Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trước phải vì dân…

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Bệnh tật là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo.

 

Thay vì làm sân golf, sân bay, nhà hát… chỉ phục vụ cho một số đối tượng có thu nhập cao, thì chính phủ nên tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế, phục vụ cho toàn dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bệnh tật là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo. Ngành y tế không trực tiếp làm ra tiền, nhưng ngành y giúp cho tất cả mọi người có sức khỏe để làm ra tiền. Phải có quan điểm khoa học và nhân văn thì mới có quyết định đúng.

Những tín hiệu ban đầu

Bộ Y tế hiện nay đang là chủ Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở, có nguồn. vốn hơn 126 triệu USD. Trong đó vốn vay Ngân hàng thế giới là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng. Dự án được triển khai trong 5 năm tại 13 tỉnh gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Ninh Thuận.

Theo đó, dự án sẽ xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế khác, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện của 13 tỉnh; cung cấp trang thiết bị cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế cơ sở về các nội dung: truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm.

Trong một ghi nhận kiểm định từ Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết như sau:

Vào một ngày hè nắng gắt, bà Nguyễn Thị Nội, 38 tuổi, đột ngột bị đau nhói ở đầu gối trái khi đang làm ruộng. Chồng của bà lập tức đưa bà đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh viện lớn nhất tỉnh cách nhà khoảng 15 cây số.

Thông qua hệ thống chụp cắt lớp hiện đại, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đứt dây chằng đầu gối và chỉ định. mổ nội soi. Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và bệnh nhân Nguyễn Thị Nội đang dần hồi phục vào thời điểm chúng tôi (tức WB Việt Nam) đến thăm. Mọi chuyện có thể sẽ khác nếu tai nạn xảy đến vào thời điểm bốn năm về trước. Rất có thể bệnh nhân sẽ mất một ngày đi lại lên bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội để chạy chữa.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Nội nhớ lại: “Thời gian trước, cơ sở vật chất của những bệnh viện tại địa phương  còn rất lạc hậu. Đội ngũ y bác sĩ chỉ có thể chữa một số bệnh đơn giản. Rất nhiều người  chúng tôi đều nghĩ rằng nếu bị bệnh nặng hoặc cần thực hiện các thủ thuật phức tạp thì chắc chắn phải lên các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội”.

Khi đó, bệnh viện Đa khoa Yên Bái chưa thể thực hiện các ca phẫu thuật nội soi.

Ngay cả đến bây giờ, nhiều người dân vùng nông thôn Việt Nam vẫn còn có suy nghĩ giống bệnh nhân Nội đó là muốn được khám chữa bệnh tốt phải lên các bệnh viện tuyến trên, mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc phải mất thêm rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém về chi phí. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận bởi niềm tin rằng họ sẽ được điều trị bởi đội ngũ y bác sĩ có năng lực chuyên môn cao và ở những bệnh viện hiện đại hơn” (dừng trích).

Tài chính công dành cho y tế?

Theo thống kê của WB, đến năm 2019 có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP (phương thức đối tác công tư) trong lĩnh vực y tế được đề xuất. Tuy nhiên, trong những án này, chỉ có 13 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, và có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.

Các dự án PPP trong lĩnh vực y tế hầu hết tập trung ở một số tỉnh: TP Hà Nội (1 dự án), TP.HCM (6 dự án), Hải Phòng (1 dự án), Đà Nẵng (1 dự án), Quảng Ninh (2 dự án), Quảng Nam (1 dự án), Cà Mau (1 dự án), Bến Tre (1 dự án).

Từ năm 2019 đến nay, trong lĩnh vực y tế chưa có thêm dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Tài chính y tế là một trong những chức năng cơ bản của hệ thống y tế. Tài chính y tế bao gồm thu hút và tập trung nguồn tiền, sử dụng nguồn tiền đó chi trả cho các dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu của chăm sóc sức khỏe của mọi người, từ cá nhân cho đến toàn xã hội.

Phương cách thu hút và sử dụng nguồn tiền đó của mỗi nước ảnh hưởng đến loại dịch vụ được cung cấp, khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ và khả năng chi trả cho các dịch vụ, do đó là yếu tố then chốt để đạt được Bao phủ Sức khỏe Toàn dân (UHC).

Các nước trên thế giới dùng nhiều cách khác nhau để thu hút nguồn tiền, thường được chia ra thành “công” và “tư”. Khi nguồn tiền dùng để chi trả cho chăm sóc sức khỏe đến từ thuế chính phủ, hoặc từ bảo hiểm y tế xã hội, thì được gọi là tài chính công.

Nếu chi trả cho chăm sóc sức khỏe lại sử dụng nguồn tiền đến từ hộ gia đình, hoặc tiền trả trực tiếp của bệnh nhân, hoặc từ bảo hiểm y tế tư nhân, thì goi là tài chính tư.

Tài chính tư dựa vào tiền chi trả trực tiếp có thể làm hạn chế sự tiếp cận dịch vụ y tế khi người dân cần và đẩy các hộ gia đình vào nguy cơ nghèo đói. Tài chính công cho phép thu hút nguồn tiền tùy vào khả năng đóng góp của hộ gia đình và chi trả các dịch vụ y tế dựa trên nhu cầu, cho nên có thể bảo vệ được các hộ gia đình khỏi khó khăn về tài chính.

Tiếc là chính phủ Việt Nam dường như đang kém hiệu quả trong sử dụng tài chính công về y tế nên người nghèo khi bệnh tật, họ càng túng quẫn hơn, cùng cực hơn về mọi mặt của đời sống chính họ và gia đình.


Tin bài liên quan:

VNTB – “Biệt phủ” đời xưa thua xa “biệt phủ” đời nay…

Do Van Tien

VNTB – Phóng sự ảnh: Phố ông đồ ngày cuối năm

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Vingroup khẳng định doanh nghiệp không có ‘trục lợi’ sinh phẩm y tế

Phan Thanh Hung

1 comment

Công Tâm 26.09.2022 10:56 at 10:56

Xây tượng đài là kiếm tiền ngon nhất: chi phí thật 10 tỷ thì nâng khống lên thành 50 tỷ, thế là có 40 tỷ chia nhau!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.