(VNTB) – Phạm Minh Chính chỉ đạo trong 1 tháng phải tấn công nạn hàng giả ở Việt Nam, nhưng nếu không xử lý được thì ai chịu trách nhiệm, hay đâu lại vào đó?
Sau hàng loạt vụ kẹo giả, sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả bị lộ ra thì bây giờ Phạm Minh Chính mới có động thái yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong các vụ việc này. Theo đó, ngày 15/5 thì ông Chính mới ký công điện số 65 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Công điện này đặt ra mốc thời gian là từ ngày 15/5 tới 15/6 phải mở đợt tấn công hàng giả và là, rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, cấp phép, kiểm định. Đồng thời thủ tướng cũng chỉ đạo thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn – Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia – làm Tổ trưởng; thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương, Y tế.
Công điện cũng yêu cầu cả Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cũng phải lập tổ công tác tại địa phương để “quyết liệt chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn,…” (1)
Đọc hết công điện thì chỉ thấy Phạm Minh Chính đổ trách nhiệm cho các bộ ngành về vấn nạn hàng giả, nhưng không thấy ông thủ tướng nhận trách nhiệm ở đâu. Nếu sai phạm chỉ xảy ra một cách cục bộ, lỗi do một ban ngành nào đó gây ra thì có thể truy trách nhiệm cho ban ngành đó. Hoặc nếu chỉ xảy ra ở một địa phương, tỉnh, thành phố nào thôi thì có thể điều tra quan chức ở địa phương đó.
Nhưng vấn nạn này xảy ra trên khắp Việt Nam, địa phương nào cũng có hàng giả. Hàng loạt cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thị trường, quản lý y tế, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thương mại, bản quyền, sở hữu trí tuệ. Lực lượng quân đội, công an thì lên tới hàng triệu lính, mỗi năm tốn cả triệu tỷ đồng để nuôi cả bộ máy nhà nước… Dân chỉ cần động tĩnh gì là cán bộ có mặt ngay lập tức. Vậy mà vẫn để hàng lậu, hàng giả mặt sức tuồn vào Việt Nam, tràn lan trên thị trường.
Chỉ cần mở tivi, điện thoại, mạng xã hội lên là thấy quảng cáo hàng giả. Không chỉ là các trang mạng tư nhân quảng cáo, mà ngay cả Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), các trang báo nhà nước cũng quảng cáo sữa giả, thực phẩm giả. Còn người quảng cáo thì đâu phải chỉ có các diễn viên, ca sỹ, mà còn các các tướng tá mặc quân phục quân đội CSVN; thậm chí trong bệnh viện thì chính bác sỹ, y tá cũng tiếp tay bán sữa giả (như trường hợp bệnh viện Quân đội 108).
Mô tả lại như vậy để thấy tổng quan về tình hình hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam. Nó không chỉ ảnh hưởng tới túi tiền của người dân mà còn là đầu độc cả dân tộc, suy yếu nòi giống Việt Nam mãi mãi về sau! Đừng hỏi tại sao người Việt càng ngày càng chịu nhiều bệnh tật, thể trạng ngày càng đi xuống so với thế giới.
Bây giờ ông Chính ra công điện chỉ đạo trong 1 tháng phải “tấn công ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…” thì đó chỉ là trò mị dân, chứ làm sao 1 tháng mà xử lý được hết trên toàn cõi Việt Nam. Chỉ đạo như vậy, rồi không xử lý được thì ai chịu trách nhiệm, hay hết thời gian 1 tháng rồi huề cả làng, đâu lại vào đó?
Khi mà cả xã hội điêu đứng, tràn ngập hàng giả từ trên mạng tới ngoài đời thì trách nhiệm chính là ở những kẻ đứng đầu Bộ Chính trị, như thủ tướng, tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội. Họ là những kẻ xây dựng và quản lý hệ thống tham nhũng, tha hoá hiện nay. Lãnh đạo không đủ tâm, đủ tầm để bảo đảm một đất nước an toàn cho người dân thì họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng có lẽ điều đó chỉ xảy ra ở các nước dân chủ, còn dưới chế độ cộng sản độc tài Việt Nam thì cứ mãi “trăm dâu đổ đầu dân”: lãnh đạo sai, dân phải chịu trách nhiệm…
____________________
Tham khảo: