(VNTB) – Hà Nội là thủ đô, nơi quy tụ những lãnh đạo “chống tham nhũng quyết liệt”, mà chủ tịch TP Hà Nội phải chỉ đạo nghiêm cấm “can thiệp”, thì ở những nơi khác sẽ như thế nào nữa?
Ngày 3/6, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành chỉ thị số 09 về việc triển khai các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Điểm đáng chú ý là trong chỉ thị này Chủ tịch Hà Nội “nghiêm cấm việc tác động, can thiệp trong quá trình sắp xếp nhân sự khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính”.
Việc nghiêm cấm này chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng. Vì có thì mới phải cấm. Chứng tỏ là trước khi có lệnh nghiêm cấm này thì Hà Nội đã xảy ra tình trạng “can thiệp”, “tác động”. Nói “tác động”, “can thiệp” là nói giảm nói tránh, còn nói thẳng ra thì đó chính là mua quan bán chức. Không tự nhiên mà người dân có câu “nhất quan hệ nhì tiền tệ”, là để chỉ tới thực trạng chạy chức chạy quyền bằng tiền hoặc mối quan hệ trong hệ thống chính trị tham nhũng, cậy quyền cậy thế.
Mà thói đời, cái gì càng cấm thì người ta lại càng thích làm nhiều, đặc biệt là ở Việt Nam. Chỗ nào có bảng “cấm xả rác” thì chỗ đó lại có nhiều rác nhất, chỗ nào có bảng cấm “tụ tập mua bán” thì người ta lại tập trung ở đó để họp chợ bán hàng. Không phải vì người dân sai, mà sai là ở cách cấm cản của nhà cầm quyền. Dân biết rõ điều gì nên làm. Thay vì tạo điều kiện cho người dân đổ rác ở nơi thuận tiện thì nhà nước lại cấm, thay vì tạo điều kiện cho dân mua bán hội họp ở nơi mà người dân thấy tốt nhất thì nhà nước lại giành nơi đó cho các việc khác.
Chuyện cấm mua quan bán chức cũng vậy. Nếu quá trình tuyển dụng nhân sự quan chức nhà nước diễn ra công bằng, công khai, nhân tài thật sự có thể ứng tuyển, ứng cử vào hệ thống hành chính thì làm sao có chuyện “tác động”, “can thiệp” được. Trong một nhà nước dân chủ, lãnh đạo được dân chọn ra bằng lá phiếu trung thực thì không cần cấm “can thiệp”, vì không ai có thể can thiệp được; chẳng cần chỉ thị cấm cản, cứ theo luật mà làm, tất cả đều phải chấp hành và bình đẳng trước pháp luật.
Một khi cái chuyện đương nhiên như vậy mà còn phải ra chỉ thị là chắc chắn có chuyện “tác động”, “can thiệp” trong sắp xếp nhân sự rồi. Chỉ có nhà cầm quyền cố tình dung túng cho tham nhũng, hối lộ thì mới có chuyện mua quan bán chức. Nó xảy ra từ trên xuống dưới, sếp lớn có rao bán thì ở dưới mới có người dám mua. Rồi thì chính những chủ tịch, bí thư cũng đi lên nhờ quan hệ và tiền tệ thì bây giờ họ phải bán ghế để lấy tiền lại chứ.
Thử hỏi những người như Trần Sỹ Thanh có mua quan bán chức không mà đi cấm người khác? Hoặc nếu cấp trên của Trần Sỹ Thanh “can thiệp” vào việc sắp xếp nhân sự thì ông Thanh có cấm được không? Chủ tịch Thành phố vẫn thấp hơn Bí thư Thành phố và các sếp lớn trong Bộ Chính trị mà!
Chưa hết, nói về biện pháp xử lý: khi ra chỉ thị “nghiêm cấm” thì phải có quy định là nghiêm cấm như thế nào, nếu nghiêm cấm mà không có biện pháp chế tài đủ sức răn đe thì làm sao cấm được? Điều tra, thanh tra như thế nào, làm sao theo dõi, phát hiện chuyện quan chức có “tác động”, “can thiệp” hay không? Người dân thì quá quen chuyện “tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng”. Nên Chủ tịch Hà Nội ra chỉ thị mà không có biện pháp xử lý thì cũng chẳng có ý nghĩa gì! Thậm chí nếu làm không nghiêm thì tình trạng “can thiệp” có khi xảy ra còn nhiều hơn lúc không ra chỉ thị.
Cuối cùng, nên nhớ rằng Hà Nội là thủ đô, là nơi đặt trụ sở Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành. Là nơi tập trung nhiều quan chức cao cấp nhất Việt Nam, nơi quy tụ những lãnh đạo “chống tham nhũng quyết liệt”. Vậy mà chủ tịch thành phố Hà Nội còn phải chỉ đạo nghiêm cấm ‘can thiệp”, “tác động” thì ở những nơi khác sẽ như thế nào nữa? Bởi vậy, chỉ thị cấm “can thiệp” này không chỉ là vạch áo cho người xem lưng mà còn chỉ ra sự thối nát ngay tại trung tâm Việt Nam, Tô Lâm không xử lý được tình trạng “can thiệp” ở thủ đô thì nói gì tới chuyện đưa Việt Nam vươn mình!
__________________
Tham khảo: