VNTB – Truyện cười: Cà phê “Giải phóng”

VNTB – Truyện cười: Cà phê “Giải phóng”

Trần Thế Kỷ

 

 1️⃣ . Sáng nọ, tía cu Tèo bảo cu Tèo:

– Cha con mình ra quán bác Hai làm ly cà phê “có cái nồi ngồi trên cái cốc”.

– Tía nói gì con không hiểu?

– Tức là cà phê phin đó.

– Sao tía không nói thẳng là cà phê phin mà lại nói là “có cái nồi ngồi trên cái cốc”?

– Tía nói thế là để tưởng niệm ngày 30 tháng Tư.

– Con vẫn chưa hiểu.

– Đó là vì sau cái ngày “Giải phóng miền Nam”, mấy anh bộ đội vào Sài Gòn , thấy người Sài Gòn uống cà phê phin thì lại gọi đó là cà phê “có cái nồi ngồi trên cái cốc”.

– Vậy là mấy anh bộ đội quê quá sá quê.

– Đúng là quê một cục.

– Rốt cuộc thì ai giải phóng ai, hở tía?!

 

2️⃣. Tèo hỏi tía:

– Tía nghĩ gì về ngày 30 tháng Tư?

– Tía đồng ý với ông Võ Văn Kiệt, rằng đó là ngày “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.

– Ai vui , ai buồn hở tía?

– “Bên thắng cuộc” vui, “bên thua cuộc” buồn, con ạ.

– Nhưng theo con nghĩ thì cả hai miền đều thua, chỉ thằng Tàu là thắng.

– Con nói rất đúng. Tía vui vì con biết nghĩ như thế.

– Ấy vậy mà nhà cầm quyền xứ ta hiện nay ông nào ông nấy đều huênh hoang về ngày 30 tháng Tư, làm như họ là anh hùng giải phóng.

– Cũng vì họ “giải phóng” mà hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi.

– Nực cười là, trong khi nói đang làm lành vết thương chiến tranh, nhiều người lãnh đạo, như ông Thủ hói chẳng hạn, vẫn tiếp tục có những lời lẽ gây hận thù dân tộc.

– Những hạng đó già đầu mà vẫn chưa khôn. Thôi, cha con mình sang quán bác Hai làm ly cà phê “có cái nồi ngồi trên cái cốc”!

 

3️⃣. Tèo hỏi tía:

– Cuộc chiến VN kết thúc ngày 30 tháng Tư 1975, phải không tía?

– Vừa đúng vừa không đúng, con ạ.

– Con không hiểu ý tía.

– 45 năm qua dù không còn tiếng súng nhưng cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn trong lòng người. Đó là vì “Bên thắng cuộc” chưa thực tâm muốn hoà giải. Họ tiếp tục dùng những từ ngữ như “phản động”, “ba que”, “đu càng”…gây xúc phạm đến những người Việt lưu vong, những người vì CS mà đã phải bỏ nước ra đi.

– Theo con, nếu thực tâm hoà giải thì nhà cầm quyền VN hiện nay phải chấm dứt dùng những từ ngữ gây hận thù , thả hết tù chính trị đồng thời bỏ kỷ niệm linh đình ngày 30 tháng Tư, cái ngày mà “triệu người vui, triệu người buồn” đó.

– Con nói đúng, nhưng e rằng điều này khó xảy ra.

– Vì sao vậy tía?

– Bởi vì nếu không huênh hoang mình có công “giải phóng miền Nam”,  không chống lại tự do và dân chủ thì lại không phải là những người CS!

 

4️⃣. Tèo hỏi Tía:

– Ông Nguyễn Văn Thiệu là tác giả câu nói “Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”, phải không tía?

– Đúng vậy, con ạ. Đó là câu nói bất hủ khiến ông Thiệu trở thành bất tử. Câu nói đó nổi tiếng đến nỗi một đứa trẻ như con mà còn biết.

– Tại sao nó nổi tiếng, hở tía?

– Tại vì nó quá hay, quá đúng. Khó ai có thể phủ nhận sự đúng đắn của nó.

– Có thể xem câu nói này của ông Thiệu như một chân lý, phải không Tía?

– Đúng vậy. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!

 

5️⃣. Tía cu Tèo bảo cu Tèo:

– Con có bao giớ nghe đến cái tên Cô Nhíp không?

– Không, tía ạ. Cô ta là ai vậy?

– Ngày 30 tháng Tư 1975, xe tăng của cộng quân vào cửa ngõ Sài Gòn theo hướng Tây Bắc. Xe được dẫn đường bởi một cô gái trẻ, đầu đội nón tai bèo. Đó là cô Nhíp, Cao Thị Nhíp. Xưởng phim Giải Phóng từng làm phim về cô này.

– Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì cô Nhíp làm gì, hở tía?

– Cô ấy qua Mỹ, con ạ. Cô ta giờ mang quốc tịch Mỹ với cái tên khác.

– Sao cô ta không ở lại VN xây dựng CNXH?

– Việc cô Nhíp sang Mỹ tự nó đã là câu trả lời hùng hồn. Cách đây không lâu, khi được hỏi về cái ngày 30 tháng Tư  “ hào hùng” đó, cô Nhíp đáp: “Tôi đã quên rồi, quên lâu lắm rồi”!

– Cố ấy quên là phải. Cái ngày đó có gì hay ho đâu để mà nhớ.

– Đúng vậy, con ạ. Vậy mà nhà cầm quyền CSVN hiện nay cứ đến ngày 30 tháng Tư lại tổ chức rình rang.

– Vậy là những người CS không muốn chữa lành vết thương cũ mà chỉ muốn làm nó luôn rỉ máu.

– Đúng vậy, con ạ. Có lẽ những người CS nghĩ rằng lá cờ của họ chưa đủ đỏ!

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)