Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tư pháp phải là “phi chính trị”

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Chỉ cần một cú điện thoại là thẩm phán bị chi phối…

 

“Độc lập” trong khuôn khổ của Đảng

Ông Nguyễn Đình Quyền, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặt vấn đề khá thú vị thế này ở lần góp ý sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân: “Ở nhiều nước, tư pháp là một bộ máy phi chính trị để không bị các thế lực chính trị và lợi ích nhóm tác động. Với ta thì một đảng lãnh đạo, các cơ quan tư pháp phối hợp hoạt động. Vậy làm thế nào để độc lập?”.

Ông Quyền nói rằng sở dĩ đặt vấn đề trên vì “triết lý lớn nhất là đảm bảo tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tư pháp”.

Mô hình hội thẩm nhân dân “nửa dơi nửa chuột” cũng là vấn đề lo ngại không kém chuyện chỉ cần một cú điện thoại là thẩm phán bị chi phối. Về nguyên tắc, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán, tuy nhiên lại không được đào tạo chuyên môn như thẩm phán. Do vậy, hoặc là hội thẩm theo quan điểm của thẩm phán, hoặc là hai hội thẩm trong hội đồng xét xử không thống nhất với thẩm phán thì thẩm phán thua vì chỉ là thiểu số trong hội đồng này.

Công tâm mà nói thì sở dĩ tư pháp là một bộ máy phi chính trị, vì trong các chế độ đa nguyên, quyền tư pháp không mang tính chính trị, không thuộc về đảng phái chính trị nào.

Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối về lập pháp – hành pháp và tư pháp

Trong chế độ nhất nguyên chính trị, quyền tư pháp là một bộ phận của quyền lực chính trị. Ở Việt Nam, quyền tư pháp mang tính chính trị của việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo tuyệt đối đối với quyền tư pháp. Vấn đề ở đây là lãnh đạo làm sao để vẫn bảo đảm được tính độc lập của quyền tư pháp: Lãnh đạo về mặt tổ chức như thế nào? Lãnh đạo về mặt hoạt động như thế nào? Quyền tư pháp có giám sát quyền lực chính trị hay không?

Lập luận mang tính lý thuyết tiếp theo là quyền tư pháp ở Việt Nam cũng nội hàm vấn đề mang tính chính trị – pháp lý, tính cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính hiến pháp, do vậy, chế độ tư pháp cũng mang tính chính trị – pháp lý, tính cương lĩnh, tính hiến pháp. Chế độ tư pháp có thể được xem xét trên các phương diện: chính trị, xã hội, pháp luật.

Chế độ tư pháp mang tính chính trị, tức là được xem xét trên phương diện chính trị. Điều này có nghĩa rằng, chế độ tư pháp là một bộ phận hợp thành của chế độ nhà nước, một bộ phận hợp thành của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam có quyền lãnh đạo tuyệt đối.

Nếu như chế độ nhà nước thông thường được hiểu là tổng thể các phương tiện, biện pháp, giải pháp, phương pháp, phương thức thực hiện quyền lực nhà nước, thì chế độ chính trị được hiểu là tổng thể các phương tiện, biện pháp, giải pháp, phương pháp, phương thức thực hiện quyền lực chính trị.

Chế độ chính trị và chế độ nhà nước phản ánh yếu tố nội dung của việc thông qua và thực thi các quyết định chính trị, quyết định quản lý, đem đến cho đời sống chính trị, đời sống nhà nước tính định hướng nhất định, trực tiếp quyết định các đặc điểm cơ bản, trạng thái các thuộc tính chung, các thông số của chế độ chính trị, của chế độ nhà nước.

Vì sao dễ lũng đoạn nhà nước ở Việt Nam?

Với ý nghĩa thực tế như trên nên sẽ không lạ khi ai đó lên tiếng phản biện về đường lối, chính sách của Đảng, nếu ‘nghịch nhĩ’ và khó phản bác lại thì nhân danh Đảng cầm quyền, đến lượt mình, tư pháp sẽ tìm mọi cách để hợp thức hóa một mức án hình sự cho hành vi thuộc tính về quyền dân sự đối với các công dân ‘dám’ chê trách Đảng.

Dân chủ trong bối cảnh thực tế về cách hiểu tư pháp ở trên cho thấy một khi tư pháp là một bộ máy chính trị, thì các thế lực chính trị trong cùng hệ thống Đảng cầm quyền sẽ cùng lợi ích nhóm dễ dàng hơn khi lũng đoạn hầu hết mọi công việc quản trị quốc gia – đơn cử như tham nhũng y tế, tham nhũng đất đai bằng các chính sách công đang diễn ra ở hiện tại.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tô Lâm muốn được như Putin?!

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cậy thế chồng để chiếm đất: cần xử lý hình sự

Trương Thế Tử

VNTB – Thủ tướng phủi trách nhiệm à?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.