VNTB-Trao đổi với tác giả Nguyễn An Dân

VNTB-Trao đổi với tác giả Nguyễn An Dân
Liên Sơn

(VNTB) Tôi đọc rất kỹ, đọc lại hai – ba lần để đảm bảo nắm chắc được ý mà tác giả Nguyễn An Dân đã gửi gắm đến. Để từ đó, có những phản hồi mang tính xác đáng nhất.

Quan điểm của tôi về lá thư góp ý là sự trân trọng, sau đó tôi xin ngỏ vài lời với tác giả cũng như bản thân Hội. Và mong nếu có thể, sẽ nhận được sự phản hồi.

Tôi ủng hộ quan điểm

Một là, sự mất kết nối giữa trang Web (http://www.ijavn.org/) và Fanpage của Hội (https://www.facebook.com/vietnamtimes01) về mặt nội dung đăng tải. Đáng ra, hai cái này nên có sự đồng nhất, việc chọn lọc bài viết này được lên Fanpage là quyền của Ban điều hành/ Ban quản trị, nhưng buộc bài đó phải là từ trang Web của Hội. Tất nhiên, chúng ta vẫn để ngỏ 10%-20% bài viết từ các nguồn khác, nhưng có giá trị báo chí cao.

Hai là, việc xác định rõ vai trò của trang báo là “môi trường gắn kết, sinh hoạt của các nhà báo theo tiêu chuẩn nghề nghiệp do Hội đề ra”. Chỉ có như vậy, thì Hội mới có thể đảm bảo được mục tiêu của mình. Trong đó có việc “Duy trì và phát triển tinh thần phản biện của giới nhà báo và trí thức đối với các vấn đề nóng bỏng và cấp thiết của xã hội và quốc gia.”

Ba là, đặt ra những mục tiêu có giá trị nâng cao uy tín Hội, trong đó có chọn lọc bài viết, chọn lọc Hội viên, đảm bảo tính kế thừa trong việc điều hành Hội giữa lớp trước với lớp sau… Ví dụ: cần tìm kiếm một lớp người điều hành thay thế/ dự phòng trong trường hợp nhóm điều hành đầu bị “tai biến”; phân một nhóm chịu trách nhiệm biên tập/đăng tin bài cộng tác lên website/ mạng xã hội (facebook; google+; tw); một nhóm nhỏ chịu trách nhiệm quản lý youtube và các vấn đề liên quan đến truyền thông media; một nhóm có trách nhiệm bảo mật. Kể cả việc điều hướng Hội viên tập trung viết mảng về chủ đề nào cho phù hợp với sở trường để vừa tạo tính cân bằng trong chủ đề bài viết; vừa tạo được chiều sâu của bài viết gửi đến Hội.

Ngoài ra, “mô hình tổ chức” cũng cần được đặt ra, phân ban thế nào – nhiệm vụ ra sao, nhằm đảm bảo tính chuyên môn cao, thể hiện sự chuyên nghiệp và thống suốt trong dây chuyền phát triển của Hội. Đó là bước đi lâu- dài mà Hội cần phải tính toán đến.

Tôi nghĩ rằng

Hội ra đời chưa được bao lâu, gặp nhiều khó khăn nhất định, từ vấn đề kinh phí, hội viên cho đến việc chống đỡ trước các cuộc tấn công mạng… Và Hội cần chạy đua để giải quyết nhanh các vấn đề trước mắt, vạch ra các kế hoạch lâu dài, tạo sự đủ chín để Hội lên tầm chuyên nghiệp.

Trước mắt, tôi nghĩ rằng, Hội vẫn trong giai đoạn gây dựng niềm tin – độ tin cậy về một mục tiêu như Hội đề ra. Vấn đề này nảy sinh trong một không gian xã hội với đầy những cạm bẫy – bức bối – dối trá, thế nên việc Hội ra đời với mục tiêu như đã đề ra thì không phải ai cũng tin cả, không thiếu sự nghi ngờ – phán xét từ lề trái lẫn lề phải.

