VNTB – “Tri ân” người hùng Vũ Đức Đam

VNTB – “Tri ân” người hùng Vũ Đức Đam

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng nhắc người tên… Đam…

 

Kể từ những ca nhiễm đầu tiên liên quan đến con vi-rút đến từ phương Bắc, rồi sau đó là những ca đầy ấn tượng khác như 17; 31; 34…, rồi Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang… cho đến Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…, từ Nam chí Bắc, nơi đâu cũng có một bóng hình quen thuộc mang dáng dấp đầy chất thư sinh với cặp kính vô cùng trí thức.

“Tả xung hữu đột” nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, thể hiện được tầm nhìn cũng như sự hiểu biết sâu rộng đặc trưng, phong tục, tập quán của người dân ở từng nơi và nhiều nơi, từ lúc còn là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho đến khi là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, rồi lui về làm Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, nếu xét về “công cán” trong đóng góp, quả thật, không kể đến ông Vũ Đức Đam, thật sự là thiếu sót.

Ở những địa phương khác, cụ thể như thế nào, có thể không rõ. Nhưng với Sài Gòn, thật sự nên “tri ân” ông Vũ Đức Đam.

Nhờ chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của ông Đam, cánh tài xế được chăm sóc sức khỏe một cách thường xuyên. Dù không trực tiếp đưa ra nhưng với quy định giấy thông hành âm tính, cũng thấy quá rõ sự quan tâm đến sức khỏe của cánh tài xế. Bên cạnh đó, với những ai khó khăn, chưa có giấy tờ hoặc bị địa phương nào làm khó dễ trong lưu thông hàng hóa, ông Đam chọn phương pháp im lặng, để chi? Để tài xế có dịp nghỉ ngơi, sau chuỗi ngày vận chuyển liên tục; để người dân thành phố “giảm cân”.

Nhờ ông Đam làm đúng vai trò của mình, Nanocovax nhìn kỹ hơn, rõ hơn vắc xin của mình, vì sao cùng một thời gian, cùng tiến độ mà nước ngoài thông qua các loại vắc xin khác, mà mình thì lại chưa? Và cũng nhờ ông Đam mà người dân Việt Nam được tiếp cận nguồn vắc xin nhiều vô số đến từ anh bạn vàng 16 vàng 4 tốt.

Nhớ trong một lần thị sát thực hiện chỉ thị 16, thấy xe cộ vẫn chạy ra đường ầm ầm, vậy là ông Đam rốt ráo lệnh thành phố phải siết chặt hơn về lưu lượng người dân ra đường.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc lao động bình dân, mưu sinh độ nhật hay người nghèo, khó khăn phải rơi vào cảnh khốn chồng thêm khó. Nhưng cũng nhờ đó, họ mới nhận ra được năng lực chịu đựng của mình quá tuyệt. Hóa ra một miếng bánh sandwich cũng có thể ăn trong một tuần, chứ không phải ba ngày một lần như hồi ‘giãn cách’ nhưng còn ‘nới lõng’, như theo cách nói của một người vô gia cư đang lây lất khu công viên Lê Văn Tám, Sài Gòn.

Cũng nhờ ông Đam, nhiều người thêm được một việc làm. Vé số cấm, họ đi lượm ve chai. MC chuyển sang làm shipper. Bảo vệ thất nghiệp thì ngồi chờ các mạnh thường quân. Và với chính sách siết chặt hơn, họ được ở nhà… “nghỉ ngơi”.

Nhờ ông Đam mà biết bao gia đình rồi những đứa trẻ từ còn nằm trong vòng tay của mẹ, cho đến học tiểu học trở nên mạnh mẽ hơn với những chuyến xe băng đêm, vượt qua làn mưa, tìm về quê nhà chỉ vì quá khó khăn, vì yêu cầu siết chặt, vì mấy bức hình vô tri vô giác của ông Đam gọi là bằng chứng ‘xe cộ ầm ầm’.

Nhờ ông Đam mà nhiều người dân Sài Gòn phát hiện mình mạnh mẽ vô cùng. Cũng nhờ ông Đam mới thấy một Sài Gòn hồi sinh rất nhanh chóng, chỉ mở cửa một hai ngày, đã phần nào lấy lại được sinh khí như ngày trước.

Dân gian Việt Nam: “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”. Tương tự, văn học cũng lan truyền: “Họa hổ họa bì nan họa cốt – Tri nhân tri diện bất tri tâm”, đúng là thấy vậy chứ chưa hẳn là vậy.

Dẫu biết rằng thời gian qua thật sự là một chương buồn khó quên trong lịch sử của Sài Gòn, song, với khí chất của người miền Nam, tin rằng, rồi mọi thứ cũng sẽ hồi sinh một cách nhanh chóng.

Dù biết rằng với những gì đã qua cũng như những cái tương lai sắp tới, ít nhiều đời sống của người dân miền Nam sẽ bị ảnh hưởng khi “anh ấy” vẫn còn là phó thủ tướng, nhưng biến cố 30-4 với đánh tư sản mà người ta còn gầy lại được sản nghiệp, thì một chàng thư sinh kiếng trắng có nghĩa lý gì!

Thế nhưng, có lẽ, câu chuyện của ngày hôm nay, sẽ mãi mãi không quên:

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng nhắc người tên… Đam…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)