khi đọc tin ấy xót xa, thương cảm và buồn về thời ta sống. Cảm giác của tôi cũng xót xa, nhưng nó là thứ cảm giác hỗn độn với bao suy tư, điều tôi nghĩ đầu tiên và ngay lúc ấy là hình ảnh của con trai tôi, với tương tượng rằng một lúc nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó nó cũng có thể giống anh thanh niên kia…và nếu thế thì đáng giận quá, bởi vì với tuổi trẻ nhựa sống tràn trề mà gã gục vì không có hạt cơm bỏ bụng cũng nên xét lại bản thân, chuyện cơ nhỡ, cùng đường không chừa ai, “ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hoá ra ăn mày” thế đấy nhưng lưa chọn đứng dậy để sống đến giọt sống cuối cùng hay ngã gục lại do bản thân lựa chọn. Sống như ngày cuối cùng hay chết khi đang sống là do mỗi người chứ không do hoàn cảnh.
Gần đây báo đưa tin về hai cậu thanh niên cướp ổ bánh mỳ vì đói quá bị phạt án tù, giữa những ầm ầm lên án toà án vô nhân đạo, có bạn hỏi tôi rằng:” ý kiến của anh về việc này thế nào?”. Đắn đo lắm bởi kiến giải của tôi chỉ là ý kiến của một tay thợ, tôi không phải nhà giáo, không phải quan toà, không phải là nhà đạo đức học, nên những ý kiến về việc này hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân, và những câu ca dao tục ngữ tôi đươc nghe mẹ tôi đọc, ru em mà nhớ được để làm nền cho ứng xử ở đời.
Hãy bình tĩnh đọc kỹ dòng tin, gạt sang một bên những định kiến về thời đại rực rỡ này để xem xét bản chất vụ việc. Hai thanh niên đó khoẻ mạnh, một trong hai đang đươc tại ngoại để điều tra về một vụ trộm cắp tài sản, còn một cậu bỏ nhà đi. Trước khi họ cướp ổ bánh họ chơi game cả đêm, và có cả xe máy để gây án, như vậy có thể nói họ cùng đường không? Người bị họ cướp là một người lao động lam lũ, kiếm sống bằng bán bánh mỳ, vậy người đó có đáng được bảo vệ không? Tại sao hai thanh niên đó có tiền chơi game mà không có tiền mua bánh? Tại sao họ không xin khi quá đói mà phải cướp? Có ai trong số chúng ta nỡ đặt vào tay anh em một hòn đá khi họ chìa tay xin miếng bánh không? Hành vi cướp của hai cậu bé này có xuất phát sâu xa về coi thường đồng loại, đáng bị trừng phạt? (còn trừng phạt thế nào do các nhà làm luật). Ai trong số chúng ta cũng mong đươc bình an, sống trong xã hội an toàn vậy ta chọn dung dưỡng cho cái ác vì bảo nó là nhỏ, để mai này nó sẽ lớn hay trừ nó đi?
Hãy nhớ những kẻ sát thủ máu lạnh gần đây nhất đều là ở độ tuổi này, đều bỏ nhà lang thang trong phòng game đến trộm vặt rồi mới trở thành kẻ giết người máu lạnh. Với tư cách là một người cha, nếu con trai tôi rơi vào hoàn cảnh của hai cậu thanh niên kia tôi đồng ý với án phạt nó phải trả giá, và tôi cũng tự mang một án phạt nặng nề với toà án lương tâm vì đẻ con ra mà không dạy đươc con để gây hại cho xã hội. Nếu tôi là nhà quản lý xã hội, vụ án cướp bánh mỳ sẽ được coi là Đại Án mà bị cáo là những người lập pháp, là những nhà đạo đức, nhà giáo dục và bộ máy nhà nước.
Chuyện anh công an bật nhảy
Về việc này xin nói bằng cách nói của bạn tôi rằng:” cả hai (thanh niên đi ngược chiều và anh công an) đều làm các việc mà theo quy đinh của pháp luật họ không được làm”. Ở một xã hội công bằng nghiêm minh các hành vi sai trái đều bị lên án, không thể ngụy biện rằng vì anh sai tôi mới sai, giả sử anh cảnh sát kia khi băng ngang đường vô lối như vậy mà bị một xe đang lưu thông lao vào thì sao? Giả sử hai thanh niên ấy không ngã vào dải phân cách mà ngã vào bánh xe ô tô đang lưu thông thì sao?
Ngăn ngừa những hành vi càn quấy đó thế nào cho an toàn và hợp lý, đó là trách nhiệm của người nhận lương bằng tiền thuế của dân, người dân có quyền yêu cầu các công bộc của họ chứ không phải thỉnh cầu xin xỏ,các vị quản lý nếu không đáp ứng được thì từ chức đi, nhìn các nước mà học về liêm sỉ của chính phủ và của quan chức quốc gia. Đó là kiến giải của tôi.
Hoàn cảnh
Khó lắm anh ạ, chúng ta đang sống trong một xã hội thế này, thế kia… Đó là câu tôi hay gặp nhất, cái khôn lanh an toàn cho bản thân và cách nghĩ duy tình là cái kén bọc những ung nhọt ngày càng nhiều càng lớn trong xã hội. Nếu muốn sống cho ra hồn một con người thì xin đừng đổ cho hoàn cảnh tại sao bạn muốn công bằng mà bạn lại im lăng trước các ngang trái?
Tại sao bạn lại sợ hãi đến không cả dám like những lời nói thật? Tại sao bạn đi bỏ phiếu cho những người bạn biết rất ít về họ để họ đai diện cho quyền lợi của bạn? Tại sao bạn không dám đứng thẳng nhìn thăng một con người, tại sao bạn im khi biển chết, rừng bị phá, thuế bị tham nhũng và gánh nặng nợ công đè lên cả đứa trẻ mơi sinh mà lãng phí ăn cắp ở khắp nơi? Hoàn cảnh sống của chúng ta bây giờ có phần lỗi do ta tạo lên.
Người Do Thái cắm cây gậy xuống sa mạc và cây gậy ấy thành cây xanh cho hoa thơm trái ngọt, còn chúng ta tàn phá rừng vàng, biển bạc, đồng bằng màu mỡ, thành sa mạc… chỉ để cho lũ con hoang đàng phè phỡn, tại sao ta im lặng?
Trách ai đây, hay trách chính bản thân ta?