Việt Nam Thời Báo

VNTB- TS. Nguyễn Đình Thắng: “Cứu Đông Yên” là cứu cả cộng đồng

Hàn Giang
  
(VNTB) – Một chiến dịch mang tên “cứu Đông Yên”, một giáo xứ trực thuộc Giáo phận Vinh nằm ở Vũng Áng (Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) do Ủy Ban Cứu Trợ Thuyền Nhân (BPSOS), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại Hoa Kỳ do tiến sĩ (TS) Nguyễn Đình Thắng là người đứng đầu và cũng là người phát động chiến dịch vào nữa cuối tháng 12/2016, với quyết tâm bảo vệ sự trường tồn của một xứ đạo tồn tại hơn 100 năm, đồng thời bảo vệ sinh kế cho hàng trăm hộ dân tại Đông Yên sau thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra vào đầu tháng 4/2016. 

Theo TS. Nguyễn Đình Thắng, chiến dịch “cứu Đông Yên” còn để lên án, tố cáo những quan chức tham nhũng, những kẻ vi phạm nhân quyền ở Kỳ Anh ra quốc tế để quốc tế dùng các điều luật chế tài, trừng phạt.

Việt Nam Thời Báo (VNTB) có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Thắng để thông tin cho dư luận hiểu thêm về chiến dịch “cứu Đông Yên”…
  
PV.VNTB: Thưa ông! Ông có thể chia sẻ sơ qua một vài thông tin về chiến dịch “cứu Đông Yên” và cụ thể nó ra đời trong hoàn cảnh nào?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Chiến dịch “cứu Đông Yên” này vào tháng 12/2016 vừa qua, tôi đưa nó ra theo đúng mô hình chiến dịch “cứu Cồn Dầu” trước đây vào năm 2010, Cồn Dầu là xứ đạo ở Đà Nẵng. Mục đích chính của chiến dịch “cứu Đông Yên” là bảo vệ sự trường tồn của xứ đạo này. Mà muốn bảo vệ thì trước hết phải đẩy lùi chính sách cưỡng chế đất, trục xuất 170 hộ gia đình còn lại và thực sự hiện tại đã lên 200 hộ gia đình rồi vì một số hộ gia đình di đời đi trước đây thì nay họ quay trở về. 200 hộ gia đình này mình phải bảo vệ họ để họ không bị trục xuất. Tiếp nữa là phải giúp số hộ gia đình này sống được có sinh kế, sau khi bị nhiễm độc Formosa ngư nghiệp chết rồi, dân đói mà dân đói thì bỏ đi, mà dân bỏ đi thì coi như bỏ ngỏ xứ đạo của mình để bị chiếm mất thì mọi chuyện cũng đâu vào đó, cho nên phải lo đường sinh kế. Cuối cùng là, để khôi phục lại xứ đạo này để nó được lâu dài và trường tồn thì phải đòi hỏi sự bồi thường thỏa đáng, để người dân khôi phục lại ngành ngư nghiệp vì vùng Đông Yên này chỉ sống chủ yếu là ngư nghiệp, hầu hết sống nghề biển, khôi phục môi sinh biển vì nếu không có cá, không có tôm, sò, san hô chết cả, nước biển bị nhiễm độc không làm muối được thì làm sao khôi phục được sinh kế. Cho nên chúng ta phải tranh đấu đòi hỏi Formosa bồi thường thỏa đáng cho người dân. Đây là ba mũi nhọn mình tập trung vào trong chiến dịch “cứu Đông Yên” này.
Lực lượng công an cưỡng chiếm giáo xứ Đông Yên hồi Tháng 32015. (Ảnh Tin Mừng Cho Người Nghèo)
  
PV.VNTB: Tuy nhiên chiến dịch “cứu Đông Yên” có thể nôm na hiểu là nó liên quan đến vấn đề tôn giáo nhiều hơn (trước đây nhà thờ Đông Yên bị cưỡng chế), theo ông thì BPSOS đã dựa vào những văn bản pháp lý quốc tế hay điều kiện quốc tế nào đem lại thuận lợi cho việc tiến hành chiến dịch này?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Đông Yên có một đặc điểm nổi bật hơn các vùng khác mà cũng bị ảnh hưởng Formosa là vì tự nó hội tụ của rất nhiều lĩnh vực nhân quyền đang bị vi phạm. Thứ nhất và quan trọng nhất là quyền Tự do tôn giáo, đây là xứ đạo hình thành trên 100 năm. Thứ hai là quyền Văn hóa bởi đây là xứ đạo hình thành và có những sinh hoạt riêng có trên 100 năm thì ít nhiều nó cũng sản sinh ra những nề nếp sống văn hóa từ vấn đề lễ hội, rước kiệu, mỗi ngày đọc kinh ra làm sao… Đây là nét văn hóa của người dân xứ đạo này và quyền Văn hóa được sự bảo vệ của Liên hiệp quốc đó là một lĩnh vực của nhân quyền. Rồi quyền của trẻ em, có 153 em học sinh bị đuổi học, dạy ở tại nhà thì bị cấm, trường học của giáo xứ bị đập phá để các em không được đi học nữa, đây là quyền của trẻ em bị vi phạm. Quyền của phụ nữ cũng bị vi phạm, phụ nữ bị đánh đập nặng nề. Rồi quyền được bảo vệ an toàn trước những hóa chất độc hại, quyền sinh kế… Rất nhiều lĩnh vực nhân quyền bị vi phạm cho nên qua đây có thể huy động nhiều nhóm khác nhau trong cộng đồng bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, huy động được nhiều cơ quan khác nhau ở Liên hiệp quốc. Thành ra nó rất đặc thù là ở chỗ đó, nó rất là thuận lợi.

