VNTB – “Tự sướng” ở Nepal: Khi nào “bí mật đời tư” được pháp luật bảo vệ?

Thảo Vy
  Ảnh cán bộ Hội Chữ thập đỏ "tự sướng ở Nepal" lên mạng nước ngoài - Ảnh 1

(VNTB) – Với thói quen “mệnh lệnh” của một cựu phó bí thư thường trực tỉnh đoàn Nghệ An, tờ “đơn yêu cầu luật sư” được viết bằng văn phong “bề trên”, và có những nhầm lẫn đáng trách đối với một người được đánh giá, là: “Trải qua hơn 15 năm làm việc tại Cơ quan Tỉnh đoàn, đồng chí Nguyễn Lương Hồng đã có nhiều cống hiến cho công tác Đoàn và phong trào TTN tỉnh nhà”. (*)

Bị tung ảnh “tự sướng”, cán bộ Hội Chữ thập đỏ mời luật sư
Ngày 3-5-2015, bà Nguyễn Lương Hồng, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, đã gửi đơn ủy quyền đến văn phòng Luật sư Trọng Hải và các cộng sự để được bảo vệ.
“Tôi viết đơn này kính đề nghị văn phòng luật sư Trọng Hải và các cộng sự cử luật sư để đại diện làm việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bí mật hình ảnh, bí mật về đời tư, bí mật công vụ trong chuyến đi công tác tại đất nước Nê pan từ ngày 18-25/4/2015”. Bà Hồng viết.
Đơn ủy quyền này, bà Hồng cố tình “nhầm lẫn” ở chi tiết “bí mật công vụ”. Đoàn Hội chữ thập đỏ Việt Nam sang Nepal với tư cách là khách mời của Hội chữ thập đỏ Nepal và Hội chữ thập đỏ Nauy. Như vậy, với tư cách là thành viên Đoàn Hội chữ thập đỏ Việt Nam, các hành vi ứng xử suốt chuyến đi này của bà Hồng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật cán bộ, công chức. Do vậy, không thể có “bí mật công vụ”.
Trước khi nhận chức Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, từ tháng 4-2014 về trước, bà Nguyễn Lương Hồng là phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nghệ An. Lúc còn giữ chức vụ “phó bí thư”, bà Hồng có thể yêu cầu “bí mật công vụ”. Thói quen hành xử như thời còn là “phó bí thư”, còn thể hiện ở phần cuối “đơn yêu cầu”, khi bà “lệnh”: “’Bằng đơn yêu cầu này, tôi ủy quyền cho luật sư thay mặt, gặp làm việc để giải quyết những vấn đề liên quan. Kính đề nghị các quý cơ quan giúp đỡ, phối hợp để luật sư hoàn thành nhiệm vụ”.
Bài viết này xin giới hạn trong phạm vi “thế nào là bí mật đời tư?”.

Điều yêu cầu được bảo vệ có lý do chính đáng?
Về nguyên tắc chung, bí mật một ai đó muốn được tôn trọng và bảo vệ thì việc đó phải hợp pháp, chính đáng.
Vấn đề “quyền riêng tư” và “bí mật đời tư” là nội dung trong lĩnh vực quan hệ dân sự. “Quyền riêng tư” hay “bí mật đời tư” cho đến nay trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, vẫn được xem là những khái niệm khá chung và trừu tượng, chưa có một định nghĩa cụ thể, nên đến khi có tranh chấp xảy ra thì không dễ xử lý.
Nhiều luật sư cho rằng, chỉ có “bí mật cá nhân” hợp pháp mới được pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn trong tình huống cụ thể như một người ngoại tình, thì tuy đây là đời sống riêng tư, nhưng không thể được pháp luật bảo vệ, bởi điều này đã xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Bởi về nguyên tắc chung, quyền của một ai đó mà được tôn trọng và bảo vệ, thì đó phải là quyền hợp pháp, chính đáng.
Ví dụ như trường hợp con đánh bố mẹ, hay bố mẹ hành hạ con, thì dù có là vấn đề riêng tư, cá nhân, song người ta không thể không can thiệp và lên tiếng, vì đó là hành vi bất hợp pháp.
Tương tự, với tấm ảnh chụp mà khi nhìn vào đưa đến cảm-nhận-tức-thìlà “phản cảm”, thì đây cũng là điều cân nhắc khi viện dẫn “bí mật đời tư” để mong muốn che đậy điều gì đó khả năng tạo phản ứng dây chuyền trong cộng đồng, về giá trị đạo đức mà cá nhân đó muốn che giấu. Đó là lý do vì sao cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các văn bản pháp luật.

