(VNTB) – Nhà nước CSVN chọn đứng về phía doanh nghiệp chứ không chọn bảo vệ người dân
Ngày 7/3, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Đắk Lắk do bà Lê Thị Châu, Chánh thanh tra Sở, dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần ASIA LIFE (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột). Nhưng điều đáng nói là khi đoàn thanh tra và phóng viên có mặt tại công ty thì giám đốc lại “vắng mặt” đầy bí ẩn. Và người dân cũng chẳng tỏ ra bất ngờ trước sự vắng một cách trùng hợp này…
Khi được hỏi về hoạt động sản xuất, đại diện Công ty ASIA LIFE tuyên bố dõng dạc: “Chúng tôi không có trang trại, không có vườn rau, chỉ có dây chuyền sản xuất.” Nhưng khi phóng viên đề nghị được vào bên trong tham quan quy trình sản xuất, lập tức bị từ chối với lý do “đang chờ làm việc với đoàn Sở Y tế Đắk Lắk”. Đây rõ ràng là một sự né tránh trách nhiệm khi sản phẩm của công ty này đang bị dư luận lên án.
Nói về sản phẩm kẹo Kera thì doanh nghiệp này cũng vòng vo rằng: Công ty chỉ sản xuất gia công theo đơn đặt hàng của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, do những gương mặt quen thuộc như Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog đứng tên. Các thông tin công bố trên sản phẩm thì đổ lỗi cho “bên đối tác lo hết”. Việc quảng cáo, cam kết chất lượng sản phẩm thì lại trơ trẽn rằng “không phải trách nhiệm của công ty chúng tôi.”
Tóm lại, công ty này cho rằng họ chỉ sản xuất nhưng không chịu trách nhiệm về sản phẩm, vô can với các đối tác đặt hàng, và lập luận rằng người bán hàng quảng cáo thế nào là việc của họ. Còn người tiêu dùng? Chắc phải tự chịu trách nhiệm luôn cho tiện!
Chuyện ở Công ty ASIA LIFE không phải là trường hợp cá biệt, mà nó đang phản ánh một vấn đề nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Đó là mô hình kinh doanh “ba không”: không chịu trách nhiệm, không kiểm soát chất lượng, không quan tâm đến hậu quả đã khiến thị trường tràn ngập những sản phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn.
Điều đáng lo ngại hơn là kiểu kinh doanh này đang trở thành “chuẩn mực” cho nhiều doanh nghiệp. Nhà sản xuất phủi tay: Công ty chỉ nhận gia công theo đơn đặt hàng, không quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu hay quy trình kiểm định chất lượng. Đơn vị đặt hàng đổ lỗi: Họ chỉ quan tâm đến thương hiệu, lợi nhuận, còn các vấn đề về an toàn thực phẩm thì “có bên khác lo”. Người bán hàng thổi phồng công dụng: Những người nổi tiếng trên mạng xã hội quảng cáo sản phẩm như thần dược, nhưng khi có vấn đề xảy ra, họ lại biến mất hoặc tuyên bố “chỉ là người chia sẻ”. Người tiêu dùng bị bỏ rơi: Không ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ khi gặp phải sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cuối cùng, cái mà người dân quan tâm là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Sở Y tế Đắk Lắk có tiến hành kiểm tra, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc “ghi nhận thông tin” mà không có biện pháp xử lý mạnh tay, thì kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Sự lỏng lẻo trong quản lý và trách nhiệm mập mờ của doanh nghiệp đã tạo ra một môi trường kinh doanh hỗn loạn, nơi mà người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt.
Thật ra, cơ quan chức năng muốn giải quyết những vấn đề này thì không khó. Chỉ cần cường kiểm tra đột xuất, truy cứu trách nhiệm rõ ràng, siết chặt việc quảng cáo sai sự thật. Nhưng nhà cầm quyền CSVN thì chỉ thích làm ngược lại: doanh nghiệp luôn được báo trước khi kiểm tra, để họ có thời gian che giấu sai phạm; tiếp tay cho các doanh nghiệp đổ thừa đổ lỗi cho nhau, buông lỏng quản lý chuyện quảng cáo sai sự thật…
____________________
Tham khảo: