VNTB – Trao đổi: Vì sao họ không thể sai?

VNTB – Trao đổi: Vì sao họ không thể sai?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – “Đừng bao giờ ném bùn vào người khác. Bạn có thể ném trượt nhưng tay bạn chắc chắn bị bẩn”. (Joseph Parker).

 

Bài viết này muốn được trao đổi quanh ‘tâm sự’ của tài khoản cá nhân facebook bà Phương Tường Vi, và một số phát biểu của bà Võ Xuân Loan (hay còn gọi là Võ Xuân Lan) được RFA trích đăng hôm 1-6-2021.

Một số ý kiến bênh vực về vấn đề những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng có yếu tố liên quan đến Hội thánh, cho rằng: “Người phụ trách Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, bà mục sư Võ Xuân Loan khẳng định Hội thánh đã chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về việc nhóm họp, phòng chống dịch bệnh, mời cơ quan y tế phường về khử trùng tại nơi nhóm họp.

Bà Võ Xuân Loan nói rằng từ Hà Nội về bà đã khai báo y tế tại sân bay, bản thân bà cũng không biết vì sao mình bị mắc bệnh, bà cho rằng mình không làm lây lan dịch bệnh”.

Theo một dẫn chứng khác, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã tạm dừng sinh hoạt, chuyển sang hình thức trực tuyến trước khi đi cách ly và không hề có phát ngôn nào nói rằng các tín hữu cần không đeo khẩu trang trong lúc ở nhà hoặc ở ngoài đường.

Mở đề, dẫn chứng rồi đưa ra kết luận. “Chúng tôi cũng chỉ là một trong những nạn nhân bị ai đó lây nhiễm như bao nhiêu người khác trên thế giới, chứ chúng tôi không phải là nguồn lây lan dịch duy nhất trong cộng đồng”.

Thoạt nghe, tưởng chừng như vô cùng có lý, bởi với tư cách là một mục sư với trình độ học vấn không thấp, bà Loan có thể nghe, hiểu và làm đúng theo những gì Nhà nước cũng như Bộ y tế khuyến cáo về vấn đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nếu như cho rằng vì vấn đề tuổi tác, cũng như thói quen, mà bà Loan có đôi lúc quên, vậy thì với một người trẻ, có khả năng tiếp cận thông tin một cách dễ dàng như bà Tường Vi – con gái của ông bà mục sư, thì hoàn toàn có thể nhắc nhở mẹ mình về tình hình dịch bệnh, về những quy định phòng dịch mà Bộ y tế đưa ra.

Vậy những dẫn chứng trên là hoàn toàn thuyết phục?

Có thể là vậy. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lời nói suông, từ một phía của đại diện Hội thánh đưa ra, khó có thể kiểm chứng thực hư. Chợt nhớ lại lời của ông Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng tin những gì…”.

Ở đây, tôi không nói đến Nhà nước hay bất kỳ một cán bộ Cộng sản nào, tôi chỉ khái quát lên từ câu nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Song song đó, dân gian cũng truyền tụng “gieo gì gặt đó – nhân nào quả nấy”.

Nếu như liên kết những câu này lại với nhau, đồng thời xem xét tình hình những ca nhiễm (không chỉ ở Sài Gòn) với nhau, những lời dẫn chứng trên để biện bạch cho mình xem ra chưa thuyết phục. Hình ảnh còn có thể dễ dàng với photoshop, huống gì đây chỉ là một lời nói suông không căn cứ.

Cũng xin được nói thêm, xuyên suốt những nguồn lây từ Thủ Đức – Quận 7; quán bánh canh O Thanh, rồi những ca liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp trong thời gian qua, nếu tôi nhớ không lầm, chưa có báo chí nào cho rằng bà Loan, bà Tường Vi hay Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là nguồn lây duy nhất trong cộng đồng.

“Theo tôi nghĩ, khó có thể xảy ra đó lắm. Ví dụ như đối phương đứng quá gần không đeo khẩu trang mà ho dính vào khẩu trang mình, vô tình lúc tháo mình đụng vào mà quên rửa tay rồi nhiễm vào cơ thể thì đeo khẩu trang cho rằng vẫn còn có cơ hội nhiễm đi.

Nhưng mà sinh hoạt online thì làm sao có thể nhiễm? Không lẽ con vi-rút đó có thể phát tán cả trong không gian mạng, hơi khó tin. Càng khó tin nữa, đeo khẩu trang ở trong nhà làm gì khi nhà bạn không có ca nhiễm phải cách ly ở nhà? Nếu có thì phải nói cho rõ, đầy đủ ra. Cho nên, nói vậy, theo tôi, ghi nhận cho vui thôi, chứ vin vào những lý do đó để bênh vực, hoàn toàn không hợp lý.

Bất kỳ một người nào giở báo ra đọc tin tức, cũng thấy được sự bất hợp lý trong những lý do đó mà. Giờ tạm cho là báo chí nghe theo chính quyền, theo Nhà nước gì đó. Ô-kê, vậy những khu phong tỏa ở nhiều con đường; khu cách ly thì sao? Rồi còn sàng lọc Covid ở bệnh viện, phòng khám.

Không lẽ chấp nhận tảng lờ đi hết tất cả những điều đó để bênh vực cho lập luận không chắc chắn đến từ Hội thánh? Vậy là hổng có được rồi”, ông Long, một người dân sinh sống ở quận Bình Thạnh lắc đầu.

Xem ra, nếu chỉ xét hành động của bà Loan hay ông Tân, có vẻ như là chưa được đầy đủ lắm.

Cần lắm việc xem xét đầy đủ hơn vai trò của con gái hai ông bà.

Bởi, như đã nói ở trên, nếu như ba mẹ mình quên những nguyên tắc trong phòng dịch Covid-19, là một người trẻ, có học thức, bà hoàn toàn có thể nhắc nhở và hiểu tầm nguy hiểm của dịch Covid-19 như thế nào, hành động của Hội thánh có-thể-hay-không-thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng? Nhất là dịch hoàn toàn không phải một ngày một bữa, mà ngót nghét đã gần hai năm (kể từ ca phát hiện đầu tiên).

Hoặc chăng, bà có nhắc nhở nhưng không nghe, nếu vậy, có phải bá đạo quá, và đang có hành động đi ngược lại với tinh thần toàn dân đồng lòng chống dịch hay chăng?

Cũng là con người, không phải thánh nhân. Đương nhiên bà Loan, ông Tân hay bà Tương Vi vẫn có thể hành động sai – những diễn biến đang diễn ra đã là minh chứng sống, rõ nét nhất…

***

Từ Sài Gòn, bà Võ Xuân Loan – Mục sư của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng nói với RFA rằng:

Tôi thấy nó rất lạ vì trên đất nước Việt Nam thì ổ dịch nó bùng lên rất là nhiều nơi. Chúng tôi không may bị nhiễm bịnh. Tôi đang là nạn nhân của COVID-19 mà lại bị chụp luôn cái tội là làm lây lan dịch bệnh thì chúng tôi rất là ngạc nhiên. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó chúng tôi vẫn cúi xuống chịu trách nhiệm về cái tổ chức nhỏ của mình. Tôi vẫn đang ở trên giường bệnh và ao ước nếu có điều tra hay làm điều gì đó thì cũng rất cần để mọi việc được sáng tỏ. 

Tất cả những tin tức trên báo đài thì thú thật tôi cũng không biết nó ở đâu ra. Con gái của tôi, tín hữu của tôi bị rượt đuổi, bị nhắn tin vào điện thoại đòi giết, đòi chém, đòi đốt…làm chúng tôi bị tổn thương rất là nặng nề. Mọi người cho tôi là F0, có nghĩa là người đầu tiên lây truyền dịch bệnh nhưng tôi nghĩ mình là F1. 

Có một số anh em bên ngoài cũng khuyên tôi nên mời luật sư vào cuộc nhưng thật sự tôi cũng chưa biết phải làm như thế nào vì cũng đang bị bịnh, nhưng nhà tôi thì lại suy nghĩ là luật sư có thể làm gì được trên đất nước Việt Nam này. Ông cũng suy sụp. Tôi nói với nhà tôi rằng cho dù thế nào đi nữa, nếu có một người biết luật đứng bên cạnh mình thì vẫn tốt hơn là người ta cứ chụp hết cái mũ này đến cái mũ kia mà mình không thể nói được lời nào hết.

(…)

Nếu mình nói thẳng suy nghĩ của mình thì nó có nhiều cái nhạy cảm lắm. Ví dụ chuyện chúng tôi bị bắt bớ vì đạo Chúa suốt bao nhiêu năm tháng nay tại Việt Nam thì đây là cơ hội để sự bắt bớ lên đến tột cùng. Bao nhiêu ổ dịch trong thành phố đâu có ai bị truy tố gì đâu mà một hội thánh nhỏ bé, một cuộc đời giảng đạo của chúng tôi bị phơi ra giữa chợ chỉ trong một đêm. Bao nhiêu người xỉ vả, nhục mạ từ đức tin cho đến cuộc đời chúng tôi. 

Nếu xét về phương diện tôn giáo, giả sử một vị sư trên một ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc bị như vậy thì có bị rút giấy phép không? Có truy tố vị sư trụ trì không? Một người vô thần có bị truy tố không?

Tôi nghĩ rằng khi đặt ra những câu hỏi như vậy thì nhiều người cũng có ngay câu trả lời. Tôi bây giờ như cá nằm tên thớt, bị kết cái án nào cũng phải chấp nhận, không nói được gì cả” – https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/around-the-prosecution-of-a-religious-group-because-of-spreading-the-epidemic-dt-06012021134823.html


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)