Chưa kể là luật Hoa Kỳ về bảo vệ tự do Tôn giáo rất là mạnh, có nhiều biện pháp chế tài cộng vào đó là các biện pháp chế tài của Luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky trừng phạt những thủ phạm đàn áp nhân quyền vừa mới thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ trong đó cũng bao gồm rất nhiều gần như cả ba lĩnh vực đó đều áp dụng được tại Đông Yên. Thứ nhất là đàn áp nhân quyền nghiêm trọng, bởi đàn áp nhiều quyền khác nhau. Thứ hai, những thành phần cướp đoạt tài sản của dân dù không phải là thủ phạm đàn áp nhân quyền cũng có thể là đối tượng áp dụng biện pháp trừng phạt, điều này cũng đang xảy ra tại Đông Yên. Thứ ba, những thành phần tham nhũng hoặc là trấn áp những người tố cáo tham nhũng cũng là đối tượng của trừng phạt. Cho nên Đông Yên rất có thể là nơi hiếm hoi đáp ứng được điều kiện áp dụng luật chế tài ở Hoa Kỳ, đây cũng là lý do BPSOS chọn Đông Yên để thực hiện chiến dịch mà không chọn nơi khác.
Chiến Dịch Cứu Đông Yên tại buổi hội thảo do BPSOS tổ chức ở Quốc Hội Hoa Kỳ (ảnh: Facebook Cứu Đông Yên)
PV.VNTB: Đã có những thông tin mà VNTB hiện tại nhận được là tình hình xã hội ở Kỳ Anh nơi có giáo xứ Đông Yên đã có những thay đổi nhất định như số trẻ em trước đây không được đến trường nay hầu hết đã đến trường, vết thương cưỡng chế ngày trước cũng đã dần lành trong lòng người dân… vậy những thay đổi này có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện các bước trong chiến dịch “cứu Đông Yên” mà BPSOS vạch ra từ trước hay không?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Không đâu. Trước hết sự vi phạm đã xảy ra thì vẫn phải bị cảnh cáo, đã vi phạm rồi thì phải báo cáo Liên hiệp quốc, trong báo cáo anh có tự thú chuyện đó hay không? Có biện pháp nào để bồi thường thiệt hại hay không? Có biện pháp nào để ngăn ngừa không tái vi phạm ở những nơi khác hay không? Đâu có phải tôi làm bậy rồi giờ tôi không làm bậy nữa là mọi chuyện sẽ qua đi, cũng như chúng ta đi gây tác hại cho ai đó ví dụ như người hàng xóm chẳng hạn, mình làm sụp cánh cổng nhà người ta rồi nói thôi tôi hết làm rồi, tôi không làm gì nữa nhưng cánh cổng đã đổ rồi không lẽ mình phủi tay thì chuyện này không được, trước quốc tế không thể ăn nói như vậy được. Tiếp nữa là, thực sự ra ở trong nước sự ảnh hưởng của giới đấu tranh trong nước còn yếu lắm, chính họ còn chưa bảo vệ được chính họ nhưng nếu họ lên tiếng cho chiến dịch, có sự quan tâm đến chiến dịch là tốt nhưng nếu họ không làm như vậy cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Quan trọng là qua những cộng đồng, những tổ chức xã hội dân sự chúng tôi đã hỗ trợ cho sự phát triển, sự nối kết với quốc tế họ đã quan tâm, họ đã hỗ trợ cho Đông Yên. Họ đã dùng nối kết với quốc tế để lôi kéo sự bảo vệ hơn nữa cho Đông Yên, họ cũng đã hướng dẫn và góp phần hỗ trợ cho Đông Yên về nhiều mặt khác nhau kể cả mặt kỹ thuật, tài chính dù nhỏ nhoi thôi nhưng nó mang ý nghĩa yểm trợ tinh thần rất lớn cho người dân Đông Yên. Đông Yên bây giờ đã không cảm thấy bị cô lập hay lãng quên.
  
