Việt Nam Thời Báo

VNTB – Truyện kịch ngắn cuối tuần: Chiếc bình quý

Chu Mộng Long (VNTB) Ông khóc vì ông biết ông đã thua. Thời thế thay đổi rồi. Ông không thể giáo dục nổi thằng con độc đinh huống hồ là giáo huấn cho cả họ. Trong lúc cả họ chưa đến, ông quét sạch và lo phi tang. Hôm sau, ông ra chợ, đến cửa hàng gốm sứ Giang Tây mua cái bình khác. Ông ngâm cái bình ấy vào bùn đen cho ra vẻ cổ và thế vào chỗ cũ để phòng khi giỗ họ sắp tới, cả họ lại truy vấn ông.

CHIẾC BÌNH QUÝ

Trưởng tộc Chu vốn nổi tiếng liêm khiết. Cả đời ông chỉ biết thu tiền của cả họ để xây nhà thờ, xây lăng miếu tổ tông và mua sắm các loại lễ vật thờ cúng gia tiên. Cả họ cúc cung với trưởng tộc vì nhờ có ông mà có chỗ đi lại cúng tế để cầu tài cầu lộc cầu quan. Nhưng trưởng tộc lại có thằng con độc đinh thuộc hàng phá gia chi tử. Trưởng tộc làm cái gì thằng con xà xẻo cái nấy, nó ăn không chừa thứ gì. Cả họ phẫn nộ. Số tiền đóng góp của cả họ không đủ chi tiêu.

Hình minh họa
Trưởng tộc đóng cửa dạy bảo thằng con:
– Mày suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả họ. Tao phải xử mày!

Mặt trưởng tộc càng nhăn nhó bao nhiêu thì mặt thằng con càng khinh kỉnh bấy nhiêu. Nó nói:
– Bố tưởng bố liêm khiết thật sao? Vậy lâu nay bố sống bằng gì? Không phải tiền của cả họ đóng góp thì là của ai? Nói thật, cả họ đang mong bố chết lắm đấy. Đến lúc này bố chết đi là vừa. Mà này, tồn vong hay không có thuộc về bố đâu? Đến lúc bố chết, không phải con thì ai kế thừa làm trưởng tộc?

Trưởng tộc thua, đành để cho nó lộng hành. Khi ngân khố của cả họ không còn, thằng con bắt đầu dòm ngó lên ban thờ. Mỗi ngày nó bán một thứ để tiêu xài, từ đánh bạc đến gái gú thâu đêm. Trên ban thờ toàn đồ đắt tiền. Đa số là gốm sứ, cổ có kim có. Tộc Chu gốc Tàu Minh Hương nên trưởng tộc dùng toàn đồ Tàu. Hàng ngày, trưởng tộc không biết làm gì, chỉ biết săm soi từng thứ, đến mức tất cả đều bọc nilon cẩn thận mà đến cái bao nilon cũng không dính một chút bụi. Thằng con biết có một món đồ gia bảo trị giá nghìn tỉ, nhưng không biết cái nào trong số cổ kim lẫn lộn đó. Một hôm nó rình thấy trưởng tộc ngắm nghía rất kĩ cái bình có vẽ hình đức Khổng Tử. Mặt ông trịnh trọng. Dáng ông trang nghiêm. Thiêng liêng hơn cả khi đứng trước gia tiên. Thảo nào, mỗi lần giỗ tổ là trưởng tộc mang lời cụ Khổng ra huấn thị, nào trung hiếu, nào tiết nghĩa để moi tiền cả họ.

Chờ trưởng tộc đi vắng, thằng con đột nhập vào gian thờ và leo lên ban thờ. Nó lôi ngay chiếc bình có hình đức ông Khổng Tử xuống. Nó ngồi xổm xuống đất ngắm nghía cho kĩ. Đồ cổ thật. Vậy mà lâu nay không biết. Nó bỏ vào túi vải và chuẩn bị chuồn. Vừa bước ra chưa đến cửa đã gặp trưởng tộc bước vào. Trưởng tộc quát:

– Đồ chuột biến thái. Mày bỏ chiếc bình xuống!

Thằng con bị bất ngờ đứng im. Trưởng tộc khóa trái cửa lại và đến góc phòng cầm chiếc gậy:

– Tao bảo mày bỏ chiếc bình xuống, nếu không tao đập vỡ sọ mày!

Bây giờ thì thằng con vừa kịp hoàn hồn. Nó nắm chặt cái túi bên trong có chiếc bình cổ và đưa lên thách bố:

– Bố cứ đánh đi!

Trưởng tộc vung gậy lên và định phang xuống đầu thằng con. Thằng con lại đưa chiếc túi ra đỡ. Trưởng tộc nhìn cái túi, không khéo chưa vỡ đầu nó thì đã vỡ chiếc bình. Thằng con thấy vậy càng thách thức:

– Có dám đánh không? Xem ai chết trước nào?

