Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trung Quốc đang tạo ra luật chơi mới cho nền kinh tế thế giới

Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB) Cách đây chưa lâu, nhiều chuyên gia còn tỏ ra hoài nghi việc Trung Quốc có thể chuyển từ nền thâm dụng lao động, hướng xuất khẩu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng sang nền kinh tế dịch vụ trên cơ sở nhu cầu ở trong nước. Nhưng, ngay cả khi quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc còn lâu mới hoàn thành, tiến bộ đạt được đã đủ gây được ấn tượng rồi.

Lời người dịch: Quan điểm của tác giả bài báo này: “Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận đa phương, trên cơ sở luật lệ” dường như trái ngược với nhận thức chung của nhiều người, trong đó có hai tác giả cuốn Chết dưới tay Trung Quốc và nhiều người Việt Nam chúng ta. Nhưng Michael Spence là nhà kinh tế học nổi tiếng, từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, ý kiến của ông chắc chắn là có ảnh hưởng, cần phải được quan tâm và xem xét một cách thấu đáo.

 

Trong bài bình luận gần đây trên tờ South China Morning Post, Helen Wong, giám đốc điều hành của ngân hàng HSBC ở Đại Trung Quốc chỉ ra sự kiện: thế hệ trẻ đang lên của Trung Quốc bao gồm 400 triệu người tiêu dùng trẻ tuổi, chẳng bao lâu nữa sẽ chiếm hơn một nửa người tiêu dùng trong nước. Wong nhận xét rằng đa số người thuộc thế hệ này giao dịch trực tuyến, bằng những chiếc điện thoại di động, tích hợp, đầy sáng tạo, cho thấy họ đã “nhảy thẳng từ thời đại trước web sang Internet di động, bỏ qua giai đoạn máy tính cá nhân”.
Một phụ nữ đi ngang qua poster của một chi nhánh ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc.  Ảnh: Jason Lee / Reuters
Tất nhiên, tầng lớp trung lưu đang lên của Trung Quốc không phải là tin mới. Nhưng mức độ mà người tiêu dùng trẻ tuổi hướng tới kỹ thuật số đang làm cho các ngành dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, nhưng chưa có nhiều người quan tâm tới hiện tượng này. Nói cho cùng, các ngành dịch sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu của Trung Quốc, từ thu nhập trung bình sang nền kinh tế thu nhập cao.
Cách đây chưa lâu, nhiều chuyên gia còn tỏ ra hoài nghi việc Trung Quốc có thể chuyển từ nền thâm dụng lao động, hướng xuất khẩu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng sang nền kinh tế dịch vụ trên cơ sở nhu cầu ở trong nước. Nhưng, ngay cả khi quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc còn lâu mới hoàn thành, tiến bộ đạt được đã đủ gây được ấn tượng rồi.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chuyển những ngành xuất khẩu thâm dụng lao động sang các nước kém phát triển hơn, có chi phí lao động thấp hơn. Còn trong các lĩnh vực khác, nước này đã chuyển sang các hình thức sản xuất kỹ thuật số, sử dụng nhiều vốn hơn, làm cho những bất lợi về chi phí lao động trở thành không đáng kể. Những xu hướng này ngụ ý rằng, tăng trưởng bên phía cung đã trở nên ít phụ thuộc vào thị trường bên ngoài hơn trước.
Do những thay đổi này, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Thị trường trong nước phát triển nhanh và chẳng bao lâu nữa có thể trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Và, vì chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát việc tiếp cận thị trường này, nước này có thể ngày càng có nhiều ảnh hưởng đối với các nước châu Á và bên ngoài châu Á. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng bớt phụ thuộc vào xuất khẩu còn làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào sự đỏng đảnh của những người nắm quyền chi phối thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc thực sự không cần phải hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của mình thì mới giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, vì, chỉ cần đe dọa làm như vậy là nước này có thể làm nghiêng cán cân trong các cuộc thương lượng rồi. Điều này cho thấy vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu bắt đầu có nhiều điểm tương đồng với Mỹ thời hậu chiến, khi nnước này, cùng với châu Âu, là cường quốc kinh tế giữ thế thượng phong. Suốt nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, Châu Âu và Mỹ chiếm hơn một nửa (có lúc tới gần 70%) sản lượng toàn cầu và không phụ thuộc nhiều vào các thị trường ở những nơi khác – ngoại trừ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như dầu mỏ và khoáng sản.
Hiện nay, Trung Quốc đang nhanh chóng tiến tới vị thế tương tự. Nước này có thị trường nội địa rất lớn – lại có thể kiểm soát việc tiếp cận – thu nhập gia tăng và tổng cầu khá cao; còn mô hình tăng trưởng thì đang ngày càng dựa trên tiêu dùng và đầu tư trong nước, và ngày càng ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu.