Đời tư được… bí mật đến mức độ nào?
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định rõ ràng về phạm vi của khái niệm “bí mật đời tư”. Điều 34 Bộ Luật Dân Sự (BLDS) 1995 chỉ ghi nhận ngắn gọn: (1). Quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. (2). Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý, nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. (3). Không ai được tự tiện bóc mở, thu giữ, tiêu huỷ thư tín, điện tín, nghe trộm điện thoại hoặc có hành vi khác nhằm ngăn chặn, cản trở đường liên lạc của người khác. Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định và phải có lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.
Như vậy, theo Điều luật này, “bí mật đời tư” được giới hạn trong phạm vi “thư tín, điện tín, điện thoại”, “đường liên lạc”. Điều 38 BLDS 2005 quy định quyền bí mật đời tư trong phạm vi rộng hơn, tức bổ sung thêm “các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân”, còn nội dung khác vẫn giữ nguyên theo tinh thần BLDS 1995.
Theo quan điểm của một số người làm công tác pháp luật, bí mật đời tư có thể được hiểu là những gì gắn với nhân thân con người, là quyền cơ bản. Đó có thể là những thông tin về hình ảnh, cuộc sống gia đình, tên gọi, con cái, các mối quan hệ… gắn liền với một cá nhân mà người này không muốn cho người khác biết. Những bí mật đời tư này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân thích, người có mối liên hệ với người đó biết và họ chưa từng công bố ra ngoài cho bất kỳ ai. “Bí mật đời tư” có thể hiểu là “chuyện trong nhà” của cá nhân nào đó. Ví dụ: con ngoài giá thú, di chúc, hình ảnh cá nhân, tình trạng sức khỏe, bệnh tật, các loại thư tín, điện thoại, điện tín…
Theo Thông Tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/09/2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/03/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”, nơi  công cộng là “các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tại những nơi công cộng khác”. Nơi công cộng khác có thể hiểu là một địa điểm nào đó được trưng dụng để phục vụ cho nhiều người trong một thời gian nhất định (nơi tổ chức Hội chợ, triển lãm…) hoặc khu thể thao (sân bóng, sân quần vợt, hồ bơi, chợ nổi…). Như vậy, những gì cá nhân phô diễn ra ở nơi công cộng thì không còn là bí mật đời tư nữa và những cá nhân khác có quyền về nơi công cộng ấy bình đẳng như nhau.

