Nguyễn An
(VNTB) – Gần như từ đầu mùa dịch cúm Tàu bên Vũ Hán lây sang xứ Việt đến nay, người ta dễ nhận ra trên báo chí Việt Nam tin tức về Trung Quốc, đa phần là xấu xí.
Báo điện tử VietnamNet – cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông, nhanh chóng đưa tin: “Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/9 cho biết, Trung Quốc hồi năm 2015 từng hứa không có ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam” (1).
Tác giả bài báo này dường như “mượn người – nói ta”, khi thuật rằng vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, nói thẳng độp rằng Bắc Kinh đã không tôn trọng những lời nói và cam kết của họ. Thời gian gần đây, Mỹ “đã chứng kiến số lượng chưa từng có những quốc gia đưa ra phản đối chính thức về các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc”. Do vậy, Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối về “hành vi nguy hiểm và không thể chấp nhận” này. Washington sẽ tiếp tục sát cánh với các đối tác khu vực Đông Nam Á chống lại những ‘nỗ lực bắt nạt’ của Trung Quốc nhằm chiếm được ưu thế ở Biển Đông.
“Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Biển Đông thời gian gần đây đã nóng dần lên, khi ba nước Đức, Anh và Pháp đệ trình công hàm chung lên Liên Hợp Quốc (LHQ) vào ngày 16/9, trong đó viết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và những quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS)” – tác giả bài báo nhấn mạnh; qua đó rất có thể đang ngầm muốn nhắc khéo, rằng các tổ chức xã hội dân sự còn chần chừ gì nữa mà không đưa những bản tuyên bố đồng lòng lên án một Trung Quốc xấu xí, chuyên dùng sức mạnh cơ bắp để bắt nạt…
Báo VietnamNet hôm 27/9 cũng có bài về chuyện Việt Nam đang chủ động thoát khỏi sự ảnh hưởng về mọi mặt đối với gã hàng xóm xấu tính Trung Quốc:
“Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ năm 2020 của Bộ Công Thương, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhìn nhận, chuyển dịch chuỗi cung ứng là quá trình liên tục theo quy luật thị trường và vấn đề này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nhìn từ quan hệ với thị trường Canada, bà Đỗ Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho rằng, hiện doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Canada so với trước. Bởi lẽ, Chính phủ Canada những năm gần đây theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại, ưu tiên phát triển quan hệ thương mại với châu Á.
Dịch bệnh làm lộ mặt trái cũng chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp phải xem xét lại chỗ mua hàng và sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường với mức giá rẻ. Châu Á vẫn được doanh nghiệp quan tâm trong thiết lập chuỗi cung ứng.
Việt Nam và Canada cùng là thành viên của hiệp định CPTPP, bà Đỗ Thu Hương cho rằng, doanh nghiệp 2 bên sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong tương lai. “Gần đây các doanh nghiệp Canada tìm nhà cung ứng, tìm cơ sở đặt nhà máy của doanh nghiệp Canada tại Việt Nam khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiêp phụ trợ. Nhiều cầu cảng được lắp đặt tại Canada với trị giá 40-50 triệu USD được sản xuất tại Việt Nam và đem về lắp ráp tại Canada”, bà Hương chia sẻ” (2).
“Cho dù mỗi chính quyền mới của Mỹ sẽ có cách tiếp cận khác nhau nhưng hãy tin rằng, chính quyền Mỹ vẫn giữ được đà quan hệ Việt – Mỹ như hiện nay” – trích câu kết luận ở bài nói chuyện của Đại sứ Phạm Quang Vinh về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, đăng trên trang Tuần Việt Nam, ngày 28/9/2020 (3).
Rõ ràng là ngay lúc này, nếu như có được sự đồng lòng từ các tổ chức xã hội dân sự trong việc đưa ra những bản tuyên bố lên án một Trung Quốc xấu xí, chuyên dùng sức mạnh cơ bắp để bắt nạt, thì đó là những phối hợp đa dạng về mặt ngoại giao, về truyền thông rất cần thiết cổ võ…
____________
Chú thích:
(1) https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/bo-ngoai-giao-my-to-trung-quoc-hua-suong-ve-bien-dong-676990.html
(3) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/bau-cu-my-va-canh-tranh-chien-luoc-my-trung-676097.html