Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Nhóm lợi ích Sài Gòn, cũng như Hà Nội, bao giờ cũng lập dự án theo kiểu tán dương lợi ích của chặt cây. Bây giờ ông Thăng yêu cầu phản biện chỉ ra tác hại của chặt cây. Chỗ này cần lấy ý kiến của giới khoa học Sài gòn.
Gương xấu Hà Nội cần được phân tích thấu đáo
Phàm là chính khách, thời nào cũng vậy, thiên hạ đều lưu ý phát ngôn và hành động của họ. Qua việc thảm sát cây xanh Hà Nội, chúng ta có thể xem xét cả hai phương diện Phát ngôn và Hành động của chính khách thủ đô.
Chủ trương hành động chặt cây xanh khởi phát từ Sở Xây dựng Hà Nội mà ẩn danh là “nhóm lợi ích”, họ chỉ hành động, không phát ngôn. Về phát ngôn gồm cựu bí Phạm Quang Nghị, cựu chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, kề đó là PCT Nguyễn Quốc Hùng và phó tuyên giáo Phan Đăng Long.
Lần lượt phân tích từng việc một.
Xuất phát từ một lợi ích nào đó đã nhắm trước, nhóm lợi ích soạn ra kế hoạch hạ gục cây xanh. Kế đó dự án dâng lên cấp Phòng, Sở XD với những thuyết minh ngon ngọt, bao hàm cả hứa hẹn “hoa hồng”, không nói thành lời, không viết thành văn, hiểu ngầm nhau là đủ, như thường làm xưa nay. Nhóm lợi ích lẳng lặng làm kín đáo, đương nhiên họ không dám hỏi ý kiến tư vấn của giới khoa học. Họ sợ các ông bà khoa học vô tư khách quan lại kỳ đà cản mũi, vậy nên lờ đi cho chắc ăn. Đừng nói lấy ý kiến nhân dân (việc này hồi sau Phan Đăng Long sẽ phân giải, bật mí bản chất coi thường nhân dân của Đảng).
Về ông bí thư Nghị:
Ông (và nhiều chính khách hiện đại) không đọc cổ sử, cổ thư nên chẳng biết từ thời phong kiến, cổ nhân đã khuyến cáo “Quân bất hý ngôn”: vua không nói giỡn chơi! (Nói vậy chứ, vua quan cũng có thể nói chơi, tán chuyện tiếu lâm vào những lúc không làm việc nước, việc dân. Câu thành ngữ trên chỉ nói về thái độ phát ngôn khi làm việc công việc nước).
Ông Nghị dõng dạc họp báo:“Chủ trương thay thế cây xanh của thành ủy UB là đúng đắn, …“Chỉ do mấy anh xe ôm mất bóng mát đứng chờ khách kêu toáng lên…”. “Nếu báo chí thành phố phàn nàn kêu ca thì chúng ta có thể quản lý được”. Ông Nghị bộc lộ thói kiêu ngạo cộng sản “đến thế là cùng”. Ông đã chọc giận lương tri nhà báo “đến thế là cùng”. Và kết quả là: ông không thể quản lý được họ. Mỗi câu phát ngôn để đời của ông Nghị có thể làm một đề bài văn nghị luận xã hội cho học sinh trung học, chắc sẽ có nhiều đáp án hay.
Về ông chủ tịch Thảo:
Ra vẻ một nhà kiến trúc sư làm chính trị, ông nói cây xanh cũ chủng loại lộn xộn, không đẹp, cần thay hàng cây mới đồng bộ để tạo cái đẹp đồng bộ (?) Có người đế thêm: cần phảỉ thay cây cũ “vì cây cũ lá rụng không đều, không cùng lúc, không đồng màu, lá thì màu vàng, lá thì nâu đỏ lộn xộn trông thiệt xấu” (!) (Tôi không tin rằng trường ĐH Kiến trúc lại dạy ông Thảo như vậy, có lẽ do mải mê làm chủ tịch, ông Thảo quên mất bài mỹ học căn bản về cái đẹp).
