VNTB – Tự do học thuật sẽ tạo sự hoài nghi vào thể chế chính trị?

VNTB – Tự do học thuật sẽ tạo sự hoài nghi vào thể chế chính trị?

Thới Bình

 

(VNTB) – Đòn bẩy của tự chủ tài chính là tự do học thuật. Thế nhưng một khi có tự do học thuật, rất có thể người ta lại hoài nghi vào thể chế chính trị rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có thật không?

 

Trong tham luận về “Quyền tự do học thuật trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam”, ông Bùi Tiến Đạt, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng tự chủ học thuật ở Việt Nam cần thực sự hướng tới quan niệm về tự do học thuật phổ biến trên thế giới, nhằm phát triển giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng hướng tới trình độ khu vực và thế giới.

Dưới góc độ pháp lý, tự do học thuật cần được tiếp cận là một bộ phận của quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Thể chế về tự do học thuật không chỉ dừng ở các quy định pháp luật, mà còn ở chính sách đồng bộ của Nhà nước và quyết tâm của các trường đại học.

Như cố giáo sư Hoàng Tụy đã phân tích trong “Đề cương Cải cách giáo dục” của ông, lịch sử châu Âu cho thấy chỉ khi nhà trường được độc lập, tức tách khỏi nhà thờ, con người mới biến đổi từ con người công cụ thành con người tự do. Tạo ra những con người tự do chính là mục tiêu của một nền giáo dục khai phóng.

Một trong số hiếm hoi địa chỉ ‘dám’ tuyên bố về quyền tự do học thuật, đó là Đại học Quốc gia TP.HCM, nơi được công nhận là một trong hai đại học quốc gia với quyền tự chủ cao, xác định rõ mục tiêu “xây dựng môi trường sáng tạo khoa học, tự do học thuật” trong sứ mệnh của mình.

Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội ở cả thời giám đốc Phùng Xuân Nhạ đến Nguyễn Kim Sơn, chỉ xác định tầm nhìn “trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao”, không nêu rõ vấn đề tự do học thuật trong sáu giá trị cốt lõi của mình: Chất lượng cao; Sáng tạo; Tiên phong; Tích hợp; Trách nhiệm; Phát triển bền vững.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng xác định triết lý giáo dục “vì sự khai sáng cho nhân loại”, có mục tiêu trở thành “đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 200 đại học tốt nhất thế giới”, với “tiếp cận những gì mới nhất về học thuật và thực tiễn”, nhưng cũng không dám khẳng định rõ về tự do học thuật.

Các đại học là kết quả của hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các Chính phủ khác vẫn duy trì truyền thống của các đại học tiên tiến trên thế giới bằng cách khẳng định rõ tự do học thuật là sứ mệnh hoặc giá trị cốt lõi. Ví dụ như Đại học Fulbright tuyên bố độc lập, trong đó có tự do học thuật là giá trị cốt lõi – “Được xây dựng trên nguyên tắc tự chủ và tự do học thuật, Fulbright nhấn mạnh vào sự minh bạch và tôn trọng những ý kiến khác biệt”.

Trong Hội thảo Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập ngày 20/10/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ dám khẳng định: “Tự chủ đại học gần như là đường một chiều, là con đường chúng ta phải đi. Không có tự chủ đại học sẽ không có những trường đại học mạnh, không có đại học mạnh thì không có lực lượng nhân lực tốt, đất nước sẽ không phát triển được”.

Ngay cả “đường một chiều”, thì trong khi ở châu Âu tự chủ là quyền tự do của cơ sở giáo dục trong việc định đoạt các vấn đề vận hành, thì ở Việt Nam, tự chủ đại học thực chất là sự đánh đổi nguồn hỗ trợ tài chính, lấy quyền tự do quyết định các công việc nội bộ của các trường.

Tự chủ ở châu Âu xuất hiện khi tự do học thuật tồn tại trong môi trường giáo dục đại học như một lẽ đương nhiên. Trong khi đó,  khi bàn đến tự chủ cho các trường đại học ở Việt Nam, tự do học thuật vẫn là một khái niệm “không dám thẳng thắn” đặt yêu cầu tiên quyết sống còn.

Ngay cả khi tự chủ đại học là tâm điểm của cải cách giáo dục đại học, thì tự do học thuật hầu như hiếm khi được nhắc đến, vì dễ bị áp đặt “tự diễn biến” – “tự chuyển hóa”…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)