VNTB – Tự do báo chí và điều 117, Bộ Luật hình sự

VNTB – Tự do báo chí và điều 117, Bộ Luật hình sự

Xuân Minh

(VNTB) – Với cách hiểu về “chống Nhà nước” theo điều 117, cho thấy về mặt hình thức, “chống” không hẳn đồng nghĩa với “chống đối”.

Bài viết “Suy nghĩ từ một tin tức ‘phạt vạ’ 25 triệu đồng” trên  Việt Nam Thời Báo, cho thấy dường như có sự lệch pha lâu nay trong cách hiểu về quyền tự do báo chí dân sự, được đặt trong lăng kính ‘còng số tám’ của điều luật hình sự. (*)

Thế nào là một bài báo được gọi là chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Điều 117, Bộ Luật hình sự phân biệt hình thức sau đây là “chống Nhà nước”: xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý.

Với cách hiểu về “chống Nhà nước” theo điều 117, cho thấy về mặt hình thức, “chống” không hẳn đồng nghĩa với “chống đối”.

“Chống đối” là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như pháp luật, chính trị, quân sự… Trong lĩnh vực pháp luật, “chống đối” thường được sử dụng chỉ hành vi sai trái của tổ chức, cá nhân đối lập với yêu cầu của pháp luật. Chống đối là hành vi bất hợp pháp.

Pháp luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh hành vi con người để phù hợp với trật tự chung của xã hội. Bản thân pháp luật phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, những chuẩn mực đã được xã hội thừa nhận… cho nên nó được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng.

Đặc biệt, trong xã hội dân chủ hiện nay, luôn tồn tại nguyên tác: “người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”. Tuy nhiên, vì những động cơ riêng (vụ lợi, trả thù cá nhân…) hay do thiếu hiểu biết… mà vẫn có những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Một trong những hiện tượng này là sự chống đối pháp luật. Người có hành vi chống đối pháp luật chủ động thực hiện hành vi mang tính chất cố ý.

Người viết báo có những bài báo được chọn đăng ở một tòa soạn nào đó, thì việc quy kết bài báo ấy là “chống” theo cách diễn giải của điều luật 117, Bộ Luật hình sự, trong nhiều trường hợp sẽ khó thuyết phục.

Thứ nhất, nếu tòa soạn đó ở Việt Nam, chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí Việt Nam, thì trách nhiệm hình sự gần như là một tập thể, từ người viết bài, người biên tập, người duyệt nội dung, người ký quyết định xuất bản.

Thứ hai, nếu tòa soạn đó là cơ quan truyền thông nước ngoài, hoạt động với pháp luật bảo hộ của nước sở tại, thì ở đây lại là vấn đề của Hiệp định Tương trợ Tư pháp mà Việt Nam đã ký kết. Trong trường hợp này, đòi hỏi sự kiến giải rạch ròi phù hợp không chỉ từ viện dẫn pháp luật của Việt Nam, mà còn là sự phù hợp chung với các điều luật quốc tế liên quan về quyền tự do báo chí mà Việt Nam đã cam kết.

Trong cả hai trường hợp, phía công tố đều phải chứng minh về cáo buộc ở những tình tiết nào của bài báo, đã có một trong các hành vi: xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý.

Việc quy kết của cơ quan công tố còn cần phải tiếp tục xem xét có dấu hiệu về vai trò đồng phạm hay không, của hàng loạt các bên liên quan như người biên tập, người duyệt nội dung, người ký quyết định xuất bản và cả chủ quản của tờ báo ấy.

Lưu ý về khả năng của một trường hợp thứ ba, đó là chuyện ‘phản tố’ cũng được căn cứ từ Bộ Luật hình sự.

“Điều 167. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm”.

Dĩ nhiên để có thể cáo buộc cá nhân, tổ chức nào đó vi phạm điều luật 167, phía ‘phản tố’ phải chứng minh là các bài báo bị cáo buộc vào điều 117, Bộ Luật hình sự, hoàn toàn có nội dung được sự bảo hộ của Hiến pháp 2013, tại “Điều 25. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”; và “Điều 28: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Như vậy, để rạch ròi ngay từ đầu về các cáo buộc hình sự đối với một bài báo đăng công khai trên tờ báo của cơ quan truyền thông nào đó, cần thiết có những phiên tòa dân sự thích hợp để đưa ra phán quyết đâu là vi phạm hình sự, đâu là dân sự trong cụ thể bài báo ấy.

Tin rằng với cách xác định lằn ranh hình sự – dân sự như trên, sẽ giảm thiểu được những mẫu nhận xét đang dần rập khuôn ở các bài báo chuyên mục ‘chống diễn biến hòa bình’: Vào những thời điểm các cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật của Việt Nam khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng lợi dụng tự do, dân chủ tuyên truyền, chống phá chính quyền Nhà nước, các thế lực thù địch bên ngoài và những người còn thù hằn với chế độ lại rêu rao đó là “hành động bóp nghẹt tự do ngôn luận”, “triệt tiêu quyền tự do báo chí”, hoặc “ra sức ngăn cản những người bất đồng chính kiến”…

______________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-suy-nghi-tu-mot-tin-tuc-phat-va-25-trieu-dong/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)