VNTB – Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có phải là trường có nhà đầu tư Hoa Kỳ?

VNTB – Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có phải là trường có nhà đầu tư Hoa Kỳ?

Mai Lan

 

(VNTB) – Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, thuộc Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Út Em

 

Hệ sinh thái giáo dục có yếu tố về tên gọi “Mỹ”

Hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) bất ngờ thông báo cho học sinh nghỉ học, do hầu hết giáo viên nghỉ việc vì bị nợ lương. Ngày 17-3, nhà trường tổ chức cuộc họp với các phụ huynh học sinh để tìm giải pháp giải quyết tình hình khó khăn về tài chính.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nằm ở huyện Nhà Bè, TP.HCM thuộc Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Út Em (sinh năm 1963, quê ở Vĩnh Long, cư trú tại 76 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM). Công ty của bà Út Em hoạt động từ tháng 10-2018 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%. Chỉ 15 ngày sau khi thành lập, tức vào ngày 25-10-2018, công ty của bà Út Em đã nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, gấp 20 lần số vốn ban đầu.

Theo tự giới thiệu, “Từ năm 1997, cô Nguyễn Thị Út Em đã bắt đầu tìm hiểu mô hình giáo dục quốc tế cho học sinh Việt Nam. Năm 2001, cô Em đã thành lập một trường cao đẳng – đại học quốc tế (dạy chương trình Hoa Kỳ) tại thành phố Hồ Chí Minh, theo tiêu chí phi lợi nhuận, đây là trường đầu tiên ở Việt Nam đạt được kiểm định bởi Hiệp hội các trường Miền Nam Hoa Kỳ (Southern Association of Colleges and Schools – SACS) năm 2003.

Cô Em nhận ra sự hạn chế của các chương trình học các cấp phổ thông và mẫu giáo ở Việt Nam chưa thể mang đến sự chuẩn bị tốt cho học sinh phát triển ở bậc đại học theo chất lượng quốc tế.

Năm 2006, con gái cô Em đang ở độ tuổi tiểu học và cô Em quyết tâm xây dựng một mô hình trường phổ thông chất lượng quốc tế cho học sinh Việt Nam, trong đó có con của mình. Cô Em đã nỗ lực thành lập Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam (AISVN) vào tháng 8 năm 2006, với tầm nhìn một trường quốc tế phổ thông liên cấp, từ cấp mẫu giáo đến lớp 12, không giới hạn về số lượng học sinh là người Việt Nam, hoạt động theo tiêu chí phi lợi nhuận, cam kết cung cấp cho học sinh một chương trình giáo dục chất lượng quốc tế tốt nhất để chuẩn bị cho học sinh trong tương lai và mang đến cho các em nhiều cơ hội trải nghiệm học tập bậc đại học ở nước ngoài”.

Học phí của trường từ mầm non đến lớp 12 là từ 280 triệu – 725 triệu/năm, là 1 trong những trường phổ thông có mức học phí đắt đỏ nhất thành phố Hồ Chí Minh. Mức học phí trên chưa tính hàng loạt các khoản phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ, các chương trình hoạt động trải nghiệm học tập thực tế, các bài thi của tổ chức bên ngoài…; Như phí hồ sơ đầu vào mỗi học sinh từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu tùy cấp học. Phí ghi danh của trường theo từng khối lớp, dao động từ 25 đến 45 triệu đồng. Phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung từ 40 đến 50 triệu đồng/năm…

Bà Nguyễn Thị Út Em cũng đồng thời đang là Chủ tịch hội đồng quản trị và người đại diện của nhiều công ty như Công ty cổ phần Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ, Công ty cổ phần Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ, Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Quốc tế, Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Mỹ…

 

Một vụ việc dân sự mang dấu hiệu hình sự?

Theo đơn kêu cứu của phụ huynh cho biết: “Sự việc cụ thể diễn ra từ năm 2012 tới nay, bà Em có huy động của phụ huynh số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền của tôi, bà Em đã không thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm được qui định tại các hợp đồng này, sử dụng sai mục đích so với thỏa thuận nhằm chiếm đoạt tài sản của tôi” (…)

“Rất nhiều phụ huynh đã bán nhà, thế chấp nhà vay tiền ngân hàng đóng trọn gói học phí 12 năm vào trường AISVN của bà Em để con chúng tôi có điều kiện học tập tốt nhất. Nhưng bà Em đã làm gì với hơn 4.000 tỷ đồng của chúng tôi?. Chúng tôi rất nghi ngờ số tiền này đã bị bà Em có hành vi rút ruột, sử dụng sai mục đích, không phục vụ cho mục đích giáo dục và đào tạo con chúng tôi theo đúng hợp đồng đào tạo. Hậu quả là giờ này giáo viên, nhân viên đều bị nợ lương hơn 3 tháng, bị cắt bảo hiểm…” – trích đơn kêu cứu của phụ huynh trình bày.

