Thảo Vy – Việt Hà (VNTB) Nếu so với một số tỷ phú tư nhân “phất” lên chóng mặt gần đây, tỷ lệ giữa quãng thời gian tích tụ và khối tài sản của cựu Chủ tịch – Tổng giám đốc Điện Quang không có gì phải bàn. Điều bất thường là nữ thứ trưởng là một công chức nhà nước, kể cả thời gian điều hành tại Điện Quang thì cũng chỉ là người đại diện phần vốn cho nhà nước. Cũng chính vì điều này khiến dư luận sốt sắng đòi hỏi phải có câu trả lời vì sao một công chức nhà nước lại có thể làm ra khối tài sản lớn như như vậy?
VNTB – Trục lợi từ cổ phần hóa? |
Cổ phần hóa là tư nhân hóa
Lâu nay, các nhà quản lý vẫn hay nhấn mạnh rằng, cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải là quá trình tư nhân hoá. Nhưng với những gì diễn ra trên thực tế trong nhiều năm qua ở các DNNN đã được CPH, có không ít tiền của, giá trị tài sản của Nhà nước, bằng nhiều cách, đã được chuyển hoá không đúng quy định, không đúng giá trị thực, thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân, cho các cá nhân…
Đơn cử: Tỉ lệ cổ phiếu do bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ tại Công ty CP Điện Quang đã tăng từ gần 858.000 cổ phiếu (cuối năm 2009) lên gần 1,16 triệu cổ phiếu sau khi bà được bổ nhiệm chức thứ trưởng. Hiện bà Thoa đang nắm giữ 1,68 triệu cổ phiếu, tương đương 4,91 % vốn của Công ty CP Điện Quang.
Không chỉ thứ trưởng Thoa nắm giữ số tài sản khổng lồ tại Công ty CP Điện Quang, mà nhiều thành viên khác trong gia đình bà này như em trai, em dâu, các con gái và cả mẹ đẻ hiện vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu cổ phần lớn tại doanh nghiệp này. Nhà nước không nắm giữ cổ phần nào tại Công ty CP Điện Quang.
Đáng lưu ý là sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn, bán hơn 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang vào năm 2014 theo hình thức thỏa thuận, không tổ chức bán đấu giá công khai và một trong những người mua là họ hàng với bà Thoa. Một năm sau, số cổ phiếu đó được bán đi và người mua lại chính là ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa) Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang.
Gom cổ phiếu hay…
Bóng đèn Điện Quang là thương hiệu có từ năm 1973 ở miền Nam Việt Nam, với 3 nhà máy ở khu công nghiệp Biên Hòa, sản xuất đèn ống, ống thủy tinh, và bóng đèn tròn. Sau năm 1975, cả 3 nhà máy đều bị quốc hữu hóa. Đến năm 1979, tái lập nhà máy Bóng đèn Điện Quang.
Bản cáo bạch niêm yết của Công ty CP Điện Quang (mã DQC) cho thấy tại thời điểm tháng 11/2007, bà Hồ Thi Kim Thoa (khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc) cùng 3 thành viên trong gia đình gồm mẹ là bà Trần Thị Xuân Mỹ, em trai Hồ Quỳnh Hưng, và con gái lớn Nguyễn Thái Nga đang nắm giữ tổng cộng 2.129.100 cổ phần DQC, tương đương với tỷ lệ sở hữu 13,5%.
Đến tháng 1/2013, báo cáo quản trị năm 2012 của DQC cho biết tổng lượng cổ phiếu DQC 4 ông bà nói trên đang nắm giữ là 5.443.323 cổ phần vào thời điểm cuối năm 2012, và 4.428.509 cổ phần vào thời điểm đầu năm 2012/cuối năm 2011. Tương đương 4 thành viên nói trên nắm giữ khoảng 18,1% vốn DQC vào cuối năm 2011 và khoảng 22,3% vốn DQC vào cuối năm 2012.
Dựa vào thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, số lượng cổ phiếu DQC của các thành viên gồm bà Hồ Thị Kim Thoa, bà Trần Thị Mỹ Xuân và ông Hồ Quỳnh Hưng nắm giữ đầu kỳ (tháng 11/2007) và cuối kỳ (cuối năm 2012) tăng lên nhờ chia cổ tức. Trong khi đó, lượng cổ phiếu DQC của bà Nguyễn Thái Nga tăng lên nhờ cổ tức và hoạt động “đầu tư chứng khoán”. Chỉ tính riêng năm 2012, cân bằng trạng thái, bà Nguyễn Thái Nga đã mua ròng 904.000 cổ phiếu DQC để tăng lượng cổ phiếu DQC sở hữu từ 1.937.345 cổ phiếu lên 2.841.345 cổ phần.
Báo cáo quản trị năm 2013 cho thấy, năm 2012, một thành viên khác của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ cổ phần của DQC “lộ diện”, bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê – con gái bà Thoa đang có khoảng 1.316.590 cổ phần DQC và Công ty CP Đầu tư Thương mại Điện Quang đang năm 505.931 cổ phiếu DQC. Công ty CP Đầu tư Thương mại Điện Quang là đơn vị ông Hồ Quỳnh Hưng và bà Trần Thị Mỹ Xuân đang sở hữu 35,86% vốn.
Nếu tính thêm lượng cổ phiếu của Nguyễn Thái Quỳnh Lê và lượng cổ phiếu DQC trong Công ty CP Đầu tư Thương mại Điện Quang phân bổ cho ông Hồ Quỳnh Hưng và bà Trần Thị Xuân Mỹ theo tỷ lệ sở hữu, đại gia đình bà Thoa nắm giữ 28,4% vốn DQC vào năm 2012 và 29% vốn DQC vào năm 2013.
Tuy nhiên, năm 2013, ông Hồ Đức Dũng, cháu ruột bà Hồ Thị Kim Thoa được biết là nắm giữ khoảng 1.043.588 cổ phần DQC. Nếu tính thêm ông Hồ Đức Dũng, đại gia đình bà Thoa đang sở hữu khoảng 33,3% DQC vào cuối năm 2013. Năm 2013, bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê được ghi là du học sinh, đầu tư chứng khoán DQC. Năm 2014, các thành viên Nguyễn Thái Nga, Nguyễn Thái Quỳnh Lê và Hồ Đức Dũng mua vào cổ phiếu DQC. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư Thương mại Điện Quang mua vào bán ra cổ phiếu DQC. Năm 2015, bà Nguyễn Thái Nga và ông Hồ Quỳnh Hưng đã mua vào DQC để tăng tỷ lệ sở hữu. Đồng thời Công ty CP Đầu tư Thương mại Điện Quang cũng đã mua vào các đợt để tăng sở hữu.
Năm 2016, bên cạnh được chia cổ tức bằng cổ phiếu, lượng cổ phiếu nắm giữ của bà Hồ Thị Kim Thoa đã tăng nhiều hơn tỷ lệ được chia 10%. Ông Hồ Đức Dũng đã bán ra để giảm sở hữu trong năm này. Đến cuối năm 2016, tính chung số cổ phiếu của 6 cá nhân và 1 tổ chức liên quan phân bổ cho 2 thành viên theo tỷ lệ sở hữu, đại gia đình bà Thoa đang sở hữu khoảng hơn 14,22 triệu DQC, tương đương khoảng 41,4% vốn tại DQC. Nếu loại số cổ phiếu phân bổ cho ông Hưng và bà Xuân Mỹ tại Công ty CP Đầu tư Thương mại Điện Quang 6 thành viên đại gia đình bà Thoa sở hữu 38,8% vốn tại DQC.
… trục lợi cổ phiếu?
Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cần truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu tại Điện Quang của các cổ đông lớn, trong đó có bà thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và những người thân trong gia đình.
“Đợt SCIC bán vốn ở Điện Quang, lúc đó thị trường chứng khoán đã phát triển rồi, sao không bán đấu giá công khai để nhà nước thu được nhiều hơn, mà lại bán theo thỏa thuận? Nói về vấn đề thoái vốn nhà nước cần chính sách cụ thể hơn, không để cho cơ quan đại diện tùy chọn. Bán vốn theo thỏa thuận dễ bị tiêu cực, nhiều nhà đầu tư không mua được vì giao dịch ngầm. Thực tế đã có nhóm lợi ích và không phải bán đấu giá công khai”, ông Hải nêu ý kiến.
Trong vụ việc CPH ở Công ty CP Điện Quang, cho thấy ở đây tư nhân và Nhà nước hợp doanh, theo nghĩa tư nhân nhảy vào muốn “lạm dụng” vai trò của Nhà nước để được hưởng nhiều lợi ích qua ảnh hưởng chính trị như vay vốn, thắng thầu, độc quyền…
Nói một cách khác, khi CPH DNNN Bóng đèn Điện Quang, người ta đã hô biến nó thành doanh nghiệp một chủ, tức là có một bà cổ đông thâu tóm hết. Tuy nhiên, pháp luật không cấm công chức tham gia cổ phần, góp vốn doanh nghiệp, và việc sở hữu của bà Thoa ở đây là đúng luật.
Nói thêm
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện cư ngụ tại 39 đường số 9, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TP.HCM. Bà Thoa bắt đầu làm việc ở Điện Quang từ tháng 6/1992 với vị trí là cán bộ nghiệp vụ Phòng Kế hoạch vật tư Công ty Điện Quang, rồi lần lượt được lên chức Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng Phòng Kế hoạch vật tư Công ty bóng đèn Điện Quang vào tháng 12/1993.
3 năm sau, bà Thoa được thăng chức làm Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty bóng đèn Điện Quang (tháng 6/1996). Giữ vị trí này được gần 4 năm, bà Thoa trở thành Tổng giám đốc (tháng 4/2000). Khi ấy, bà Thoa 40 tuổi.
5 năm sau, tức tháng 2/2005, bà Thoa làm Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang. Bà giữ chức vụ này cho đến năm 2010 thì được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Khi làm thứ trưởng Công Thương, một “vết đen” trong quá trình công tác của bà Thoa lại liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.