Tin cậy – niềm tin không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó đến từ chính sự góp ý của độc giả, hội viên, chính từ tầm nhìn hoạch định con đường đi của Hội – sự thay đổi từ những cái nhỏ nhất (như banner) cho đến những cái lớn hơn (như nhân sự, mục tiêu) nhằm đảm bảo cho sự phát triển đúng theo mục tiêu đã lựa chọn, tạo ra những cây bút xuất sắc, lựa chọn những bài viết hay – góc cạnh, phản ánh đúng cái thực trạng của xã hội Việt Nam, bảo vệ tối đa quyền lợi cho Hội viên tham gia… Tạo cho người đọc tìm thấy được đây là một Hội đang có sự tin cậy về mặt tin tức, có sự phản biện đúng mực (không sa lầy cực đoan); có đường hướng rõ ràng, có những cây bút hay – nhận định vấn đề sắc sảo, và hội viên cảm thấy đây là nơi trợ lực cho mình về vấn đề tương tác xã hội. Thời gian để thực hiện điều này không phải là ngày một ngày hai… Cũng như để làm được những điều nói trên (từ nhỏ nhất đến lớn nhất), thì sự ủng hộ và tin cậy của độc giả là hết sức quan trọng.

Một người tin vào Hội thì Hội sẽ bước được một bước. Và như thế, bước đi – sự phát triển của Hội không những dựa vào nội lực của Ban điều hành/ Hội viên mà còn là sự tin cậy ban đầu, trên mỗi bước đi của độc giả đối với Hội. Tin cậy và chờ sự lớn lên từng ngày của Hội, đó là điều mà tôi nghĩ bản thân Hội, Hội viên đang mong muốn. Là động lực để họ vượt qua những khó khăn trước mắt và trong thời gian sắp tới đây.

Thứ hai, vấn đề số lượng bài viết về ông Nghị có sự chênh lệch, tôi cho đây cũng là một việc bình thường. Vấn đề không phải là khen nhiều hay chê nhiều. Mà vấn đề nằm ở bài vở có chất lượng hay không? Để đảm bảo cho người đọc nắm được một lượng thông tin mang tính đa chiều, nóng hổi, đúng sự thật hay không? Hội có xu hướng phản biện, chứ không có xu hướng tập hợp những cây bút pháo kích thông tin vào mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam, bất luận nó hay dở như thế nào. Nếu diễn biến như thế, Hội sẽ nhanh chóng trở nên cực-đoan và từ đó mất cả tính độc-lập lẫn phản-biện. Và vì thế, Hội sẽ không thể nghiêng và không nghiêng về bất kỳ phe phái nào ở Việt Nam. Nếu chỉ thông qua số lượng bài viết mà cho rằng ủng hộ ông Nghị/ nhóm ông Nghị thì e rằng đó là sự quy chụp thái quá.

Cũng xin nói thêm, việc duy trì tính độc lập không phải là chống lại mọi thứ từ nền chính trị – xã hội hiện tại. Nếu cái nào tốt chúng ta ghi nhận, nếu cái nào xấu chúng ta phản ánh. Như vậy, quan điểm độc lập chính là quan điểm của sự phản biện – chúng nhận mọi tiếng nói khác biệt và chỉ như thế, thì Hội nói chung và trang báo nói riêng mới phục vụ lợi ích cao nhất là ĐỘC GIẢ, và giá trị cao nhất đem lại là SỰ THẬT.

Thế nên, Hội không chọn lựa ủng hộ “phe bảo thủ đảng quyền” hay bất kỳ “đảng phái” trong hiện tại và tương lai cả. Và nếu tác giả chú ý, thì sẽ thấy dưới mỗi bài viết, đều có dòng chữ: “Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả không phản ảnh quan điểm hay lập trường của Việt Nam Thời Báo.”

Về tính “cân đối bài viết”, tôi nghĩ rằng, nên mở rộng ra, đó là tính cân đối về chủ đề bài viết, không quá tựu trung một chủ đề. Qua đó, chọn lựa các bài, đảm bảo tần-suất xuất-hiện của nó có một giới-hạn nhất định (ví dụ không quá 10-20-30%). Lý do, một chủ đề mà xuất hiện nhiều bài trong một thời gian ngắn là không nên, dễ gây nhàm chán độc giả đối với một chủ đề (khi mà tính mới của nó không còn, chỉ là sự lặp đi lặp lại những quan điểm cũ) cũng như tạo tính phong phú bài viết trên website của Hội. Tôi nghĩ tính cân đối chủ đề bài viết cần thiết, quan trọng rất nhiều. Điều này, Hội cũng nên cần chú ý trong cách thức chọn-đăng.

Thứ ba, anh có đề cập đến việc: “Có anh em trong Hội nói với tôi rằng đó là chiến thuật chiến lược gì đó mà tôi không hiểu thấu, nhưng tôi nghĩ chắc không hẳn như thế.”

