Thới Bình
Nếu xứ Đài đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý, tuyên bố độc lập và xin sáp nhập vào quốc gia Hoa kỳ thì sao nhỉ?
Có thể đưa ra giả định như vậy lắm chứ, khi mà vùng Donbass của Ukraine đang tuyên bố khẳng định rằng trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Nga là hợp lệ vì tỉ lệ đi bỏ phiếu trên 50%.
Trò chơi dân túy trước họng súng?
“Theo các chuẩn quốc tế, cuộc trưng cầu được công nhận là hợp lệ khi tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 50%. Số phiếu đã vượt qua ngưỡng này ngày hôm qua”, Hãng tin Tass của Nga dẫn lời ông Alexander Kofman, lãnh đạo phòng dân sự của Donetsk, nói ngày 25-9.
Chính quyền thân Nga tại Donetsk cho biết quả đến cuối ngày 25-9, giờ địa phương, cho thấy tỉ lệ đi bỏ phiếu là 77%.
Tương tự, vùng Lugansk cũng nói cuộc trưng cầu tại đây là hợp pháp với tỉ lệ bỏ phiếu là 76%. “Con số này có nghĩa là trưng cầu ý dân đã thành công”, Hãng tin Sputnik dẫn lời bà Yelena Kravchenko, lãnh đạo cơ quan bầu cử của chính quyền vùng này, nói.
Theo truyền thông Nga, tỉ lệ bỏ phiếu ở vùng Zaporizhia đã vượt 50% trong khi khu vực Kherson mới có 49%.
Trong tuần qua, Tổng thống Putin và quan chức của Nga đã khẳng định Matxcơva sẽ chấp nhận quyết định của người dân các vùng ở Ukraine trong kết quả trưng cầu. Nga cũng nói sẽ sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các vùng lãnh thổ mới sáp nhập.
Giờ thì thử thay các địa danh Donbass, Lugansk thành Đài Loan, Hương Cảng, và rồi cũng có cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc “tuyên bố độc lập” và “gia nhập Nato”, thì liệu Trung Quốc có nhảy dựng lên hay không?
Rất nhanh, không chờ đợi bất kỳ giả định nào, trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Luật pháp quốc tế chứ không phải “luật rừng bôn-sê-vích”
Ngày 24-9, giờ New York, phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nhận định thế giới đang ở thời khắc “bước ngoặt của lịch sử” khi tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục gia tăng, phản ánh cạnh tranh giữa các nước lớn và chủ nghĩa đơn phương.
Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần thượng tôn luật pháp quốc tế và tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; đồng thời, cần xây dựng các thể chế đa phương vững mạnh và hiệu quả, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, để ứng phó với các thách thức chung.
Ông nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông, và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Luật biển 1982.
Nội dung của bài diễn văn mà Phó thủ tướng Việt Nam trình bày, khi được đặt trong những tuyên bố khác của các chính khách phương Tây, cho thấy đó là sự hòa điệu đúng mức và ít nhiều bất ngờ khi mà lâu nay công luận ngờ vực rằng Hà Nội đeo đuổi chính sách “đu dây”.
Tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi kế hoạch bỏ phiếu nhanh ở các vùng Ukraine bị chiếm đóng để gia nhập Nga là “giả tạo” khi chúng được thiết kế để cố gắng thôn tính thêm lãnh thổ của Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi cuộc xung đột ở Ukraine là “quay trở về chủ nghĩa đế quốc” của Nga.
Việt Nam kêu gọi độc lập chính trị
Trên diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã không kém hùng hồn, “Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, là biện pháp hiệu quả và khả thi nhất để ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hòa bình, an ninh bền vững.
Đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế là “chìa khóa” để giải quyết tranh chấp và giảm căng thẳng” – ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh và tái khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào tiến trình ngoại giao, phục hồi và tái thiết ở Ukraine.
Ông Phạm Bình Minh cũng đồng thuận với quan điểm để bảo đảm Liên Hiệp Quốc vẫn còn liên quan trong các vấn đề quốc tế thì nó cần phải mạnh dạn hơn trong thay đổi hiến chương cùng với việc cải cách các cơ quan của mình. Nếu không, các thể chế đa phương khác như NATO, SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) hay G20 sẽ sẵn sàng thay thế Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn của thế giới.
1 comment
Trưng cầu dân ý phải có sự đồng ý của các bên và sự giám sát của các tổ chức quốc tế mới có giá trị pháp lý