VNTB – Từ chuyện ông phó Hội ‘ngu ngơ’ đến ông giảng viên… ‘lụi’

VNTB – Từ chuyện ông phó Hội ‘ngu ngơ’ đến ông giảng viên… ‘lụi’

Hiền Vương

(VNTB) – Ca 21 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam là một người có học hàm giáo sư, tiến sĩ. Ông từng đứng đầu Viện Hàn lâm. Ông đang là một trong số những quân sư về kinh tế của thủ tướng Phúc. Ông cũng là phó Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng.

Ông khai hồi bay từ Ấn Độ sang Anh, thì vị hành khách ngoại quốc gần chỗ ông ngồi đã ho nhiều nên ông ít nhiều nghi ngại. Thế nhưng chẳng rõ vì sao ông không yêu cầu tiếp viên đổi sang chỗ ngồi khác, vì giờ đang là mùa dịch cúm Vũ Hán lây lan toàn cầu.

Về tới Việt Nam, sau hai ngày họp hành, đến ngày thứ ba ông đã có buổi tiệc tùng kéo dài nhiều tiếng đồng hồ với vài cơ quan Đảng cấp trung ương; bao gồm cả Ban Tuyên giáo. Đến chiều tối, ông còn cùng mấy quan chức rủ nhau ra sân đánh golf cho giãn gân cốt. Khi phải nhập viện, ông khai rằng ở ngày bận rộn tiệc tùng và golf đó, thì buổi sáng ông đã ho với thấy trong người uể oải rồi…

Ông có kịp lây con vi-rút cúm Tàu này cho ai hay không thì chưa thấy báo chí đăng tải, chỉ biết thiên hạ có lẽ vì ‘kính lão đắc thọ’, nên ‘ném đá’ cô gái sinh năm 1993 là ca thứ 17, ngồi cùng khoang thương gia với ông ca 21 trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ London về Hà Nội.

Nếu như ở Hà Nội đã có một ông phó hội đồng ngu ngơ đến vậy trước đại dịch đang lây lan toàn cầu, thì ở Sài Gòn cũng có một ông phó khác lại ngu ngơ khi nhận một người vào vai trò ‘lão sư’ cho Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM.

Số là có một chức sắc tôn giáo đang là Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, đã bổ nhiệm “Đại đức Thích Phước Nguyên” làm giảng viên, giáo thọ sư giảng dạy cho Tăng Ni sinh cấp cử nhân Phật học thuộc Học viện, cả hệ chính quy và đào tạo từ xa.

“Đại đức Thích Phước Nguyên” này được giới thiệu là tác giả dịch và chú bộ “A-tì-đạt-ma pháp uẩn túc luận”, in lần đầu năm 2016, nhà xuất bản Hồng Đức in lần 1, 2018, phát hành với giá 250.000 đồng, thuộc chủ trương của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, như bìa sách đã thể hiện, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam sau khi kiểm tra các trung tâm trực thuộc xác nhận không có điều đó.

Đầu tháng 3-2020, một Phật tử ký bút danh Nguyên Linh có bài viết chi tiết trên tài khoản cá nhân facebook, cho biết ông quen biết với người đang xưng là “Đại đức Thích Phước Nguyên”, và đưa ra hàng loạt chứng cứ về hành vi vừa trái giáo lý nhà Phật, vừa vi phạm pháp luật của Việt Nam về tác quyền khi “Đại đức Thích Phước Nguyên” đã lấy các tài liệu dịch và chú của Hòa thượng Tuệ Sỹ, sau đó xuất bản với ghi tác giả là “Phước Nguyên”.

Ngày 7-3-2020, báo Giác Ngộ đã có bài viết “Học viện PGVN tại TP.HCM nhận định về Phước Nguyên” – https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/07/16D2DA/. Theo đó xác nhận thêm các chứng cứ do phóng viên bản báo tìm hiểu về người xưng danh “Đại đức Thích Phước Nguyên”, tức Nguyễn Thành Long, sinh năm 1996, có xin vào ở chùa Phước Duyên – Huế khoảng 5 tháng, chưa hề được thọ giới gì của người xuất gia tại đây.

Sau đó ông Long đã giả giấy tờ giới thiệu của một vị tôn túc và trộm khuôn dấu của vị này để đóng vào, giới thiệu vào TP.HCM làm “thị giả” cho Hòa thượng Tuệ Sỹ; để rồi tiếp theo là ‘lừa’ được luôn cả một Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (!?).

Hôm lễ tang của Đức Đệ ngũ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, người ta cũng thấy có mặt của “Đại đức Thích Phước Nguyên”…

Đúng là ở Việt Nam thật – giả về kiến thức hàn lâm, cho tới chuyện đạo – đời cũng lắm thị phi.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)