Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trật tự thế giới đang đổ vỡ: Khi cả Mỹ lẫn Trung cùng xét lại luật chơi 

Vũ Đức Khanh

 

(VNTB) – Cả Mỹ và Trung Quốc – một từng là người bảo vệ trật tự, một là kẻ thách thức trật tự – nay cùng quay lưng với luật chơi chung. 

 

Kể từ khi ông Donald Trump quay lại Tòa Bạch Ốc vào đầu năm nay, thế giới như rơi vào một cơn gió lạ. Không phải gió đổi chiều, mà là gió nổi loạn.

Hoa Kỳ – vốn được xem là trụ cột của trật tự thế giới sau Đệ nhị Thế chiến – bỗng dưng từ bỏ vai trò dẫn dắt. Cùng lúc đó, Trung Quốc dưới tay Chủ tịch Tập Cận Bình không giấu giếm tham vọng viết lại luật chơi toàn cầu theo cách riêng của mình.

Trong khi một bên buông tay, một bên thúc ép, thì những nước vừa và nhỏ đứng giữa như cá nằm trên thớt. Trật tự cũ đang nứt vỡ, mà trật tự mới thì chưa định hình. Thế giới hôm nay không còn rõ ai là người giữ trật tự, ai là kẻ phá hoại, và nguy hiểm nằm chính ở đó.

 

Khi hai gã khổng lồ cùng phá bàn cờ 

Từ trước đến nay, người ta vẫn tin rằng Hoa Kỳ – với tất cả lỗi lầm của mình – vẫn là một “ông lớn” chịu trách nhiệm. Mỹ bảo vệ luật lệ quốc tế, hậu thuẫn cho dân chủ, và phần nào bảo đảm sự cân bằng quyền lực trên thế giới. Nhưng Trump quay lại với một tâm thế khác: không còn mặn mà với NATO, đòi rút khỏi các tổ chức quốc tế, cắt viện trợ cho các nước đồng minh, và sẵn sàng bắt tay với các lãnh đạo độc tài. Đó không còn là chủ nghĩa cô lập kiểu cũ, mà là một sự chối bỏ toàn diện vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Cùng lúc đó, Trung Quốc tiếp tục bành trướng ảnh hưởng bằng đủ mọi cách: từ con đường tơ lụa mới, đến các khoản vay buộc đối tác lâm nợ; từ đe dọa Đài Loan, cho đến tung tin giả, kiểm soát công nghệ. Họ không giấu diếm mục tiêu: thế kỷ này phải là “thế kỷ Trung Hoa”.

Vấn đề ở chỗ: cả hai cường quốc – một từng là người bảo vệ trật tự, một là kẻ thách thức trật tự – nay cùng quay lưng với luật chơi chung. Kết quả là thế giới rơi vào một khoảng trống quyền lực, nơi luật lệ trở nên lỏng lẻo, ai mạnh nấy làm.

 

Tỉnh mộng về một thế giới “văn minh hóa”

Hơn ba mươi năm qua, nhiều người ảo tưởng rằng khi các quốc gia buôn bán với nhau, khi con người kết nối qua mạng, thì chiến tranh sẽ lùi xa, và dân chủ sẽ nở rộ. Nhưng thực tế cho thấy: internet không ngăn được độc tài, toàn cầu hóa không bảo đảm tự do. Những ai từng mơ về một “trật tự quốc tế khai minh” giờ buộc phải tỉnh mộng. Thế giới hôm nay giống một cái chợ lớn không có ban quản lý. Ai cũng giành phần, chen chúc, cãi cọ.

Những cường quốc ngày trước – từ châu Âu đến Canada, Nhật Bản, Úc – đều cố gắng duy trì chút trật tự còn sót lại. Nhưng không ai đủ sức thay thế vai trò Mỹ từng nắm giữ.

Trong bối cảnh ấy, không còn chỗ cho sự ngây thơ mà phải nhìn thẳng vào hiện thực: quyền lực vẫn là yếu tố quyết định, luật lệ chỉ tồn tại nếu có người sẵn sàng bảo vệ nó.

 

Chủ nghĩa hiện thực mới: Không ảo tưởng nhưng không buông xuôi

Tư tưởng gia người Pháp Raymond Aron từng nói: “Người làm chính trị là người dám hành động trong bất định, vì những mục tiêu vượt qua chính bản thân mình.” Đó là điều mà các nhà lãnh đạo hôm nay cần ghi nhớ. Không thể tiếp tục sống bằng hy vọng mù quáng rằng thế giới sẽ tự vận hành về hướng tốt đẹp, nhưng cũng không thể buông xuôi cho các thế lực xét lại mặc sức thao túng. Chúng ta cần một chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo, nhưng không vô cảm. Một tầm nhìn không ảo tưởng, nhưng vẫn giữ lòng tin vào lý trí và phẩm giá con người. Trong tầm nhìn ấy bao gồm:

– Trật tự mới không thể dựa vào một ông lớn, mà phải là sự hợp sức của nhiều quốc gia dân chủ.

– Các liên minh không nhất thiết phải cứng nhắc, mà cần linh hoạt, theo từng vấn đề: khí hậu, công nghệ, an ninh mạng, quyền con người.

– Phải học cách vừa hợp tác, vừa phòng thủ. Không theo đuôi Mỹ, cũng không để rơi vào tay Trung Quốc.

Nói cách khác, đã đến lúc các nước như Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc và cả Việt Nam… phải trưởng thành, không thể mãi là người đi theo, mà phải biết tự định hình vị thế và vai trò của mình trong một thế giới đang phân rã.

 

Lời kết: Đứng dậy trong hỗn loạn

Không ai chọn được thời đại mình sinh ra, nhưng mỗi thế hệ đều có quyền chọn cách sống, cách phản ứng với thời cuộc. Giữa một thế giới rối loạn như hiện nay, giữ được cái đầu lạnh và trái tim nóng là điều không dễ, nhưng đó lại chính là điều cần nhất. Lý tưởng không chết. Dân chủ không thất bại. Nhưng chúng ta phải học cách bảo vệ nó trong những điều kiện khắc nghiệt nhất – bằng tư duy, bằng hành động, và bằng sự liên đới với nhau. Và biết đâu, chính trong những ngày đen tối nhất, người ta mới thấy được đâu là ánh sáng thật sự.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Virus Corona sẽ không khiến Tập Cận Bình lung lay?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thời khắc của dân tộc: lời kêu gọi lực lượng công an và quân đội hành động vì một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Gọi “con bò” là “con ngựa”

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo