Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trị an trở thành bảo kê phi pháp

Mẫn Nhi (VNTB) Một dân phòng tại quận Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) miệt mài tạt sơn, ném trứng thối vào nhà các hộ dân trong 2 năm liền, với lý do,… họ không đóng quỹ dân phòng.

Về phía người dân, họ từ chối đóng quỹ vì “cho rằng tổ dân phòng hoạt động không hiệu quả nên địa phương thường xảy ra trộm cắp, mất an ninh trật tự.”

Thực trạng đội ngũ làm nhiệm vụ trị an chỉ sinh ra để nhận tiền không phải là chuyện hiếm tại Việt Nam. Khi mà tiền nộp theo quỹ “tự nguyện” đang ngày càng nhiều lên, nhất là quỹ an ninh, tuy nhiên đáp lại là chuỗi ngày sống trong bất an của người dân. Do đó, khi người dân từ chối đóng tiền “vận động”, lập tức họ nhận ngay sự sách nhiễu, quấy rối từ những lực lượng côn đồ thứ thiệt lẫn côn đồ giả danh an ninh viên thông qua hành vi bạo lực nêu trên, hay hạch sách về mặt giấy tờ khi người dân cần đến.

Nhà báo Phan Mai Lợi trong một bình luận có liên quan đến việc tạt sơn của nhóm dân phòng đã cho rằng: “Cùng với loa phường, dân phòng là sáng kiến ngoài luật!”. Chính vì ngoài luật, nên họ có thể tùy tiện sử dụng quyền lực và áp đặt nổi sợ hãi lên người dân. Và bằng cách này hay cách khác, họ trở thành những công cụ đắc lực trấn áp các cuộc xuống đường đòi hỏi quyền làm người trong nhiều năm trở lại đây.

Nhìn rộng ra là đội ngũ duy trì trật tự xã hội mang tên “công an nhân dân”. Họ là những người được ăn lương từ nhân dân, và những quyền lợi họ đang có cũng được dẫn từ nguồn ngân sách mà mỗi người dân phải bớt miếng ăn, miếng uống để đóng góp. Đáp lại, khi người dân gặp vấn đề về trật tự trị an, trong đó nổi trội là trộm cướp, thì vai trò của hệ thống công an cơ sở hết sức mờ nhạt, và họ buộc phải tuân theo một quy luật là “nộp tiền” để thúc đẩy nhanh tiến độ trấn áp tội phạm.

Ở tầm mức cao hơn, những “công an nhân dân” được ăn thuế trở thành những công cụ của đảng phái chính trị (mà ở đây là ĐCSVN). Họ tuân thủ theo Điều số 1 trong 10 Điều kỷ luật và 5 Lời thề danh dự, liên quan đến sự trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Và vì thế, họ trở thành một công cụ trấn áp cực kỳ hiệu quả của Đảng đối với các vấn đề làm tổn hại hoặc uy hiếp sự cầm quyền của Đảng. Họ biến thành những côn đồ chính trị dùng đá để ném vào giáo dân đi đòi công lý, hoặc sử dụng bạo lực đối với những nhà đấu tranh dân chủ – nhân quyền. Họ dùng sơn, mắm tôm, chất thải con người để ném vào nhà những tiếng nói liên quan đến quyền con người, hay nhỏ keo 502 vào ổ khóa. Họ cũng có thể giả danh một nhóm trung thanh niên gây rối trật tự nhằm phá hoại một buổi lễ tưởng niệm nào đó liên quan đến Trung Quốc, Biển Đông, Biên giới…

Họ – những công an viên được đào tạo từ trung cấp cho đến Đại học không khác gì những anh dân phòng quận Thủ Đức chỉ học cấp II hay cấp III, bởi thay vì chức năng giữ gìn trị an cho người dân, lại trở thành một lực lượng phá hoại sự phát triển hoặc gây rối của xã hội. Và khi những người được coi là chấp pháp xã hội hành xử vô pháp nhằm vào một đối tượng mà họ cho là mục tiêu chướng mắt, thì lực lượng dân phòng hay lực lượng công an, đã trở thành nô lệ của cái ma lực đồng tiền và quyền lực mang lại. Và từ đó, những lực lượng trị an trở thành những lực lượng bảo kê chính đảng lẫn doanh nghiệp.

Trong một thông tin có liên quan, tại Hà Nội, một người dân tên Trịnh Xuân Linh đã làm đơn khiếu nại lên UBND quận Hà Đông về việc nhiều ngày liền liên tiếp, nhà ông bị ném “bom bẩn”. Ông nghi ngờ sự việc này liên quan đến vấn đề giải tỏa nhà cho một dự án thương mại, nhưng hiện vì giá đền bù quá thấp mà ông chưa đồng tình chuyển đi. Kết quả, ông đã ăn đủ bom bẩn.

Tuy nhiên, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng, những “hành vi côn đồ này sẽ không tồn tại được khi gia đình ông đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng”.

Liệu đó có phải là sự lạc quan tếu nếu nhìn qua lại vụ dân phòng phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), khi sau 2 năm lộng hành, chỉ khi báo chí vào cuộc thì thủ phạm mới bị tóm. Và điều bất ngờ, những anh công an viên đã “dắt” anh dân phòng xuống xin lỗi người dân thay vì nghiêm trị theo pháp luật?
Ở đây, khi hành vi phạm tội diễn ra nhiều năm liền, tại một đất nước mà hệ thống giám sát cơ sở dày đặc (từ sổ hộ khẩu đến trưởng, phó ấp, dân phố,..) thì cái gọi là “cơ quan chức năng” chỉ là một cách nói cho vui mà thôi.

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi Ông là… tướng cướp!

Phan Thanh Hung

VNTB- Phản biện báo Nhân Dân: Cần nhìn thẳng – đó là cái nhìn cong

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự thương tổn của một Quốc gia: Hàn Quốc và Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo