VNTB – Tự sát cứu vãn nền tư pháp

VNTB – Tự sát cứu vãn nền tư pháp


Nguyễn Đình Đạt

 

(VNTB) – Để “cứu vãn nền tư pháp tỉnh” một người đã tự sát chiều ngày 29-05-2020

 

Sáng 29.05, TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm kết tội một người đàn ông.

Ông Lương Hữu Phước, người bị y án 3 năm tù đã tự sát qua hình thức nhảy lầu vào chiều hôm đó, ngay tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước.

Trong Hội đồng xét xử có ông Lê Viết Hoà, người trước từng xét xử một vụ việc liên quan đến tranh chấm đất đai, và người tham gia phiên xử sau đó đã tự sát.

Trong trạng thái cập nhật trước khi chết trên Facebook của mình, ông Lương Hữu Phước bày tỏ: nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!

Facebooker Nguyễn Tấn Thành bình luận: anh này đã ngây thơ tin rằng cái chết của anh sẽ làm thức tỉnh nền tư pháp. Có cả trăm cái chết dân đen như vậy cũng không thức tỉnh gì.

Cái chết của ông Phước diễn ra sau sự kiện TAND tối cao ra phán quyết y án đối với Hồ Duy Hải – gây xôn xao dư luận.

Mong muốn của ngài PGS.TS Nguyễn Hoà Bình trong ‘xây dựng TAND là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin’ có lẽ phù hợp với tình hình hiện tại, khi niềm tin của công chúng đối với lẽ phải, công lý tại các phiên toà đang trong tiến trình sút giảm… ổn định.

Ngày 16.06.2016 tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Chỉ số công lý năm 2015 – Hướng tới một nền tư pháp vì dân”. Nghiên cứu chỉ số công lý hướng tới hai mục tiêu: Một là đánh giá tổng quan trên toàn quốc về bảo đảm tiếp cận công lý, công bằng và bình đẳng trong giải quyết tranh chấp và khiếu nại, cũng như quyền cơ bản của người dân theo Hiến pháp. Hai là xây dựng một bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương (cấp tỉnh, thành phố) trong việc bảo đảm công lý và quyền cơ bản của người dân.

Kết quả cho thấy về niềm tin và kỳ vọng và các thiết chế nhà nước, người dân còn chưa vững tin vào hiệu quả trợ giúp của các cán bộ, cơ quan nhà nước ở cơ sở.

Phát hiện chính của nghiên cứu cũng cho biết, ‘việc tiếp cận tòa án còn nhiều hạn chế, lý do chính là các quan ngại về chi phí, về thủ tục, và niềm tin vào sự công tâm của thẩm phán và cán bộ tòa án.’

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tòa án năm 2019 do TAND tối cao tổ chức, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

“Uy tín của Tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội.”

Muốn vậy, theo người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam, “Mỗi bản án phải làm sao để thực sự ‘tâm phục, khẩu phục’, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội.”

Chiều ngày 29.05, một người đã tự sát để cứu vãn nền tư pháp tỉnh.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, gào khóc sau phán quyết của tòa hôm 8.05.2020. Phán quyết của hội thẩm phán bác kháng nghị điều tra lại của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, khẳng định Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất giết hại và cướp tài sản hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi cách đây 12 năm.

Việc tuyên án Hồ Duy Hải tử hình là “có căn cứ, đúng pháp luật, không oan”. Trong khi, dư luận trên mạng xã hội cho rằng phán quyết này đến từ biểu quyết giơ tay đồng tình của 17 vị thẩm phán đã đi ngược lại kỳ vọng của người dân, dựa trên một quy trình tố tụng đầy sai phạm mà chính các điều tra viên trong cuộc đã thừa nhận.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)