VNTB – Tự do báo chí và “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”

VNTB – Tự do báo chí  và “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”

Triệu Tử Long


“Trong thực tế, người Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và truy cập thông tin có thể được chứng thực bởi sự tăng trưởng nhanh chóng và đa dạng của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cả nước”.

Đoạn trích ở trên nằm trong bài báo “Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo (1)


Tỷ lệ giữa ‘diễn đàn’ và ‘công cụ’?

Theo phúc đáp kể trên, thì ở Việt Nam, “Báo chí đã trở thành diễn đàn cho các tổ chức xã hội và nhân dân và đường lối quan trọng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ và quyền tự do cơ bản. Báo chí cũng đóng một vai trò tích cực trong việc kiểm tra và theo dõi thực hiện các chính sách và luật pháp của chính phủ, đặc biệt là những người liên quan đến nhân quyền. Nhiều cơ quan báo chí và truyền thông chủ động vạch trần tham nhũng, các vi phạm nhân quyền hoặc quyền công dân và hành động bất hợp pháp. Thông qua các phương tiện truyền thông, mọi người có thể kiến nghị, bày tỏ quan điểm chính trị, và đóng góp công khai cho tất cả các vấn đề văn hóa, kinh tế-xã hội và chính trị”.

Phúc đáp có đoạn biện giải về vấn đề tố tụng hình sự: “Điều 117 nêu rõ người vi phạm sẽ bị trừng phạt theo pháp luật và thiết lập ranh giới rõ ràng giữa các hành vi phạm tội và thực hiện quyền tự do ngôn luận. Điều này chỉ là với cố ý bóp méo sự thật nhằm phản đối các nhà nước và không có hạn chế nào về quyền tự do ngôn luận hoặc các quyền tự do cơ bản khác. Vì vậy, điều 117 là tương thích với điều 19 của ICCPR. Cụ thể, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải đảm bảo nhiệm vụ đặc biệt và trách nhiệm, bao gồm cả tôn trọng các quyền hoặc danh tiếng của người khác cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, y tế công cộng và đạo đức”.

Đoạn trích phúc đáp ở trên là rất quen thuộc mỗi khi cơ quan tố tụng giải thích về nội dung của điều 117 tương thích với cách hiểu của điều ước quốc tế tương ứng.

Tuy nhiên trên thực tế thì ở Việt Nam tất cả các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động đều bắt buộc phải tuân thủ theo thứ tự sau đây về ‘công cụ’, và ‘diễn đàn’ ở nội hàm: “là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân” – trích điều 4.1, Luật báo chí.

Tự do ‘diễn đàn tạp chí’?

Luật báo chí, điều 3.15 ghi: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Điều đó có nghĩa với tạp chí in ấn bằng giấy, cũng là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được phát hành ra thị trường qua hệ thống bán lẻ ở các sạp, hoặc bưu điện, giao nhận tận nhà…

Ở Việt Nam, để có được giấy phép báo chí, bắt buộc tờ báo/ tạp chí phải có một chủ quản là hội đoàn, và theo quy hoạch báo chí tại Quyết định 362/QĐ-TTg “Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” của thủ tướng chính phủ (2), thì đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Các tổ chức hội đoàn nghề nghiệp, hội đoàn chính trị chỉ được phép mỗi hội đoàn có một tạp chí.

Cụ thể, từ ngày 1/4/2020, có 18 cơ quan báo chí chuyển đổi thành tạp chí được trao giấy phép gồm: Một thế giới, Đời sống và Pháp luật, Bóng đá, Kinh tế nông thôn, Làng nghề Việt, Kinh tế chứng khoán, Sức khỏe cộng đồng, Doanh nghiệp và Tiếp thị, Mekong-Asean, Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Thương hiệu và Công luận, Người cao tuổi, Chất lượng và Cuộc sống, Diễn đàn doanh nghiệp, Tri thức trực tuyến, Kinh tế và Đời sống, Năng lượng mới, Thời đại.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp Luật (Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ: “Khi nhận giấy phép chuyển đổi, chúng tôi có những lo âu, dự định và cả những kế hoạch mới. Chúng tôi đã đi trên con đường này 19 năm, nay đổi ngã rẽ, nhưng chúng tôi xác định mục tiêu không thay đổi, phải làm sao để cơ quan hoạt động tốt, lành mạnh, làm tốt nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động.

Chúng tôi cũng đang đứng trước nhiều thách thức và lo âu như phải thay đổi toàn bộ phần nhận diện thương hiệu của cơ quan báo chí, thay đổi các quan hệ tài chính ra sao để không gây ra các tổn thất. Đặc biệt, các tạp chí cũng cần phải cơ cấu lại toàn bộ tòa soạn. Một tòa soạn tạp chí có cơ chế vận hành khác hoàn toàn với một tờ báo từ các kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, cách tư duy đề tài. Để thực hiện được điều này, chúng tôi cần một thời gian không hề ngắn, có thể phải mất từ 1-3 năm”.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng băn khoăn về quy định xuất bản theo định kỳ của tạp chí. Ông Thanh cho rằng, nếu quy định máy móc về tính định kỳ của tạp chí, người làm báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bài báo tường thuật đăng trên báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (3), thì, “Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí là diễn đàn mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước. Việc sắp xếp lại mạng lưới báo chí nhằm mục đích giúp các cơ quan báo chí mạnh lên, phong phú, đa dạng, nằm trong sự thống nhất.

“Trong thời kỳ cạnh tranh thông tin đi với giá trị của thông tin nhưng không gắn với mua bán thông tin. Nếu làm theo cơ chế thị trường thì đời sống của người làm báo sẽ khác. Nhưng chúng ta phải tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước”, ông Hùng nhấn mạnh” (dừng trích).

 

8 triệu dân và tối đa 5 tờ báo

Trong một diễn biến khác, theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 2/1/2020 phê duyệt đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025, thực hiện sắp xếp 15/20 cơ quan báo chí; riêng báo Quốc phòng Thủ đô và An ninh Thủ đô thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo đó, trong năm 2020, Hà Nội sẽ dừng hoạt động 9 đơn vị báo chí, trong đó có 3 tờ báo và 6 tạp chí. Cụ thể, các báo sẽ dừng hoạt động gồm báo Màn ảnh Sân khấu, Thời báo Doanh nhân, Cựu chiến binh Thủ đô. Các tạp chí sẽ dừng hoạt động gồm Giáo dục Thủ đô, Thương gia, Hàng hóa và Thương hiệu, Tinh hoa Đất Việt, Phái đẹp (Elle), Golf Việt Nam.

Các báo Kinh tế và Đô thị, Phụ nữ Thủ đô, Lao động Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô được giữ ổn định. Đối với báo Pháp luật và Xã hội, cơ quan này sẽ được sáp nhập vào báo Kinh tế và Đô thị. Báo Người Hà Nội sẽ chuyển thành tạp chí chuyên ngành Văn học Nghệ thuật. Có 3 cơ quan báo chí không phải sắp xếp là Hà Nội mới, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội và Tạp chí Khoa học.

Như vậy, sau sắp xếp, thành phố Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 tờ báo, 2 tạp chí và 1 Đài Phát thanh Truyền hình. Cũng theo đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021 đến hết năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành việc sắp xếp theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông và sẽ chỉ còn tối đa 5 cơ quan báo chí.

Hà Nội là một thành phố thủ đô. Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, thì Hà Nội có 8,05 triệu dân; TP.HCM có 8,99 triệu dân. Với dân số 8 triệu người này, nhưng chỉ được quyền có tối đa 5 tòa soạn báo chí thì rõ ràng ngay cả yêu cầu “tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước” cũng sắp bị hạn chế, nói chi tới chuyện là diễn đàn của công chúng.

 

Tái bút cần thiết dành cho “Phúc đáp Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về nhà báo Phạm Chí Dũng”

Theo cách hiểu về tự do báo chí tại Việt Nam như nhìn nhận ở trên, đặc biệt là qua phát biểu của ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho thấy toàn bộ cách hiểu – lập luận mà văn bản “Phúc đáp Kháng thư” thể hiện, là phù hợp với pháp luật báo chí Việt Nam.

Nhà báo Phạm Chí Dũng có thể không nhất thiết chịu sự ràng buộc về nguyên tắc ‘phải tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích của Đảng và Nhà nước’ như khuyến cáo của ông Lê Mạnh Hùng, vì các tòa soạn sử dụng bài viết cộng tác của ông Phạm Chí Dũng như VOA, Người Việt,… họ có cách hiểu khác hẳn về quyền tự do báo chí, về quyền tự do biểu đạt chính kiến cá nhân trong tác phẩm báo chí.

Đây chính là khác biệt trong cách nghĩ mà các Báo cáo viên đặc biệt về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ý kiến và biểu lộ; Tổ công tác về giam giữ tùy tiện; Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội ôn hoà; và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, đã có phần ‘không đặc biệt lưu tâm’ khi đưa ra kháng thư về các vấn đề liên quan đến chính phủ Việt Nam.

 

_________________

Chú thích:

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-phuc-dap-khang-thu-cua-lien-hiep-quoc-ve-nha-bao-pham-chi-dung/

(2) https://vov.vn/xa-hoi/toan-van-quy-hoach-phat-trien-va-quan-ly-bao-chi-toan-quoc-den-2025-893753.vov

(3) https://vov.vn/xa-hoi/quy-hoach-bao-chi-kho-khan-khi-chuyen-doi-tu-bao-sang-tap-chi-1017760.vov

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)