Nhưng Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình như thế nào? Trong giai đoạn hậu chiến, các nền kinh tế phát triển sử dụng vị thế của mình để thiết lập luật lệ cho hoạt động kinh tế toàn cầu. Tất nhiên là họ đặt ra luật lệ sao cho có lợi cho mình, nhưng họ cũng làm hết sức mình để đưa các nước đang phát triển vào tiến trình này.
Chắc chắn là các siêu cường kinh tế thời hậu chiến không có trách nhiệm áp dụng cách tiếp cận đó. Họ có quyền tập trung vào lợi ích riêng của mình. Nhưng tập trung vào quyền lợi của mình có thể không phải là khôn ngoan. Cần nhớ rằng, trong thế kỷ XX, sau hai cuộc thế chiến, hòa bình là ưu tiên hàng đầu, cùng với – hoặc thậm chí trước cả thịnh vượng.
Trung Quốc đang cho thấy rằng họ cũng đi theo hướng đó. Có nhiều khả năng là nước này sẽ không theo cách tiếp cận theo lối tư lợi hẹp hòi, chủ yếu, vì làm như thế sẽ làm giảm tầm vóc và ảnh hưởng toàn cầu của nó. Trung Quốc đã chứng tỏ rằng nước này muốn có ảnh hưởng trong thế giới đang phát triển – và chắc chắn là ở châu Á – bằng cách đóng vai trò đối tác khuyến khích, chí ít là trong lĩnh vực kinh tế.
Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu đó hay không còn phụ thuộc vào những việc họ làm trong hai lĩnh vực chính sách quan trọng nhất. Thứ nhất: đầu tư. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ, bằng cách tung ra nhiều sáng kiến đa phương và song phương. Ví dụ, ngoài những khoản đầu tư vào các nước Châu Phi, năm 2015, nước này còn thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á và năm 2013 thì công bố sang kiến “Một vành đai, Một con đường” nhằm hợp nhất châu Á và châu Âu bằng những khoản đầu tư lớn vào đường cao tốc, bến cảng và giao thông đường sắt.
Thứ hai, cách thức Trung Quốc quản lý việc tiếp cận thị trường nội địa rộng lớn – về thương mại và đầu tư – sẽ gây ra những hậu quả sâu xa đối với tất cả các đối tác kinh tế ở bên ngoài Trung Quốc, chứ không chỉ đối với các nước đang phát triển. Thị trường nội địa Trung Quốc giờ đây là nguồn sức mạnh của nước này, điều đó có nghĩa là những sự lựa chọn trong lĩnh vực này trong tương lai gần sẽ góp phần to lớn vào việc xác định vị thế toàn cầu trong những thập kỷ tới.
Chắc chắn, quan điểm hiện nay của Trung Quốc trong việc cho các nước khác tiếp cận với thị trường nội địa của họ không được rõ ràng bằng tham vọng kinh tế của họ ở nước ngoài. Nhưng, có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ hướng tới khuôn khổ đa phương, cởi mở, dựa trên pháp luật. Bài học rút ra từ thời hậu chiến là cách tiếp cận này sẽ mang lại những lợi ích cao nhất cho các nước bên ngoài, và do đó, làm cho ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc tăng lên. Trong giai đoạn phát triển hiện nay của Trung Quốc, một cách tiếp cận như vậy sẽ tốn rất ít – nếu quả thật là có – chi phí, trong khi có nhiều khả năng là sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Một vấn đề cần thấy là quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ phát triển ra sao. Mỹ đang đau khổ vì mô hình tăng trưởng thiếu dung hợp và những biến động chính trị và xã hội liên quan tới mô hình này. Và hiện nay nước này dường như đang sẵn sàng rời bỏ cách tiếp cận đối với chính sách kinh tế quốc tế thời hậu chiến của mình. Nhưng ngay cả nếu Mỹ, dưới thới Tổng thống Donald Trump, có tự cô lập mình thì đây vẫn là nền kinh tế rất lớn, không ai có thể bỏ qua được. Nếu chính quyền của Trump bắt đầu thực thi những chính sách hung hăng nhắm vào Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác, họ sẽ phải đáp trả.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận đa phương, trên cơ sở luật lệ và có thể hi vọng vào sự ủng hộ rộng rãi từ các nước phát triển và đang phát triển khác. Quan trọng là không bị sự kiện là Mỹ rút vào chủ nghĩa dân tộc làm cho rối trí. Nói cho cùng, ai có thể đoán được chuyện này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Michael Spence, Nobel kinh tế, hiện là Giáo sư kinh tế học tại Economics at NYU’s Stern School of Business, công tác biên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cộng tác viện cao cấp ở Hoover Institution at Stanford University, đồng chủ tịch ban cố vấn của Asia Global Institute ở Hong Kong và là Chủ tịch the World Economic Forum Global Agenda Council on New Growth Models. Ông tác giả cuốn The Next Convergence – The Future of Economic Growth in a Multispeed World.

 

 

 

https://www.project-syndicate.org/commentary/china-in-the-global-economy-by-michael-spence-2017-08

 

Tin bài liên quan:

VNTB- Putin và Tập: Không phải là những đồng minh như họ đang thể hiện

Phan Thanh Hung

Tháng 2 giữ đất cha ông – Kỳ 1: Đánh giập đầu điệp báo

Phan Thanh Hung

VNTB – Sách ‘Công lý và hòa bình trên biển Đông’: Vì sao Việt Nam không dám kiện Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo