Hoài Nguyễn
(VNTB) – Vụ án “chuyến bay giải cứu”, đến nay vẫn chưa rõ ai là “trùm cuối”…
Những tình tiết nghi vấn sau đây sẽ cho thấy có căn cứ về một tổng đạo diễn “ẩn mặt” đàng sau các bê bối tham nhũng ở Việt Nam thời gian xảy ra dịch giã Covid; đó là kịch bản giống nhau kỳ lạ của “chuyến bay giải cứu” và “kit-test Việt Á”? Theo đó, cả 2 công ty Bluesky và Việt Á làm nên 2 đại án kéo hàng trăm cán bộ các cấp xuống bùn đều là những doanh nghiệp nhỏ, hầu như vô danh nhưng lại được chọn để thực hiện các dự án, dịch vụ mang tầm quốc gia.
Công ty Bluesky có 5 lao động và vốn điều lệ 5 tỷ nhưng đã được chọn để thực hiện đến 109 chuyến bay có thu phí. Đã vậy, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng – phó tổng giám đốc Công ty Bluesky còn xem pháp luật như trò bỡn cợt khi “nói lời sau cùng” theo thủ tục mang tính trình tự của phiên xét xử, đã khóc nghẹn “xin được chịu án thay cựu phó giám đốc Công an Hà Nội” tại phiên tòa “chuyến bay giải cứu”.
Chuyện như đùa ở đây là vụ án “chuyến bay giải cứu” có bị cáo Lê Hồng Sơn và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng với vai trò Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Bầu trời xanh (Blue Sky) được xác định đưa hối lộ nhiều nhất với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quá trình xin cấp phép 109 chuyến bay, phê duyệt cách ly y tế từ tháng 11-2020 đến tháng 12-2021, họ đưa hối lộ 63 lần, tổng số tiền hơn 38,5 tỷ đồng cho 12 người và một số cá nhân khác có thẩm quyền. Khi vụ án bị cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, 2 bị cáo chi thêm hơn 61 tỉ đồng để “chạy án”.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Bầu trời xanh (Blue Sky) được thành lập ngày 19-7-2002, có địa chỉ tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là điều hành tour du lịch.
Sau khi những sai phạm liên quan đến chuyến bay giải cứu, ngày 8-12-2022, ông Lê Hồng Sơn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Bầu trời xanh bị khởi tố về tội “đưa hối lộ”, thì đến ngày 20-12-2022, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng và ông Lê Hồng Sơn không còn là cổ đông tại công ty Blue Sky. Thay vào đó, xuất hiện hai cổ đông mới là ông Nguyễn Đức Anh nắm giữ 30% vốn Blue Sky và bà Phạm Thị Như Quỳnh nắm giữ 70% còn lại. Bà Như Quỳnh cũng thay thế bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đảm nhiệm vai trò người đại diện pháp luật Blue Sky.
Liên quan đến vụ án này, tại tòa, trả lời về mục đích đưa tiền, bị cáo Hằng cho biết, để được cấp phép chuyến bay. Bởi, trước khi đưa tiền, công ty của bị cáo có xin phép nhưng được phê duyệt không nhiều, thường thì sát giờ bay mới được cấp phép. Nhờ có việc đưa hối lộ, công ty này được cấp phép 109 chuyến bay giải cứu.
Dù chi ra 100 tỷ để hối lộ quan chức và “chạy án” nhằm không bị xử lý hình sự, thế nhưng thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, tổng số lao động tại Blue Sky chỉ có 5 người.
Tương tự, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Việt Á Corp) là một công ty cung cấp các thiết bị, hóa chất y tế của Việt Nam, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và 5 chi nhánh tại Cần Thơ, Bình Dương, Kon Tum… Tuy nhiên trụ sở chính không có văn phòng mà chỉ mượn chỗ để đặt bảng hiệu từ nhiều năm nay.
Công ty được biết đến nhờ việc sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 trong đại dịch ở Việt Nam trong một hợp đồng đóng nhãn mác Học viện Quân Y. Điều đáng ngờ là Việt Nam có hàng trăm công ty dược hơn hẳn Việt Á về mọi mặt nhưng không hiểu sao chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi ấy lại chọn Việt Á?
Liệu có chuyện nhầm lẫn, vô tình? Câu hỏi đặt ra là ông chủ, bà chủ thật sự của Bluesky và Việt Á là ai cần phải tìm được câu trả lời. Hoặc có thể đặt câu hỏi cách khác, những ai đã dựng lên, hỗ trợ pháp lý, bơm thổi vốn để 2 công ty này hoành hành với mức độ khủng khiếp như vậy?
“Trùm cuối” nào sẽ lẩy Kiều vẫn còn là ẩn số.