Trần Bá
(VNTB) – những gì mà Bộ Y triển khai cái gọi là “quyết tâm thay máu” có tính thuyết phục đến đâu?
Bàn dân thiên hạ đang xôn xao và tỏ vẻ hoài nghi về việc Bộ y tế Việt Nam tuyên bố sẽ quyết tâm chấn chỉnh phong cách phục vụ của ngành.
Câu chuyện được trích dẫn làm ví dụ của bà Bộ trưởng Trần Thị Kim Tiến nói về một Bí thư tỉnh ủy vào bệnh viện bị nhân viên quát nạt để đưa ra lý do phải chấn chỉnh nghe khá hấp dẫn. Tuy nhiên, những gì mà Bộ Y triển khai cái gọi là “quyết tâm thay máu” có tính thuyết phục đến đâu?
“Thay máu” nhận thức bằng… trang phục (!)
Quyết tâm đầu tiên nhằm thay đổi nhận thức của y, bác sĩ từ “ban ơn sang phục vụ” được đưa vào vị trí nội dung đầu tiên để triển khai là… thay đổi trang phục (!) Lý giải cho việc thay đổi trang phục mà bà Tiến đưa ra lại chơ vơ kiểu “chân không tới đất, cật chẳng tới trời”, rằng “ để tránh nhầm lẫn giữa một nhân viên với bác sĩ , vì dân bị quát nạt thì tưởng ai cũng là bác sĩ”.. (!)
Nói “chân không tới đất” ở đây là vì lý giải của bà Tiến cho thấy bà hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa của việc trang bị trang phục đặc thù trong một tổ chức.
Trong một tổ chức doanh nghiệp, việc trang bị đồng phục nhằm phục vụ mục đích quảng bá hình ảnh, tạo ra nét riêng biệt đặc trưng trong nội dung xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thường trang phục đồng phục kiểu này luôn gắn với màu sắc, logo, thương hiệu của đơn vị. Trong một tổ chức cơ quan hành chính, việc phân biệt các kiểu trang phục nhằm thể hiện văn hóa phong cách làm việc và nhận biết vai trò, vị trí của người mặc trang phục. Ví dụ: Công nhân, nhân việc lao động trực tiếp mặc đồng phục chung một thiết kế, màu sắc giống nhau. Nhân viên văn phòng, cán bộ, lãnh đạo mặc vest hoặc trang phục đặc thù.v.v.
Nghĩa là việc trang bị trang phục chỉ nhằm phân biệt, tránh nhầm lẫn từ bên ngoài nhìn vào chứ không phải là nhằm thay đổi nhận thức, tư tưởng, đạo đức ở bên trong. Là thứ mà Bộ Y cần phải có.
Một đạo đức phục vụ mang một định hướng tư tưởng, tinh thần phục vụ phải được thay đổi bằng trình độ nghiệp vụ, đạo đức chuẩn mực… bắt buộc tuân thủ thông qua việc kiểm soát, giáo dục và định hướng của lãnh đạo tổ chức. Nó có thể được phản ánh phẩn nào qua trang phục đặc thù như một thông điệp mang ý nghĩa riêng chứ không phải chỉ để “tránh nhầm lẫn khi một nhân viên điều dưỡng quát nạt thì đều nói là bác sĩ” như lời bà Bộ trưởng lý giải. Nếu nói thay đổi trang phục như vậy để dễ quy trách nhiệm thì khả dĩ còn tạm chấp nhận, chứ để thay đổi “văn hóa phục vụ” thì đúng là “cật chẳng tới trời”. Không khác gì nói rằng: Vẽ voi lên mặt chuột! Sau đó thì người ta sẽ dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm theo kiểu: Nó làm chứ không phải tôi làm, kiếm nó mà kiện(!)
Một kiểu quan liêu bàn giấy muôn thuở của không chỉ Bộ Y và cả bộ máy lãnh đạo ở tất cả mọi tổ chức nhà nước Việt Nam bao năm qua.
Tới thay đổi nhận thức bằng… cam kết và khẩu hiệu (!)
Nội dung tiếp theo đứng thứ hai được cho là trọng tâm sẽ thực hiện với tinh thần “quyết liệt” là… “Toàn ngành ký cam kết và thực hiện khẩu hiệu “đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo” thì còn hài hước hơn nữa.
Ở Việt Nam trong thời chế độ Chủ nghĩa cộng sản khai sinh tới nay, văn hóa khẩu hiệu vốn đã thành truyền thống thì tất nhiên mọi khẩu hiệu luôn hào nhoáng và rực rỡ như đèn màu nhiều công suất. Trong cái hào nhoáng, rực rỡ ấy là cái gì và sau nó kết quả ra sao thì thực tế xã hội Việt Nam quá đủ để không cần phải dẫn chứng ở đây. Điều đáng chú ý là trong câu khẩu hiệu mà Bộ Y tế đưa ra vốn không chỉ “xưa như trái đất” mà còn vô nghĩa khi nó toàn là những điều lẽ ra tự nhiên nó vốn phải như thế. Nghĩa là không hề có chút gì đột phá, mới mẻ cả.