Khi anh xác định Hội là một Hội nghề nghiệp thì anh cũng hiểu Hội là một tổ chức nhất định rồi. Và một tổ chức phải xác định rõ đường đi nước bước của mình như thế nào nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của nó, đảm bảo cho mục tiêu của Hội được thực hiện được, đảm bảo cả cho sự an toàn của Hội viên trong từng giai đoạn cụ thể. Hội cũng không ngoài con đường đó, đặc biệt khi mà Hội ra đời trong hoàn cảnh bị chèn ép như hiện nay.

Các khái niệm như chiến-thuật, chiến-lược, sách-lược… cũng chỉ là một khái niệm, và người ta chỉ cần hiểu nội dung nó mang lại, để đảm bảo lợi ích lớn nhất của chính tổ chức đó. Các khái niệm này không phải chỉ dùng trong quân sự, mà dùng chung cho các tổ chức từ công ty cho đến các hội nghề nghiệp và bản thân của mỗi người nữa. Đọc thì thấy nó không quen tai, thuận miệng, nhưng nói một cách dân dã thì cũng chỉ là “kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch dài hạn trong sự tồn tại, phát triển của một chủ thể bất kỳ” mà thôi. Nói ngắn gọn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là ý vậy.

Các ý kiến của anh về mô hình, mục tiêu… cũng chỉ là cách nói khác về khái niệm trên mà thôi. Do đó, Hội không những cần đến nó, mà phải đảm bảo luôn luôn cần đến nó.

Thông cáo số 4, cũng là một thông cáo được rút ra từ những khái niệm nêu trên. Trong đó, đảm bảo tính minh bạch (về số hội viên gia nhập, rút ra); tính cần thiết để đảm bảo chất lượng Hội viên và sự chặt chẽ trong kết nạp Hội (quy trình công nhận Hội viên); kế hoạch trước mắt (hội thảo) và lâu dài (hỗ trợ tài chính).

Một số góp ý nhỏ

Đối với những vấn đề mang tính cấp thiết, có thể thực hiện được ngay trước mắt như: thay đổi banner, giao diện, logo… Hội nên có một cuộc thi về thiết kế banner (bao gồm cả font chữ), logo Hội với các tiêu chí mà Ban điều hành đề ra, đảm bảo tính chất biểu tượng sát với mục tiêu tồn tại và phát triển của Hội. Xác lập lại sự đồng nhất về nội dung giữa fanpage và website của Hội, tránh tình trạng “thiếu kết nối” như tác giả Nguyễn An Dân đã nêu. Nữa là, sửa lại việc vô hiệu lực đối với các tab-menu, cụ thể là khi bấm vào Thời Sự, Dân Chủ, Đối Diện… thì không hiển thị bài liên quan mà chỉ chạy lại về trang chủ, gây bối rối, khó chịu cho người dùng trong việc đọc bài liên quan. Điều này hoàn toàn không khó nên Ban điều hành, Ban quản trị website nên tiến hành làm ngay.

Ngoài ra, cần Ban điều hành nên ngay lập tức thiết lập các đường dẫn youtube, google+, twitter, và tính năng theo dõi qua Rss… Đồng thời, qua đó, lập một nhóm từ 1-2 người để quản trị nội dung, đảm bảo tính đồng nhất, linh hoạt, kịp thời về thông tin trên các công cụ truyền thông này. Đáp ứng được nhu cầu mở rộng tính truyền thông của trang báo, nhu cầu đọc – nghe – xem của độc giả, tính tương tác về mặt xã hội, tạo độ phổ rộng về mặt thông tin trên trang Việt Nam Thời Báo trên internet.

Cuối cùng là, việc lựa chọn bài và đăng. Tôi nghĩ Hội nên nhanh chóng hơn trong việc đưa tin bài, nhất là đối với các tin tức nóng, bài phản biện. Đặc biệt là đối với bài phản biện, giá trị của nó tỉ lệ thuận với thời gian được đưa lên. Thời gian đăng một bài phản biện càng gần sát với tin cần-phản-biện thì giá trị phản-biện càng cao. Tạo nên tính kịp thời và mới mẻ, đáp ứng nhanh nhu cầu tìm đọc của độc giả. Thể hiện tính nhanh nhạy (hot-news) trong nắm bắt tin tức của Hội trong các vấn đề mang tính chính trị – xã hội – văn hóa…

Liên Sơn


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)