Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trái phiếu cao tốc: người dân coi chừng dính bẫy

Dân Trần

 

(VNTB) – Mua trái phiếu nhà nước lãi thấp hơn lãi ngân hàng thì sẽ không theo kịp tốc độ lạm phát hiện nay, tới khi muốn bán ra thì không đúng kỳ hạn là lại chấp nhận lỗ tiếp.

 

Hôm 3/10, ông Phan Văn Mãi vừa có lời kêu gọi người dân mua trái phiếu đóng góp làm metro. Theo đó, chủ tịch TP HCM nói: “Đây là dự án lớn, cần huy động sức dân. Với sức của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm được việc lớn lao, thậm chí là làm được những dự án hàng trăm tỷ đô”.

Dự án đường sắt đô thị (metro) này có số vốn dự kiến là 36 tỷ đô la, dự kiến tới năm 2035 sẽ hoàn thành với chiều dài 183km. Ông Mãi khuyên người dân mua trái phiếu đường sắt đô thị do nhà nước phát hành để đóng góp kinh phí cho dự án. “Bà con gửi tiền vào ngân hàng có thể lãi suất cao hơn nhưng mua trái phiếu là cùng đóng góp xây dựng thành phố”, chủ tịch TP HCM nói.

Như vậy, lãnh đạo TP HCM thừa nhận mua trái phiếu sẽ không có lời bằng gửi ngân hàng, nhưng mua trái phiếu là giúp nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng. Tức là dân chịu lỗ một chút nhưng có thể góp phần xây dựng cầu – đường – trường – trạm… Có điều, lỗ là cái chắc, nhưng chưa chắc xây được cái gì! 

Như ông Phan Văn Mãi nói, từ nay tới 2035, TP HCM sẽ xây 183km metro, trong khi đó, hiện nay thành phố này vẫn chưa có 1km metro nào. Tuyến đầu tiên (Bến Thành -Suối Tiên) dài 19,7km, xây từ năm 2008, dự kiến tới 2014 là xong. Nhưng có thể phải tới cuối năm nay (2024) mới vận hành. Như vậy, tính về thời gian xây dựng là đã bị kéo dài thêm tới 10 năm. Còn về tiền, mức đầu tư ban đầu là 17 ngàn tỷ, năm 2011 bị điều chỉnh lên thành 47 ngàn tỷ. 

Đó là chỉ 19,7km ban đầu thôi mà đã mất 16 năm vẫn chưa xong, vậy 183km thì bao giờ mới xong? Dự tính năm 2035, nhưng liệu 2045 hoặc thậm chí 2055 có xong chưa? Và số tiền đội lên là bao nhiêu? 19,7km đội vốn gấp 3 lần vẫn chưa xong; thì 183km sẽ đội lên bao nhiêu so với con số dự kiến ban đầu là 36 tỷ đô la.

Không chỉ là metro, TP HCM còn nhiều lần trễ hẹn với dân ở nhiều công trình trọng điểm khác như dự án chống ngập 10.000 tỷ. Hồi cuối tháng 9, ông Phan Văn Mãi từng phải ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).(2)

Dự án chống ngập này cũng nhiều lần trì hoãn và bị đội vốn như tuyến Metro số 1. Lý do ông Mãi đưa ra là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án, không có nguồn vốn để hoàn thành công trình, chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng. Đây hầu như là những lý do mà đảng cộng sản thường xuyên đưa ra để lấp liếm cho sự chậm trễ của họ. Cho nên không loại trừ trường hợp tuyến metro 183km cũng sẽ đi vào vết xe đổ này. 

Con đường không chắc xong, nhưng khoản nợ mà dân gánh thì chắc chắn. Đầu tiên, mua trái phiếu nhà nước lãi thấp hơn lãi ngân hàng thì sẽ không theo kịp tốc độ lạm phát hiện nay, tới khi muốn bán ra thì không đúng kỳ hạn là lại chấp nhận lỗ tiếp. Còn nợ ở đây tức là nợ công. 183km vốn 36tỷ này là đã tương đương gần 10% GDP Việt Nam, nếu đội vốn gấp 3 lần thì sẽ thế nào nữa. 

Mà đâu chỉ có metro ở TP HCM. Việt Nam cũng đang chuẩn bị xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam dài 1.541km với số vốn ban đầu là 67,34 tỷ USD. Dự kiến tới năm 2045 sẽ xong. Nếu những con đường này bị đội vốn và trễ hạn giống tuyến Metro Suối Tiên – Bến Thành, hay Cát Linh – Hà Đông thì chắc chắn nửa thế kỷ nữa Việt Nam sẽ gánh một khoảng nợ công khổng lồ. Đời chúng ta chưa chắc làm xong các công trình này, nhưng khoản nợ của đời con cháu chúng ta chắc chắn sẽ phải trả. 

 

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Y tế TP.HCM chuẩn bị kịch bản ‘bệnh nặng về Covid’ đột ngột tăng cao

Do Van Tien

VNTB – Phóng sự ảnh: Sài Gòn lại mất ngủ

Phan Thanh Hung

VNTB – TP.HCM kích hoạt toàn bộ bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận F0 Covid

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.