Hoài Nguyễn
(VNTB) – Các vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ khá căng thẳng vì những điều khoản không rõ ràng…
Số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy chiếm tỷ trọng lớn của toàn ngành nên các vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn khá căng thẳng, vì rất nhiều lý do như điều khoản không rõ ràng…
Kỳ 4: Vẫn là châu chấu chẳng nên đá xe
Cái kết của bản án là… y án (xem kỳ 3)
Hội đồng xét xử nhận định là về thủ tục tố tụng thì kháng cáo là đúng vì tòa án cấp sơ thẩm đã không thực hiện đúng trình tự, thủ tục phiên tòa sơ thẩm, không cho nguyên đơn hỏi tại phiên tòa.
Đồng tình với nhiều yêu cầu kháng cáo, nhưng…
Đối với kháng cáo của nguyên đơn về việc bị đơn không đặt câu hỏi, không tranh luận với nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm: Đây là việc thực hiện quyền của người tham gia tố tụng, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn và không ảnh hưởng đến việc tòa án cấp sơ thẩm ra bản án sơ thẩm.
Đối với kháng cáo của nguyên đơn về việc Thẩm phán và thư ký Tòa án không cho nguyên đơn được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa theo quy định tại khoản 4 Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự: Đây là các hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, không thuộc phạm vi kháng cáo theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.”, Tòa án cấp phúc thẩm không giải quyết yêu cầu này của nguyên đơn.
Từ những nhận định trên, Tòa phúc thẩm tuyên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về việc hủy bản án sơ thẩm do vi phạm thủ tục tố tụng.
Bút đã sa nên…
Về nội dung vụ án, Tòa phúc thẩm căn cứ văn bản đề nghị bảo hiểm số 00196105 và văn bản đề nghị bảo hiểm số 00192519 do nguyên đơn ký tên dưới mục “người yêu cầu bảo hiểm ký tên” và lời khai của các đương sự thể hiện sau khi được tư vấn, nguyên đơn đã yêu cầu được tham gia loại hình bảo hiểm do bị đơn kinh doanh.
Căn cứ đơn đề nghị tái tục hợp đồng, Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008 thể hiện giữa nguyên đơn và bị đơn đã giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Một bên đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm và được bên kia chấp nhận toàn bộ theo quy định tại Điều 390, Điều 396 Bộ luật Dân sự 2005. Việc đề nghị và chấp nhận giao kết hợp đồng đều được lập thành văn bản.
Tại Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008 đều có nội dung “Giấy chứng nhận bảo hiểm là một phần không thể tách rời của Hợp đồng bảo hiểm và phải được tham chiếu đối với hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và Quy tắc, Điều khoản sản phẩm bảo hiểm”.
Mặc dù các bên tham gia bảo hiểm không cùng ký vào một văn bản có tên là Hợp đồng bảo hiểm, nhưng bằng các văn bản là đơn yêu cầu bảo hiểm, đơn yêu cầu tái tục hợp đồng bảo hiểm, thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm đã có đủ cơ sở xác định các bên đã giao kết hợp đồng bảo hiểm theo Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm “Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”, và sự thỏa thuận này được thể hiện bằng hình thức văn bản, phù hợp với quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Khách hàng cá nhân khó thể lường hết những dzích dzắc câu từ pháp lý
Các nội dung của hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn và bị đơn được các bên thỏa thuận tham chiếu theo Quy tắc, Điều khoản sản phẩm bảo hiểm nên việc tòa cấp sơ thẩm xác định hợp đồng bảo hiểm giữa các bên là loại hợp đồng theo mẫu là có cơ sở, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về hình thức của hợp đồng.
Các bên tham gia hợp đồng đảm bảo điều kiện về chủ thể, tự nguyện giao kết hợp đồng, hình thức và nội dung hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật, căn cứ Điều 122 Bộ luật Dân sự, hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp đồng có hiệu lực, người giao kết hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện điều khoản của hợp đồng.
Về giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm Căn cứ khoản 2, 3 Điều 35 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì “2. Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”.
Do đó, hai hợp đồng bảo hiểm nêu trên đã phát sinh giá trị hoàn lại khi hủy hợp đồng.
