VNTB – Đi tù Ba Sao xong là qua chùa Tam Chúc để sám hối: nhân văn cộng sản đến thế là cùng

VNTB – Đi tù Ba Sao xong là qua chùa Tam Chúc để sám hối: nhân văn cộng sản đến thế là cùng

Phạm Lê Đoan

(VNTB) –  Dời đi một cái trại tù

            Thay vào một cái trại tu giả vờ

 

Chùa Tam Chúc vốn là trại tù “học tập cải tạo” (!?)

Dường như ẩn sâu trong tiềm thức, các nhà lãnh đạo cộng sản tối cao lúc này cũng muốn có một nơi để an ủi những anh linh đã thác oan uổng trong nhà tù Ba Sao, nơi mà rất nhiều tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa đã “học tập cải tạo” sau tháng tư, 1975 tàn cuộc binh đao trong thân phận “bên thua cuộc”.

Vậy là đại gia Nguyễn Văn Trường (Xuân Trường) là người được chọn.

Xuân Trường vốn nổi tiếng với các dự án du lịch tâm linh siêu khủng như Khu du lịch Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, cố đô Hoa Lư – chùa Bái Đính… Xuân Trường tuyên bố ăn chay trường và đã quyết tâm biến đầm lầy thành di sản thế giới, đặc biệt, ông đang nỗ lực để nơi từng là một phần của trại giam thành ngôi chùa Tam Chúc lớn nhất thế giới với 11 ngàn tỷ.

Khu này thuộc thị trấn Ba Sao và 3 thôn Vồng, Khuyến Công, Khả Phong (xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Nơi này vốn là trại giam với hàng ngàn “học viên cải tạo”, tức những “tù binh Việt Nam Cộng Hòa”.

Về dự án này, dưới thời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để Hà Nam phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Tam Chúc (Hà Nam) – Chùa Hương (Hà Nội) – Vân Long (Ninh Bình) – Đồng Tâm (Hòa Bình) trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Trở lại câu chuyện của 48 năm về trước…

Sau ngày 30 tháng Tư 1975, tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước báo chí một câu mà những người bị cải tạo không thể nào quên “Đối với người Việt Nam không có ai là kẻ chiến thắng hay chiến bại. Chỉ có đế quốc Mỹ là bị đánh bại mà thôi”.

Vì lời tuyên bố đường mật này mà các quân nhân, công chức và thành viên đảng phái quốc gia đã tự nguyện đi học tập cải tạo với số lương thực tự túc là 10 ngày hay 1 tháng tùy theo cấp bậc, chức vụ.

Thế rồi một tháng trôi qua, không ai được tha. Khi giải thích sự việc này, một cai tù nói rằng: “Đó là nghệ thuật của cách mạng bắt các anh vào tù chứ làm gì có chuyện trả tự do sau 1 tháng giam giữ cho các con người có nợ máu với nhân dân như các anh. Các anh còn phải cải tạo dài dài”.

Biết mình bị lừa nhiều người đã tự tử. Một số người khác tìm cách trốn trại để rồi cũng bị bắt lại.

Vợ con của những người bị bắt đi cải tạo cũng trở thành nạn nhân của các biện pháp kỳ thị và ngược đãi. Họ bị đuổi khỏi nơi cư trú và phải đi vùng kinh tế mới giữa những rừng núi hoang vu không có một chút tiện nghi tối thiểu cần thiết cho đời sống.

Con cái họ bị kỳ thị gắt gao khi thi cử và không được phép vào đại học. Nhà cửa của họ bị cán bộ chia nhau chiếm đoạt, tiền bạc của họ ở ngân hàng cũng không được phép lấy ra.

Trong cơn túng quẫn những người khác rủ nhau chạy ùa ra biển, đem sinh mạng của chính mình và của con cái mình để đổi lấy tự do. Phong trào “thuyền nhân tỵ nạn cộng sản” đã đánh động lương tâm nhân loại vì trong số hàng triệu người liều chết ra đi,  gần một phần nửa đã nằm trong bụng cá hoặc làm mồi cho hải tặc…

Tượng đài nào cho vinh danh những người vợ, người mẹ của ‘tù cải tạo’

Trong hồi ký của mình, tác giả Phạm Gia Đại kể về lát cắt của thời “mở cửa” ở nhà tù Ba Sao:

“…Từ khi các trại mở cửa cho thăm nuôi, thấm thoát mà gia đình đi thăm từ Nam ra Bắc đã được bốn năm rồi, nhưng chỉ khi tù nhân ở các trại khác ngoài Bắc đồng loạt được chuyển về hội tụ tại trại Ba Sao Nam Hà thì việc thăm nom đó mới nở rộ. Các chị đã liên kết lại thành những hội và nhóm nhỏ không tên tuổi của các bà vợ còn thủy chung để tương trợ lẫn nhau trong các chuyến hành trình gian nan ra Bắc thăm chồng.

Mỗi chuyến đi các bà vợ thảy đều có kinh nghiệm cho nên thường đi chung với nhau ít nhất là hai hay ba chị để thay phiên canh cho nhau ngủ và canh chừng luôn cả một rừng các kiện hàng và túi xách của mình trên xe lửa nên cũng bớt phần vất vả và nguy hiểm vì các thành phần bất hảo đủ loại có đầy rẫy trên tàu.

Một điều khôi hài đen là ngay cả các tay cán bộ phụ trách khu thăm nuôi và tay quản giáo đội cũng vui lây mỗi khi thấy các chị từ trong Nam ra thăm vì ít nhất họ cũng được biếu xén một gói thuốc lá ba số năm hay Pall Mall hay Salem; cho nên mỗi khi nghe các chị đến thì khu thăm nuôi trở thành vui nhộn và náo nhiệt như một cái chợ.

Tuy vậy vì đường xá rất là xa xôi diệu vợi từ Nam ra Bắc nên không phải gia đình nào cũng đi thăm được và cũng không thể thăm nuôi thường xuyên vì khả năng tài chánh hữu hạn dù rằng các bà vợ đều có một tấm lòng vàng quý giá hầu như muốn mua hết cả Sài Gòn mà đem ra cho chồng. Bởi thế những gia đình không đi được thì lại nhờ các chị mang dùm ra cho chồng mình hay gửi quà tiếp tế qua đường bưu điện…”.

Lịch sử không thể lãng quên

Những anh linh quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã nằm lại ở trại tù Ba Sao, theo con số được đăng tải trên báo chí của người Việt tại hải ngoại, thì từ năm 1975 đến 1988 có 626 người.

Lịch sử không thể chỉ là những trang sách về câu chuyện rồng tiên đầy xa lạ, hay dừng lại ở vài bức tranh về những anh hùng chống ngoại xâm được phóng đại bởi dân tộc chủ nghĩa, hoặc ở những cái tên như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, và Lê Duẩn, hay Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.

Lịch sử trung thực phải là bức tranh về con người thật, xã hội thật, cũng những vui buồn đắng cay mà một cuộc đời, một dân tộc phải trải qua. Nó phải là bức tranh có những câu chuyện của những người phụ nữ một thân lo gia đình khi chồng bị tù đày.

Và trại tù cải tạo Ba Sao cho đến chùa Tam Chúc chính là lát cắt trong bức tranh đa dạng ấy về lịch sử chiến tranh Việt Nam.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)