Chẳng phải không riêng Bộ Y tế mà tất cả những cơ quan, ban ngành từ thấp tới cao ở Việt Nam đều rầm rộ tổ chức “Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nâng cao tinh thần cách mạng chủ nghĩa Mác-Lê nin…” bao nhiêu năm qua đó sao? Câu trả lời cho những lời hứa hay hơn hát của các Đảng viên sau mỗi kỳ triển khai, phát biểu của mỗi đảng viên có câu nào không “tha thiết; quyết tâm…” không?
Muốn giải quyết một vấn đề phải hiểu rõ nguyên nhân tạo ra vấn đề. Hãy tự đặt câu hỏi: Tại sao có thái độ phục vụ kém? Tại sao y đức trong ngành y Việt Nam trở nên tồi tệ như hiện nay?
Nói riêng về y đức: Tình trạng đạo đúc nghề nghiệp xuống cấp trầm trọng trong giới y khoa vốn đã có sẵn ngay từ trong những sinh viên chập chững vào nghề với hành trang là mơ ước làm giàu bằng cái nghề hái ra tiền từ sinh mạng người dân. Hệ thống giáo dục vốn có thể mua tất cả bằng tiền bạc cho phép những sinh viên ấy dễ dàng có những tấm bằng không cần đến tri thức. Kết quả cuối cùng là những Bác sỉ, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Y tá, Điều dưỡng… với hành trang vào nghề là những kiến thức nông cạn, chắp vá hoặc thậm chí không có chút nào khả dĩ đảm bảo một giá trị kiến thức tối thiểu trong nghề nghiệp. Lại thiếu vốn sống trong đời thường với đầy rẫy những bon chen, ích kỷ thí chuyện ứng xử thiếu văn hóa không có gì lạ.
Song song với sự thiếu hụt kiến thức chuyên môn, sự thiếu hụt một nền tảng đạo đức thật sự một phần bởi nguyên nhân bản thân họ bị nhồi nhét đến chật cứng những tư tưởng kiểu như “chủ nghĩa Mác-Lê, Đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh.. mang màu sắc sặc sỡ nhưng không có một hình hài hay giá trị lợi ích nào để nhìn thấy đã khiến các sinh viên quên mất hẳn giá trị nhân văn tối thiểu phải có, điều phải biết là tôn trọng con người, quan tâm tới cộng đồng chứ không phải chỉ biết vụ lợi cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân, ham mê vật chất tầm thường mà bản thân sinh viên phải trải qua, chứng kiến từ ngoài đời tới trường lớp là cái nguyên nhân cuối cùng tận diệt đi nốt cái “tính người” để khi ra trường họ chỉ còn là những những kẻ lợi dụng tấm bằng hòng mưu lợi càng nhanh càng tốt.
Cái giá phải trả để mua bằng, mua điểm chuyển thành bài toán phải thu hồi thật nhanh qua các thủ đoạn và hành vi ứng xử với người bệnh mà những câu quát tháo, những hành vi cẩu thả trong khám, chữa bệnh. Tất cả những hệ quả ấy vì mục đích gì nếu không phải để moi tiền, để buộc bệnh nhận phải tìm đến các hiệu thuốc, phòng khám tư mà họ chắc chắn tối thiểu là có chút ít hoa hồng hoặc quyền lợi nào đó?
Một cái lắc tay “nhẹ nhàng” với bệnh nhân bị thương, đang trong cơn đau quằn quại vì chưa có tiền lót tay hay một câu “chia sẻ chân thành” kiểu “thuốc chỗ này tốt, chỗ kia không đảm bảo..” v.v. từ y tá, điều dưỡng hay y – bác sĩ với thân nhân người bệnh luôn “hiệu quả” không thua kém một câu vòi vĩnh hay đe nẹt thô tục đến trắng trợn. Bộ Y có thể dùng trang phục, khẩu hiệu hay cam kết để bảo đảm giải quyết được vấn nạn này?
Mỗi một mục tiêu mốn đạt được phải được xây dựng trên nền tảng những cơ sở hiện thực, rõ ràng.
Trên vai trò quản lý, việc đầu tiên Bộ Y tế cần phải làm là triệt bỏ được lối quản lý hình thức. Cụ thể hơn là phải làm sao giải quyết triệt để vấn nạn mua bằng, mua điểm để có những bác sĩ, y sĩ có trình độ chuyên môn đảm bảo không có những sự cố tiêm nhầm vắc-xin, nhân bản xét nghiệm, hành nghề không đúng chức năng chuyên môn.
Đẩy mạnh việc sử dụng chế tài và chính sách quản lý sao cho các hành vi nhũng nhiễu không có cơ hội xuất hiện. Xây dựng một cơ chế chính sách minh bạch cho phép đảm bảo quyền lợi hợp lý cho y bác sĩ mà không có bóng dáng tham nhũng, lợi dụng trong những người mang danh làm nghề cứu người nhưng thực chất chỉ là mưu lợi.
Đạo đức con người không tốt lên được nhờ lý thuyết hay hình thức mà chỉ có thể tốt lên từ nhận thức và môi trường trong đó ý nghĩa đạo đức, tính nhân văn được vun đắp thế nào.
Thực tế sẽ trả lời “quyết tâm” mà Bộ Y đang gióng trống khua chiêng đi đến đâu.