Về ông phó CT Nguyễn Quốc Hùng:
Ông Hùng đối phó lúng túng vụ cây xanh. Ông cho rằng “thay thế cây xanh là chủ trương đúng, cần thiết”. Tuy nhiên, “ thiếu đồng thuận của nhân dân đối với việc chặt hạ cây xanh vừa qua là do người thực hiện chưa cung cấp đầy đủ thông tin đến người dân và sự “nôn nóng của nhà tài trợ” (?!) Cuộc họp báo kết thúc, phóng viên đứng hết lên yêu cầu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời 21 câu hỏi, tuy nhiên ông đã nhanh chân đi ra cửa phòng họp. Các phóng viên ngơ ngác” vì quá bất ngờ trước diễn biến cuộc họp.
Rút cục, chỉ có một cái đúng thôi: “chủ trương thành ủy” hay “đồng thuận nhân dân” và “nhà đầu tư nôn nóng” ? Ông Hùng bó tay nín lặng không nói được, xách cặp rời phòng họp báo, bỏ lại sau lưng toàn bộ phóng viên ngơ ngác.
Về phó tuyên giáo Phan Đăng Long:
Tiêu biểu là ranh ngôn của Long: “chính quyền làm việc không cần phải hỏi ý kiến dân”. Nhà báo Trần Đăng Tuấn nguyên phó TGĐ đài VTV viết thư gửi thủ tướng can gián việc thảm sát 6700 cây xanh (sau khi đã chặt 2000), bị ông Long bảo rằng “ông Tuấn cũng chỉ là một người dân”. Lưu ý, ông Tuấn phó TGĐ đài VTV mang hàm thứ trưởng, cao cấp hơn ông Long phó tuyên giáo thành ủy đấy, Long mang hàm phó Sở cấp thành phố, xét ra còn thấp hơn ông Tuấn nhiều. Nếu ông Tuấn “chỉ là dân” thì ông Long sẽ là gì đây, “phó dân” chẳng hạn ư?
Ông Phan Đăng Long một nhà tuyên giáo điển hình, sau một số phát ngôn thật thà thế kỷ, tên ông đã làm nguyên mẫu giúp cho báo Lao Động sáng tạo nhân vật hài “anh Phan Đắng Lòng, GS.Phan Đắng Lòng” trong loạt tiểu mục “Tin khó tin” hàng ngày. Vậy là Phan Đăng Long khi nghỉ hưu, cũng kịp để lại một đóng góp “hữu ích” cho báo Lao Động vậy.
Nhìn chung phát ngôn của 4 ông Hà Nội không phải chỉ do vụng ăn nói, nhất thời lỡ miệng. Ý nghĩ ấp ủ ở trong lòng là TÂM, phát ra miệng là NGÔN kết thành ý CHÍ, cuối cùng dẫn đến HÀNH (động). Chẳng phải chỉ sửa sai ở cái lưỡi và lỗ miệng, bởi lỗi chẳng phải ở miệng lưỡi, mà gốc ở TÂM. Phải sửa từ cái TÂM. Cổ nhân đã dạy thế từ lâu rồi. Ví dụ ông Nghị kiêu ngạo quen ăn to nói lớn, nói trơn tuột là “chủ trương đúng đắn của thành ủy”, “đúng qui trình”, lại quen thói cai trị báo chí thời bộ trưởng nên mới nói “báo chí thì có thể quản lý được”. Ông Long thì đã quen coi Đảng độc tài là trên hết nên buột miệng tuyên“không cần hỏi ý kiến Dân”.v.v…
Kết quả là VỤ THẢM SÁT CÂY XANH HÀ NỘI TẠM KHÉP LẠI, hàng ngàn cây xanh được cứu thoát, chỉ một số quan chức cỡ phòng ban bị trảm nhẹ với vai trò “dê tế thần”.
Hành động bậy có thể sửa chữa lại.
