Cái khó ló… cái tham.
Khác hẳn thời hoàng kim cho vay nặng lãi lên tới hơn 20%/năm vào các năm 2010 – 2011, những năm gần đây, giới ngân hàng Việt Nam trở nên khó khăn hơn nhiều và bị nhiều scandal, vì ăn chặn tiền gửi của khách hàng. Thậm chí còn có một số vụ tiền gửi của khách hàng “không cánh mà bay” trong tài khoản của ngân hàng.
Ngân hàng Vietcombak là một trong những bằng chứng điển hình về thói thiếu minh bạch và đậm dấu hiệu gian lận.
Những năm trước, Vietcombank tìm cách không chịu trả tiền trong tài khoản của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà đấu tranh dân chủ, một hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, sống tại Hà Nội. Chỉ đến khi những người ủng hộ ông Giang kéo đến Vietcombank biểu tình và đòi phải giải thích rõ lý do không trả tiền, nhân viên Vietcombank mới thập thò “theo lệnh Bộ Công an”.
Mới đây, theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến báo cáo tài chính năm 2015 tại Vietcombank cho thấy, ngân hàng này đã không trả khoản lãi gần 9.8 tỉ đồng cho hơn 6.69 triệu tài khoản. Đây là tính riêng trong năm 2015, còn các năm từ 2001 đến năm 2014, do hệ thống không lưu trữ trọn vẹn thông tin chi tiết nên kiểm toán chưa thể tính toán cụ thể.
Nhưng trong con mắt giới phân tích tài chính, số tiền 9.8 tỉ đồng chỉ là số lãi phát sinh trong năm 2015 theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước. Giả sử, mỗi năm Vietcombank phải trả lãi cho số tài khoản trên từ 8 – 10 tỉ đồng lãi, thì trong khoảng thời gian 14 năm (2001 – 2015), tổng số lãi Vietcombank phải trả cho khách hàng lên đến hơn trăm tỉ đồng. Một trong những nguyên hân được giải thích bởi nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sỹ Kiêm là: tình trạng chung hiện nay là không ít ngân hàng cài đặt phần mềm tính toán theo hướng không trả lãi cho số tiền lãi quá nhỏ.
Cho dù vụ scandal liên quan đến Vietcombank không thể so sánh về giá trị so với những thất thoát khổng lồ hàng chục ngàn tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng của Phạm Công Danh, hay Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, nhưng Vietcombank lại nằm trong “top 5” ngân hàng có cổ phần chi phối của Ngân Hàng Nhà Nước, được Ngân Hàng Nhà Nước ưu ái tối đa, đặc biệt dưới thời thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Câu hỏi đặt ra là với một ngân hàng của nhà nước được coi là “có uy tín” mà còn như thế, người dân làm thế nào để duy trì được niềm tin tiền gửi đối với toàn bộ hệ thống ngân nàng thương mại cổ phần?
Từ ít nhất 5 năm qua, niềm tin tiền gửi của dân lại đã bị suy giảm mạnh, tỷ lệ nghịch với đà tăng đột biến của nợ xấu trong các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ.
Cần chú ý rằng sau 3 năm “tái cơ cấu” và “quyết tâm xử lý nợ xấu”, cho tới nay hệ thống ngân hàng hầu như chưa tự xử lý được bất kỳ khoản nợ xấu đáng kể nào trong tổng số khoảng 25 tỷ USD nợ xấu. Nợ xấu lại là nguồn cơn ghê gớm và có thể gây mất cân đối tài chính nghiêm trọng trong ngân hàng và dẫn đến sự sụp đổ của nó.
Nếu hệ thống ngân hàng rệu rã, một số ngân hàng thương mại nhỏ có thể sụp đổ đầu tiên, sau đó dẫn đến phản ứng dây chuyền, và có thể kéo theo cả một số ngân hàng loại trung và lớn. Khi đó người dân sẽ tiếp tục gửi tiền, hay sẽ ồ ạt rút tiền, kể cả rút tiền từ Vietcombank?
Lê Dung / SBTN