Nếu kiện ra tòa?
Khoảng chục năm về trước có vụ án một đương sự kiện một nhà báo, vì cho rằng từ việc đi dự phiên tòa vụ án ly hôn của đương sự, nhà báo này sau đó đã về viết một bài “ký sự” đăng trong một cuốn sách – trong đó “tiết lộ” những thông tin mà đương sự cho rằng thuộc “bí mật đời tư” của mình. Tòa án đã xử “thắng” cho đương sự này.
Về vấn đề nói trên, có ý kiến là phía nhà xuất bản và tác giả không xâm phạm bí mật đời tư, bởi đây là phiên tòa xử công khai, ai cũng có thể tham dự. Để tránh phiền toái, người viết đã không ghi tên thật, địa chỉ của đương sự.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) lập luận: “Việc Hội đồng xét xử (HĐXX) tạm đưa ra định nghĩa về khái niệm pháp luật “bí mật đời tư trong vụ án ly hôn” rồi dùng nó làm căn cứ để tuyên án cụ thể là việc làm không đúng. HĐXX chỉ được căn cứ vào các qui định pháp luật đã được ban hành để xét xử, không được “chế” ra các qui định mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành…” và “…Về vấn đề bí mật đời tư trong phiên tòa xử ly hôn, luật không qui định cụ thể. Hơn nữa, những thông tin đã được xét xử công khai tại phiên tòa thì không thể coi là bí mật nữa bởi đã công khai rồi thì còn bảo là bí mật nỗi gì!”.
Ý kiến ngược lại, viện dẫn hai lý do: Thứ nhất, mặc dù Điều 38 BLDS không đưa ra khái niệm bí mật đời tư, nhưng theo lẽ thông thường có thể hiểu bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người khác biết. Báo chí có quyền đưa tin, nhưng với những thông tin về bí mật đời tư của cá nhân thì việc đưa tin phải được sự đồng ý của cá nhân đó. Ở đây cần phân biệt sự công khai thông tin tại Toà án giữa một vụ án dân sự, hôn nhân gia đình với một vụ án hình sự.
Trong vụ án hình sự, những thông tin đó liên quan đến người phạm tội, họ đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và chịu hình phạt do Nhà nước qui định nên những thông tin này có thể được công khai để nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Đối với những thông tin trong vụ án ly hôn, đó là thông tin liên quan đến bản thân đương sự, không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hay lợi ích của người khác nên các đương sự có quyền không công khai những thông tin này. Trường hợp này cần phải hiểu là công khai thông tin tại Toà án không đồng nghĩa với việc mất tính bảo mật của thông tin đó.
Việc công khai thông tin tại Toà án khi các đương sự ly hôn là căn cứ để Toà án xem xét, quyết định cho ly hôn, cấp dưỡng, nuôi con, nhưng thông tin đó nếu được công khai ra dư luận có thể sẽ tạo sự bất lợi trong cuộc sống, sinh hoạt của người trong cuộc.
Thứ hai, mặc dù tên của nhân vật đã được viết tắt, tuy nhiên theo nội dung câu chuyện thì những người hàng xóm cũng như những người thân khác của đương sự cũng dễ dàng nhận ra ngay nội dung câu chuyện, con người… đó chính là đương sự chứ không phải là người khác. Giả sử câu chuyện được hư cấu, thêm bớt, thay đổi tên địa danh và tên viết tắt của nhân vật được thay đổi… thì sẽ không bị coi là xâm phạm bí mật đời tư.

Cần sớm bổ sung
Về nguyên tắc luật, “Quyền bí mật đời tư” là không đồng nhất với khái niệm “Quyền riêng tư”. Quyền riêng tư cũng liên quan đến cá nhân, tuy nhiên những vấn đề thuộc về riêng tư xét ở khía cạnh nào đó lại không được coi là bí mật, mặc dù pháp luật vẫn bảo hộ những quyền này.
Bất cứ cá nhân nào cũng có sự tự do trong suy nghĩ, hành động – đây là sự “riêng tư” của chính họ. Lẽ dĩ nhiên, nếu là sự tự do trong suy nghĩ thì vấn đề không có gì phức tạp, bởi không ai có thể bắt người khác phải suy nghĩ theo ý muốn của mình. Ngược lại, nếu là sự tự do trong hành động thì điều đó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như luật pháp, quan hệ với những người xung quanh, sự tác động của phong tục tập quán, thói quen…
Có thể thấy, pháp luật nói chung, pháp luật Việt Nam nói riêng luôn tôn trọng sự riêng tư của cá nhân (quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, quyền lựa chọn công việc cho phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân, quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng…). Như vậy, để có thể hiểu được “Quyền bí mật đời tư” thì phải xây dựng được khái niệm “bí mật đời tư”. Và việc xây dựng khái niệm “bí mật đời tư” phải xác định được hai khái niệm cũng như sự liên kết của hai khái niệm, đó là khái niệm “bí mật” và khái niệm “đời tư”.
Câu chuyện pháp luật xoay quanh vụ lên tiếng yêu cầu bảo vệ “bí mật đời tư” của cô cán bộ Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, đang diễn ra là một minh chứng rõ nhất về sự cần thiết bổ sung những quy định của pháp luật về “Quyền bí mật đời tư”.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)