Căn cứ Điều 1.1.12 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang thì “Khoản giảm thu nhập đầu tư là số tiền thu nhập đầu tư bị giảm vì tạm ứng từ giá trị giải ước. Khoản giảm thu nhập đầu tư được tính bằng phần trăm của số tiền tạm ứng từ giá trị giải ước dựa trên giả định kỹ thuật của lãi suất đầu tư”;
Căn cứ Cơ sở kỹ thuật loại hình bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp sản phẩm bảo hiểm thời hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm đã được Bộ Tài chính phê duyệt theo văn bản số 6359 TC/TCNH ngày 16 tháng 12 năm 1999 về việc phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí, số tiền bảo hiểm thì Giá trị hoàn lại = Số tiền bảo hiểm x Hệ số bảo hiểm trên số tiền bảo hiểm + Bảo tức tích lũy x Hệ số bảo hiểm trên bảo tức tích lũy nên giá trị hoàn lại của hợp đồng số 00182519 là 50.000.000 đồng x 0.14033 + 0.49519 x 7.647.400 đồng = 10.803.600 đồng và của hợp đồng số 00196105 là 25.000.000 đồng x 0.14033 + 3.823.800 đồng x 0.49519 = 5.401.800 đồng.
Nguyên đơn yêu cầu tính giá trị hoàn lại của các hợp đồng bảo hiểm là 100% số tiền phí bảo hiểm nguyên đơn đã đóng là không có căn cứ chấp nhận.
Thua… toàn tập
Về việc tạm ứng số tiền phí bảo hiểm Căn cứ Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 và số 00196105 thể hiện bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn và bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn định kỳ đóng phí bảo hiểm mỗi tháng và đóng phí đến ngày 01 tháng 01 năm 2024 nên việc nguyên đơn cho rằng mỗi năm phải có văn bản xác nhận tiếp tục mua hai bảo hiểm bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn, nếu không thì hợp đồng này hết hiệu lực là không có cơ sở.
Căn cứ khoản 4.2.2 và khoản 4.2.3 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang “Trong trường hợp chủ hợp đồng không nộp phí bảo hiểm theo đúng thời hạn đã thỏa thuận, phí bảo hiểm phải nộp được gia hạn 60 ngày kể từ ngày đến kỳ nộp phí bảo hiểm.
Sau thời gian gia hạn nộp phí quy định tại Điều 4.2.2, nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, hợp đồng sẽ tự động bị hủy bỏ và chấm dứt hiệu lực, trừ trường hợp được quy định tại Điều 4.3”.
Tại khoản 4.3.1 Điều 4.3 của Điều khoản hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Phú Tích lũy an khang quy định “Nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời hạn gia hạn nộp phí bảo hiểm, và hợp đồng đã có giá trị giải ước, Prudential sẽ tự động cho chủ hợp đồng tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm” và tại khoản 3.3 Điều 3 của Cơ sở kỹ thuật loại hình bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp sản phẩm bảo hiểm thời hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm đã được Bộ Tài chính phê duyệt cũng quy định “Trong trường hợp không thanh toán phí bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã có giá trị giải ước, hợp đồng bảo hiểm sẽ không chấm dứt cho đến khi giá trị giải ước sau khi đã trừ các khoản tạm ứng vẫn còn đủ để thanh toán cho một hay nhiều kỳ phí bảo hiểm”.
Do nguyên đơn không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm, và hợp đồng đã có giá trị giải ước, bị đơn tự động cho nguyên đơn tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm là phù hợp với nội dung hợp đồng bảo hiểm. Số tiền phí bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm số 00182519 là 10.196.000 đồng và của hợp đồng số 00196105 là 5.099.500 đồng.
Nguyên đơn kháng cáo cho rằng bị đơn không cung cấp được hóa đơn và bảng khai thuế đối với số tiền phí bảo hiểm bị đơn đóng hộ nguyên đơn. Xét, bị đơn tự động cho nguyên đơn tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm và bị đơn là bên được nhận tiền phí bảo hiểm, không phải thu hộ cho nguyên đơn để giao nộp cho bên thứ 3 nên việc cung cấp hóa đơn, chứng từ để chứng minh đã thu số tiền phí bảo hiểm là không cần thiết.
Về số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn, Tòa phúc thẩm tuyên sau khi trừ số tiền tạm ứng phí bảo hiểm, bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm số 00182519 là 10.803.600 đồng – 10.196.000 đồng = 607.600 đồng và của hợp đồng bảo hiểm số 00196105 là 5.401.800 đồng – 5.099.500 đồng = 302.300 đồng. Tổng số tiền là 909.900 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán 18.912.800 đồng – 909.900 đồng = 18.002.900 đồng là đúng pháp luật.
… Tóm lại là y án.