(VNTB) – Khi các quan chức chủ chốt liên tục công du, nâng cấp quan hệ thì cũng cho thấy rằng tình hình của Việt Nam đang rất nguy cấp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đang có chuyến thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) từ ngày 21-24/11/2024.
Cùng thời điểm ông Mẫn đi Campuchia thì ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, cũng đang có chuyến đi Brazil và Dominica trong 6 ngày (từ 16/11 tới 21/11). Báo chí Việt Nam cho biết tại Brazil ông Chính đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và có 35 cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Brazil Lula da Silva… Ngoài ra ông Chính cũng đã ký hiệp định nâng cấp quan hệ Việt Nam – Brazil lên Đối tác Chiến lược vào ngày 17/11.
Hiện giờ tổng bí thư Tô Lâm cùng với Phan Đình Trạc, Lương Tam Quang, Bùi Thanh Sơn cũng đang thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 tới 23/11. Ngay trong ngày đầu tiên tại Malaysia, Tô Lâm đã ký nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Malaysia, đây là mức quan hệ đối tác cấp cao nhất của Việt Nam. Hai bên cũng đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên mức 18 tỷ USD.
Trước đó mấy ngày, Chủ tịch nước Lương Cường cũng đã có chuyến thăm chính thức Chile và Peru từ ngày 9 tới 16/11. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Lương Cường từ khi nhận ghế Chủ tịch nước.
Như vậy chỉ trong 10 ngày qua thì cả dàn tứ trụ CSVN đều ra nước ngoài công du và đã ký nâng cấp quan hệ với hai nước, Brazil thành Đối tác Chiến lược và Malaysia thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nhìn rộng ra thì từ tháng 8 tới nay, khi các ghế lãnh đạo chủ chốt trong nội bộ CSVN đã ổn định thì tứ trụ Việt Nam tỏ ra rất xông xáo trong việc công du.
Đi nhiều nhất là Phạm Minh Chính. Cuối tháng 7, ngay sau đám tang Nguyễn Phú Trọng thì ông Chính đi Ấn Độ 3 ngày 30/7-01/8. Đi Lào dự hội nghị cấp cao ASEAN từ 08/10-11/10. Đi Nga dự hội nghị BRICS mở rộng (23-24/10); đi Trung Đông thăm UAE, Qatar, Saudi Arabia (27/10-01/11). Tại UAE, Phạm Minh Chính cũng đã ký nâng cấp Đối tác Toàn diện Việt – UAE vào ngày 28/10. Từ 5 tới 8/11 thì ông Chính đi Trung Quốc dự hội nghị Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Và mới đây là chuyến đi Brazil và Dominica như đã nói ở trên.
Tô Lâm thì đi Trung Quốc (18-20/08) ký 14 văn kiện hợp tác Việt – Trung. Đi Mỹ và Cuba từ ngày 21-27/09; đi Mông Cổ, Ireland, Pháp từ 30/9 tới 7/10. Trong đó, ngày 1/10 thì Tô Lâm đã đại diện Việt Nam ký với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh về việc thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt – Mông. Ngày 7/10 thì Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng ký nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Pháp. Và nay thì đi Malaysia.
Lương Cường thì ngoài chuyến đi Chile và Peru ở vai trò Chủ tịch nước thì từ 9-12/10, khi còn là Thường trực Ban bí thư, ông Cường có đi qua Trung Quốc gặp Tập Cận Bình. Trần Thanh Mẫn thì chỉ mới công du một nước đầu tiên là Campuchia trong vai trò Chủ tịch Quốc hội (đã nói ở trên).
Có thể thấy trong khoảng 10 năm nay thì đây là thời gian tứ trụ CSVN có tần suất công du dày đặc nhất. Cũng dễ hiểu vì trước nay ông Trọng thì quá yếu để đi nhiều, còn các ông Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Đại Quang thì thời gian tại vị quá ngắn. Ngoài ra thì hiện nay dàn cán bộ chủ chốt cũng đã tạm yên vị, các lãnh đạo mới cần phải mở rộng quan hệ ngoại giao để nâng cao địa vị trong mắt người dân.
Nhưng khi các quan chức chủ chốt liên tục công du thì cũng cho thấy rằng tình hình của Việt Nam đang rất nguy cấp. Nhìn vào nội dung các buổi gặp mặt, đối thoại quốc tế thì CSVN liên tục nhắc tới việc kêu gọi đầu tư, từ tài chính tới công nghệ, quân sự… Chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi mà Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác với 5 nước, tất cả đều là các quốc gia tư bản, đối lập về ý thức hệ. CSVN đối mặt nhiều khó khăn tới mức sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc trước đây của đảng cộng sản để được đối thoại và trở thành đối tác với những nước giàu có, phát triển.
Đây cũng là thời cơ để các nước phát triển có thể tận dụng để thúc đẩy các vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Còn nếu để CSVN vượt qua giai đoạn này thì khó khăn sẽ tiếp tục đổ lên đầu người dân Việt Nam. Còn nhớ giai đoạn 1986-1991, CSVN cũng gặp nhiều nguy cơ khi những nhà nước cộng sản cùng nhau sụp đổ trên khắp thế giới. Nhưng CSVN vượt qua được, và từ đó người dân Việt Nam lại tiếp tục lún sâu vào hố sâu tăm tối mang tên thiên đường chủ nghĩa xã hội.