Cũng theo nhiều phụ huynh, từ tháng 9 năm ngoái, thông tin trường AISVN nợ lương và chậm trả lương giáo viên đã bắt đầu được chia sẻ đến phụ huynh, chất lượng tổ chức giảng dạy xuống cấp. Bà Em đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp và kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp thêm tiền để trường AISVN trang trải các khoản chi lương. Đồng thời, cam kết gởi đến và công khai, minh bạch thu chi, báo cáo tài chính, kế hoạch tái cấu trúc trường để giải quyết tình trạng hoạt động bấp bênh gây ảnh hưởng việc học tập của hơn 1.400 học sinh.

“Hơn 90% phụ huynh đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở trường AISVN dưới “Hợp đồng cho vay”, hoặc “Hợp đồng góp vốn đầu tư”… tổng số tiền chúng tôi đã đóng vào – hay nói cách khác là bà Em đã huy động và đang nợ chúng tôi, lên đến hơn 3.200 tỷ đồng”, đơn cũng trình bày.

Một số phụ huynh cho biết, con họ từng học tại trường AISVN, được đào tạo chính khóa và miễn học phí trong suốt thời gian học tại trường. Điều kiện là phụ huynh sẽ cho trường vay tiền, nhà trường sẽ hoàn trả số tiền vay kể từ khi học sinh học hết lớp 12 và hoàn tất thủ tục chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường AISVN. Tuy nhiên, đến khi con kết thúc thời gian học tại trường đã lâu, phụ huynh vẫn chưa được hoàn trả tiền.

 

Trách nhiệm của địa phương về quản lý ngành?

… Một cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của TP.HCM với bà Nguyễn Thị Út Em, cùng phụ huynh, chiều 30-3 vừa qua. Tham dự buổi họp có gần 600 phụ huynh. Theo Thượng tá Vũ Thị Thúy Hà, Phó Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 03), Công an TP.HCM, chủ đầu tư của trường hiện không còn khả năng tài chính. Bà Hà cho biết thêm vào hôm 29-3, đội ngũ giáo viên nước ngoài rất căng thẳng, hiệu trưởng khẳng định nếu không đảm bảo tài chính sẽ nghỉ việc.

Đại diện PA 03 cũng cho biết hiện cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động của bà Út Em. Mọi cuộc đàm phán giữa chủ trường với các nhà đầu tư đều chưa có kết quả. Nhà đầu tư, do phụ huynh giới thiệu cũng dừng ở mức tìm hiểu, nghe những lùm xùm đều rút lui.

Hồi tháng 9-2023, sau khi phụ huynh lên tiếng đòi nợ trường, bà Nguyễn Thị Út Em đã kêu gọi phụ huynh đóng góp bổ sung các khoản phí thường niên cho năm học 2023-2024. Một phụ huynh có 2 con đang theo học tại trường bức xúc: “Hầu hết chúng tôi đều đầu tư đóng trọn gói nhiều tỷ đồng vào trường cho con đến hết lớp 12. Tháng 10-2023, bà Út Em đã kêu gọi phụ huynh đóng gần 70 tỷ đồng để duy trì hoạt động trường. Khi đó các phụ huynh, kể cả những người đã đầu tư trọn gói hàng tỷ đồng vào trường cũng tiếp tục đóng tiền, duy trì việc học cho con. Nay trường lại kêu gọi đóng tiền để duy trì hoạt động. Điều tất cả phụ huynh quan tâm là sau đợt góp tiền này trường vận hành thế nào, có tiếp tục kêu gọi đóng tiền nữa không?”

Về pháp lý thì Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thì học phí phải được thu định kỳ hằng tháng. Nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.

Hiện tại, cơ quan chức năng TP.HCM đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân.

Xem ra cho thấy thương hiệu quốc tế không phải khi nào cũng chất lượng cao như nhiều người nghĩ. Coi chừng gặp phải “hàng giả” như chơi. Và có điều cần đặt ra, đó là vai trò quản lý của ngành giáo dục địa phương đối với các loại trường hoạt động theo mô hình kinh doanh này?

 

________________

Tham khảo:

https://www.ais.edu.vn/vi/ve-aisvn/ban-giam-hieu/

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)