Phát ngôn sai rất khó đính chính, bởi một lời nói ra bốn ngựa không đuổi kịp. Tuy nhiên nếu NGÔN[1]* và HÀNH cùng mắc sai lầm thì phát ngôn sai tai hại hơn hành động bậy (xét trên một việc cụ thể). Phát ngôn bậy đã lưu trong bia miệng ngàn năm dù lời nói gió bay qua cầu, ngày nay vẫn còn lưu trên cái bia internet, ngàn năm sau trích xuất vẫn lòi ra (văn bản). Tất nhiên những lời nói hay của chính khách cũng được lưu truyền cùng thiên hạ [2]*.
Nhân tiện đây xin nhắn hỏi “Nhóm điện ảnh Kiến trúc sư trẻ HN cùng với đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh” đã công bố sẽ làm một phim tài liệu về “Thảm sát cây xanh HN” (theo tấm gương phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy) nay tới đâu rồi sao chưa thấy công bố tác phẩm, hay là lại chìm xuồng vì ai đó năn nỉ ?
Góp ý ông Thăng xem lại đề án chặt hạ cây xanh Tôn Đức Thắng, Sài Gòn
Ông Đinh La Thăng hành xử có khác bốn ông Hà Nội kể trên.
Toàn bộ tin tức tư liệu diễn biến vụ cây xanh HN còn nguyên trên mạng, mong ông bí thư Sài Gòn lập tiểu tổ nghiên cứu rút ra kinh nghiệm.
Ông thường nói ngắn hơn, huỵch toẹt, không ưa văn vẻ cầu kỳ, không vòng vo ngụy biện như các ông bí thư Nghị, Thảo, Hùng, Long. Ông thích ra lệnh cụ thể và yêu cầu làm luôn, ngứa mắt quá cỡ thì yêu cầu “trảm” đi.
Nói cách khác, ông Thăng ưa Hành động hơn phát Ngôn.
Đề nghị ông Thăng bắt đầu từ việc xem xét: ai được phân công phản biệnđề án này. Nhớ lưu ý điều tra từ ông Đồng Văn Khiêm phó chủ tịch Hội đồng phản biện dự án. Phải chăng Hội đồng phản biện chỉ gồm các ông bà công chức, liệu có mặt các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử độc lập không?
Nhóm lợi ích Sài Gòn, cũng như Hà Nội, bao giờ cũng lập dự án theo kiểu tán dương lợi ích của chặt cây. Bây giờ ông Thăng yêu cầu phản biện chỉ ra tác hại của chặt cây. Chỗ này cần lấy ý kiến của giới khoa học Sài gòn (và người dân, theo cách nào đó, nhanh chóng, chẳng hạn đăng báo, và lấy phản hồi của bạn đọc, để tham khảo). Sau đó ông cân nhắc giữa lợi và hại. Nếu LỢI chỉ ít hơn hoặc bằng Hại (lợi < = hại), kết luận KHÔNG LÀM. Mặt khác, ông Thăng nên đặt câu hỏi ráo riết cho nhà tư vấn: có cách nào KHÁC không ?
[1] *. Kinh Dịch: quẻ Trung phu, hào 2 (Dịch truyện do Khổng Tử giảng): Lời nói, việc làm của người quân tử cũng như cái then chốt cài cửa. Cái then chốt làm chủ việc đóng mở. Cái then chốt đó bật mở rồi thì làm chủ mọi điều vinh nhục.
[2] * Nhân tiện nói về những phát ngôn hay ở cuối nhiệm kỳ Quốc hội, từ ông chủ Nguyễn Sinh Hùng, đến một số đại biểu QH tâm huyết khác, cũng như bộ trưởng Bùi Quang Vinh (trong Đại hội 12), thiếu tướng phó CA Sài Gòn phàn nàn Chỉ thị 15,… Những phát ngôn ấy đã ấp ủ từ TÂM suốt nhiệm kỳ, nhịn mãi, giờ nếu không phát NGÔN ra được thì ủ bệnh ngậm ngùi về hưu, chịu không nổi.