Trưởng tộc càng tức giận hét lên và vung gậy lên quá đỉnh đầu. Thằng con lại đưa chiếc túi ra dứ dứ vào mặt trưởng tộc. Trưởng tộc lại hạ chiếc gậy xuống. Cứ thế đến năm lần bảy lượt. Trưởng tộc thua, đành dọa:

– Đây là của gia bảo. Mày lấy nó rồi mày chạy đằng trời tao cũng cho cả họ truy nã đến nơi.
Thằng con nói:

– Có dám cho cả họ biết không? Có khi biết rõ sự thật, cả họ lại đập chết bố cũng nên!
Trưởng tộc càng nổi cơn thịnh nộ:

– Mày tưởng cả họ tin mày chắc? Tao gọi cả họ đến làm thịt mày!

Tưởng nói chơi, ông làm thật. Ông cho gia nhân hô hoán lên ầm ĩ.

Thằng con cười phá lên: cả họ đến làm thịt bố thì có! Nói xong nó cầm chiếc bình đập xuống sàn nhà. Chiếc bình kêu một tiếng choảng lạnh ngắt. Trưởng tộc hoảng hốt vứt chiếc gậy vào xó và ngồi xuống thờ thẫn nhìn hình đức ông Khổng Tử mỗi nơi một mảnh. Mái tóc bạc phơ của ông ủ rũ. Ông nhặt lấy từng mảnh vỡ và khóc…

Ông khóc vì ông biết ông đã thua. Thời thế thay đổi rồi. Ông không thể giáo dục nổi thằng con độc đinh huống hồ là giáo huấn cho cả họ. Trong lúc cả họ chưa đến, ông quét sạch và lo phi tang. Hôm sau, ông ra chợ, đến cửa hàng gốm sứ Giang Tây mua cái bình khác. Ông ngâm cái bình ấy vào bùn đen cho ra vẻ cổ và thế vào chỗ cũ để phòng khi giỗ họ sắp tới, cả họ lại truy vấn ông.

Kịch ngắn: GIỖ TỔ CHU TỘC

Buồn bực về thằng con dọa đập nát bình quí, trưởng Chu tộc nhân dịp giỗ tổ định xốc lại tinh thần đoàn kết nhất trí cho cả họ.

Năm nay giỗ tổ họ Chu khá to. Sau khi cúng gia tiên, trưởng tộc tuyên bố:

– Lần này trước liệt tổ liệt tông, chúng ta kiểm điểm nghiêm túc về hiện tượng suy thoái của một bộ phận không nhỏ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chu tộc. Trước hết, đại diện của từng gia đình tuyên thệ trước liệt tổ liệt tông về lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống gương mẫu của Chu tộc.

Tất cả mọi người hưởng ứng nhiệt liệt. Trưởng tộc đọc to lời tuyên thệ:

– Điều 1: Mỗi người trong Chu tộc tự giác làm theo gương liệt tổ liệt tông!

Mọi người vung tay hô to:

– Liệt tông! Liệt tông! Liệt tông!

Trưởng tộc đọc tiếp:

– Điều 2: Mỗi người trong Chu tộc tự giác không ăn cắp!

Mọi người vung tay hô to:

Ăn cắp! Ăn cắp! Ăn cắp!

Trưởng tộc đọc tiếp:

– Điều 3: Mỗi người trong Chu tộc tự giác không lãng phí!

Mọi người hô to:
– Lãng phí! Lãng phí! Lãng phí!

Trưởng tộc đọc tiếp:

– Điều 4: Mỗi người trong Chu tộc tự giác chống suy thoái!

Mọi người hô to:

Suy thoái! Suy thoái! Suy thoái!

Trưởng tộc đọc tiếp:

– Điều 5: Mỗi người trong Chu tộc tự giác thực hiện nghiêm túc gia quy!

Mọi người vung tay hô:

– Gia quy! Gia quy! Gia quy!

Trưởng tộc gật đầu:

– Được lắm. Cứ thế mà làm. Sau này nhà nào vi phạm thì hãy tự giác làm gương bằng cách treo cổ trước cửa mình.

Mọi người lại đồng thanh:

Cửa mình! Cửa mình! Cửa mình!

Tuyên thệ xong, cả họ vái gia tiên lần nữa và nhập tiệc.

* Chuyện của nhà Chu tôi, kể cho mọi người nghe, không được suy diễn tùy tiện

Tin bài liên quan:

VNTB – Tư tưởng nghệ thuật đặc sắc của “Nỗi buồn chiến tranh” (kỳ II)

Phan Thanh Hung

VNTB- Ôn cố tri tân: Di chúc bị phản bội đưa nhà Tần đến diệt vong

Phan Thanh Hung

Ai yêu thi hào Nguyễn Du hơn: Tố hữu hay Phạm Thiên Thư?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo