Ngọc Lan
(VNTB) – Đi tu là để “vinh thân phì gia”
Trong kinh Người áo trắng do Sư ông Nhất Hạnh dịch nói về pháp tu của một người đệ tử tại gia như sau: “Xá Lợi Phất, thầy nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng nếu thực tập được năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ”. Như vậy, đi tu là đi tìm, khám phá một phương pháp hành trì để chuyển hóa tâm linh và con người mình.
Đi tu không phải là để thiên hạ biết đến mình là ai, phẩm hạnh ra sao mà đi tu là nhìn lại những đầu mối gây đau khổ do chính mình đã tạo ra trong quá khứ, hay trong hiện tại. Và, lần lần tháo gỡ, chuyển hóa những mối gút mắc, hay thay đổi cách sống, thái độ. Hơn thế, đi tù không nên hiểu là một… cái nghề danh lợi để cầu mưu sinh.
Tuy vậy đâu đó ở các pháp thoại, đại chúng dường như cảm nhận khá rõ mùi lợi lộc thể hiện ở một số nhà sư.
“Ông thầy ổng nói là bây giờ thượng tọa phải, sư phải đưa truyền thông lên, nhưng mà nói rất là ngại nhưng ông Từ thuyết cho một điều, ông thầy ổng nói là bây giờ thượng tọa phải … đưa truyền thông lên. Mà tôi nói là ngại dữ lằm, mình lên mình thuyết rồi lỡ mình nhớ, quên cái gì rồi người này, người kia nói. Rồi mình cũng ngại, mắc cỡ, ngại.
Nhưng mà khi nghe lời khuyên của thầy Nhật Từ thì bây giờ những bài pháp của con trên mạng giờ nó bao la, bao la. Tiền vô như nước sông Đà. Ờ… những người không quen biết mình họ vẫn gửi tiền cho mình.
Khi con đi qua bên Mỹ, con đi hoằng pháp thì con đâu có quen ai đâu, nhưng chỉ quen chừng vài ba người thôi, thực tế quen trên mạng, quen trên mặt đất đó, nhưng mà nhờ quen trên mạng vậy khi đi qua đó mình đi hết, một lần đi mười mấy tiểu bang vẫn có người quen như thường. Đó là quen trên truyền thông, quen trên mạng.
Cho con cảm ơn thầy Nhật Từ có cái lời khuyên như vậy, con có nghe một câu mà không biết của thầy Nhật Từ nói hay là ai nói con không hiểu, người ta nói người ta sợ lắm… trời ơi, tôi sợ người ta nói này nói kia. Thì người ta nói để người ta sợ mình chứ mắc mớ gì mình sợ người ta. Để cho người ta sợ mình chứ, tại sao mình sợ người ta?… Đó, xin cảm ơn thầy Nhật Từ”.
(Trích phát biểu của hòa thượng Thích Bửu Chánh – https://youtu.be/8i8BeDdUYQ4)
Hòa thượng Thích Bửu Chánh hiện giữ chức vụ Ủy viên thư ký Hội đồng trị sự, Phó ban hoằng pháp Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Viện chủ Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa), trụ trì chùa Quang Minh (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Nếu đánh giá phát biểu trên từ lăng kính về vai trò của truyền thông trong Phật Giáo, thì xem ra truyền thông chỉ nhắm đến lăng-xê, tạo KOL hay còn gọi là “người có sức ảnh hưởng”, là một cá nhân hay tổ chức có kiến thức sản phẩm chuyên môn và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành nghề của họ.
Trong khi đó thì Ban Thông tin – Truyền thông của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập cách nay hơn chục năm, sau Đại hội VII của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Lễ ra mắt tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào ngày 15-10-2013, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự làm Trưởng ban. Từ đó đến nay, mỗi tỉnh thành cũng hình thành các Ban Thông tin – Truyền thông trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo của địa phương mình, góp phần truyền tải nhiều thông tin Phật sự đến cộng đồng.
Đơn cử, người ta thấy một Công ty cổ phần Truyền thông Phật Giáo Việt Nam (VBM) được thành lập từ năm 2019, chuyên phát triển các kênh và dịch vụ tiếp thị số (Digital marketing) tới các doanh nghiệp liên quan tới Phật Giáo, hoặc kinh doanh dựa trên triết lý Phật Giáo. VBM cũng hiện đang là đơn vị vận hành và phát triển độc quyền Cổng thông tin Phật Giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
VBM có dịch vụ đúng như ý kiến kể ở trên của Hòa thượng Thích Bửu Chánh, đó là “Dịch vụ booking bài PR, bài báo trên các cơ quan truyền thông”. Theo tự giới thiệu thì bên cạnh dịch vụ SEO, dịch vụ thiết kế website và digital marketing, VBM còn hỗ trợ khách hàng đặt bài PR, quảng cáo trên các trang báo điện tử chính thống của các cơ quan truyền thông với chi phí hợp lý.
Như vậy thì quả đúng như kết luận của Hòa thượng Thích Bửu Chánh, nếu biết vận đụng truyền thông thì các nhà sư mỗi khi thuyết giảng sẽ có khoản đáng kể về “tiền vô như nước sông Đà”. Và nhìn ở giác độ này thì đi tu nếu được sự hậu thuẫn của truyền thông, thì đây có thể là “nghề mưu sinh” hữu ích cho chuyện “cơm gạo áo tiền”. Khi ấy, tôn giáo là thứ hàng hóa có thể bán – mua trên thị trường (!?).