Anh Văn
(VNTB) – Vào ngày 2/2/2017, trên báo Nhân Dân đăng tải bài viết “Luồng gió mới ở Đồng Tâm”, nội dung khẳng định, dù “trước đây” xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội) là địa bàn phức tạp với cán bộ bị kỷ luật, người dân mất niềm tin chính quyền, kẻ xấu kích động nhân dân,… Nhưng giờ đây, dưới “sự chỉ đạo sát sao của huyện ủy Mỹ Đức, bộ máy chính quyền, đoàn thể ở xã Đồng Tâm hoạt động ổn định và từng bước được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ.”
Đến ngày 15/04/2017, mạng xã hội xuất hiện videoclip cảnh lực lượng công an với dùi cui và khiên chống bạo động bị người dân xã Đồng tâm chọi đá, người dân lên tiếng tố cáo hành vi tham nhũng của chính quyền cũng như sử dụng lực lượng công an để “cướp đất”, hình ảnh công an bố ráp người dân xã này; hình ảnh 20 CSCĐ bị bắt giữ tại nhà văn hóa; videoclip một đảng viên đại diện cho hàng vạn người dân lên tiếng tố cáo chính quyền xã, huyện và thành phố lấy đất giá rẻ, bán đất giá đắt. Hai ngày sau, truyền thông nhà nước lên tiếng đe dọa xử lý hình sự và đòi người dân xã Đồng Tâm thả những chiến sĩ CSCĐ.
Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng, xã Đồng Tâm đã không tồn tại cái gọi là “ổn định” và đồng thuận với Đảng – nhà nước như báo Nhân Dân đưa tin. Kinh nghiệm về cái gọi “muốn tạo dựng niềm tin cho nhân dân vào bộ máy chính quyền, đội ngũ cán bộ phải sâu sát đời sống, phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, minh bạch, rõ ràng các thông tin” mà báo Nhân Dân đưa ra hoàn toàn chưa đạt được. Ngược lại, niềm tin của người dân xã Đồng Tâm vào chính quyền đã hoàn toàn vỡ vụn, nhất là qua sự kiện ngày 15/04, khi cuộc trao đổi – đối thoại mà chính quyền nêu ra trở thành một cuộc bắt những người nông dân, cựu chiến binh mà chính quyền coi là “cầm đầu kích động, khiếu kiện”, đồng thời điều CSCĐ về dùng đạn khói, dùi cui, giả thường dân để kích động bạo lực nhằm lấy cớ đàn áp.
Người dân phản hồi một thông điệp chắc chắn tới chính quyền: bắt lại hơn 30 người của chính quyền bao gồm nhiều cảnh sát cơ động để “đổi người” thay vì đối thoại theo cách “niềm tin với chính quyền”.
Sự kiện này là minh chứng sống động nhất để “tố cáo” toàn bộ tin bài ngày 2/2/2017 là những luận điểm thiếu cơ sở, thêu dệt, thậm chí vu khống đối với những người dân chống lại nạn cướp tư liệu sản xuất của họ.
30 người bị bắt giữ và tình hình phức tạp tại xã Đồng Tâm cũng đã cho thấy rằng, sự dối trá về mặt thông tin đã trở thành một đặc trưng của báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, hay một số tờ báo đảng khác, biến báo Nhân Dân và hàng tá báo khác trở thành tiếng nói đầy kệch cỡm của Đảng thay vì tiếng nói chân chính một nhà nước liêm chính mà Nhân dân đang cần. Những lời hoa mỹ, những lời lẽ thống thiết đầy tính cách mạng trong nội dung tin bài về “niềm tin của nhân dân đối với Đảng” trở thành một thứ ngôn ngữ phi thực tế, như cái cách mà báo tô vẽ đường lên thiên đường xã hội chủ nghĩa vậy.
Dù biết rằng, bài vở sản xuất ra của báo Nhân Dân không có nhiều người đọc, đặc biệt nó đã bị loại ra khỏi đời sống tin tức của người dân, nhưng việc đăng nội dung sai sự thật đến mức lố bịch, những ngôn từ được chiết xuất từ “ý Đảng” nhưng không phải lòng dân đó đã khiến cho nó trở thành một vây cánh, bao che, tô hồng cho nạn nhũng nhiễu tại địa phương. Nó không những là sự bán rẻ về lương tâm, trách nhiệm của người làm báo, mà nó còn trở thành một trang báo co rúm thúc đẩy tội ác tiếp tục diễn ra tại địa phương. Bởi nhiệm vụ cốt lõi của báo chí chính là phản ánh đúng thực trạng để góp phần ngăn chặn những sai trái trong xã hội, nếu đi ngược lại điều đó, nó sẽ trở thành bình phong toàn diện để các quan chức xã, huyện, tỉnh hợp pháp hóa tội ác của mình đối với nhân dân, thậm chí là đối với của công của nhà nước XHCH. Nói cách khác, cách dựng câu chuyện “ý Đảng hợp lòng dân” tại xã Đồng Tâm đã tiếp tục thúc đẩy tham nhũng ở đây một cách công khai hơn, trắng trợn hơn, khi được tờ báo của T.Ư Đảng “bảo kê”.
Người dân xã Đồng Tâm chiếm đài phát thanh xã để tố cáo chiêu lật lọng của chính quyền
Trở lại với câu chuyện xã Đồng Tâm, được sự chỉ lệnh của ban Tuyên giáo Trung ương, các trang báo bắt đầu sử dụng ngoài bút để “truy tố, lên án” người dân xã này trước khi có phán quyết của tòa án. Những lời lẽ quen thuộc như “kích động, gây mất trật tự trị an, chống đối nhà nước” đã và đang được sử dụng cho những người bắt giữ 20 CSCĐ. Nhưng liệu rằng, ai sẽ tin vào điều đó? Ai sẽ tin vào những ngôn từ tưởng chừng như rất pháp trị đó thực chất là những ngôn từ trấn áp để bảo vệ cái sai của chính quyền cơ sở? Và cũng giống như báo Nhân Dân, cái gọi là niềm tin vào báo chí nhà nước qua câu chuyện này vỡ vụn dần, không chỉ đối với người dân xã Đồng Tâm, mà đối với nhiều nhiều người khác thấu hiểu tình trạng “cướp đất” như hiện nay.
Suy cho cùng, đó cũng là hệ quả tất yếu của cái gọi là công cụ tuyên truyền của Đảng, và nhà nước Việt Nam.