PV.VNTB: Quá trình thực hiện chiến dịch hiện ông và những cộng sự trong BPSOS có nhận được những thuận lợi nào?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Khá nhiều thuận lợi về cả hai mặt. Thứ nhất, chính người dân ở Đông Yên họ quyết tâm, họ tự tin hơn, trước đây có những việc họ còn lưỡng lự nên làm hay không nên làm giờ thì họ tự tin, họ biết con đường nào là con đường đi đúng và họ bắt đầu thấy những sự thay đổi rất lớn. Thứ hai, quốc tế rất quan tâm bởi vì mình có một chiến dịch dài lâu, có những mục tiêu đi rất cụ thể 3 tháng, 6 tháng, 1 năm giúp cho quốc tế thấy rằng; À, nếu mà chúng tôi muốn tiếp tay thì chúng tôi biết khả năng của chúng tôi, chúng tôi biết chuyên ngành của chúng tôi nên chúng tôi sẽ tiếp tay ở phần nào.

Mới đây vào ngày 1/2/2017, đã có một cuộc Hội thảo về sách lược chung, khung sườn về sách lược chung để các tổ chức quốc tế, các cơ quan của chính quyền Hoa Kỳ cùng chia sẻ với nhau và vấn đề Đông Yên đã được đưa ra như một ví dụ là ngay sau đó đã có rất nhiều nhóm đến hỏi chúng tôi muốn tiếp tay và chúng tôi phải làm gì đây. Mình biết ngay rằng trong chiến dịch dài hạn này, có nhiều bộ mặt như thế này thì mỗi nhóm đến hợp tác hay hỗ trợ họ đóng góp được vai trò, đóng góp được sở trường ở lĩnh vực này. Nếu như chúng ta không có một kế hoạch trong chiến dịch này thì dù người ta muốn giúp mình cũng chẳng biết giúp ở chỗ nào cho nó hợp tình hợp lý, có hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng trình bày chiến dịch cứu Đông Yên tại Quốc Hội Hoa Kỳ (ảnh: Facebook Cứu Đông Yên)

PV.VNTB: Người quan tâm trong nước ban đầu phải làm những công việc gì góp tay cho chiến dịch “cứu Đông Yên” thưa ông?
TS.Nguyễn Đình Thắng: Chuyển tin. Cái quan trọng nhất là chuyển tin rộng rãi để phía chính quyền Việt Nam không thể nói là tôi không biết, để người dân trong nước theo dõi bởi biết đâu có những nhóm dân oan vì đây cũng là tình trạng dân oan, dân oan tập thể cả xứ đạo. Chẳng hạn như những chỗ khác thấy được rằng: À, mình cũng là dân oan. Tại sao ở xứ đạo Cồn Dầu làm có hiệu quả hơn mình hoặc bên Đông Yên làm bắt đầu có hiệu quả hay là mình học theo xem? Liên lạc với nhau xem.

Thực sự ở Đông Yên cách đây mấy năm đã cử người vào Cồn Dầu để nghiên cứu, vì vậy mà họ mới tiếp tục đấu tranh, họ học bài học ở Cồn Dầu trước đây, hai bên có liên lạc với nhau và có âm thầm hỗ trợ nhau chứ không phải mới giờ này. Những nơi khác nên học và tại sao họ biết được sự kiện Đông Yên chính là nhờ ở truyền thông, giải thích kỹ lưỡng như là qua buổi trao đổi này đã giải thích được từng bước để mọi người trong nước biết là Đông Yên này nó liên quan đến mình chứ không phải cái gì là xa vời nên phải học theo, nên học theo cái hay và cả cái chưa hay để mình tự hoàn thiện hơn, tự bảo vệ lợi ích bản thân và chính cộng đồng của mình.
VNTB cám ơn những chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Thắng.
——————-

Chiến dịch “cứu Đông Yên” trải qua các giai đoạn như: Vận động quốc tế nhập cuộc, tái lập sinh kế cho các gia đình trong Giáo xứ Đông Yên và Đưa những thủ phạm trực tiếp của chính sách đàn áp và những thượng cấp bao che cho họ vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ… Theo TS. Nguyễn Đình Thắng, chiến dịch “cứu Đông Yên” mặc dù mới triển khai nhưng đã tạo được ảnh hưởng khá nhiều trên trường quốc tế.

VNTB sẽ tiếp tục thông tin về chiến dịch “cứu Đông Yên”.

Tin bài liên quan:

VNTB- Lo sợ tính mạng con bị nguy hiểm trong trại giam, mẹ ra Hà Nội cầu cứu dư luận

Phan Thanh Hung

VNTB- Giới blogger Việt Nam nói gì về phiên tòa phúc thẩm xử Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy?

Phan Thanh Hung

VNTB- Oan khốc tại Bình Dương: Tai họa ập xuống từ một lời nói (kỳ 1)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo