Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ tự do báo chí nhìn lại hai từ “nhà báo”, cộng đồng

Minh Trí (VNTB) Trong cuộc sống không có gì là hoàn mỹ, dư luận cũng thế, có một vài nhược điểm. Trên thực tế, nếu như đem những điều nói trên ra trên “bàn tiệc chung” thì có lẽ, người phóng viên, nhà báo đó sẽ bị không ít người “ném đá”, cho là bênh các báo lớn. Tuy nhiên, nếu như làm quá thẳng thắn thì liệu tờ báo đó (không nói đến các báo thuộc về Đảng) sẽ còn tồn tại? Nếu không còn tồn tại, điều đó cũng đồng nghĩa không còn đóng góp gì cho xã hội, không thể chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Rồi các phóng viên, nhà báo sẽ như thế nào? 

Dẫn nhập

Là một trong những quyền cơ bản của công dân, được hầu hết các quốc gia công nhận bằng văn bản: tự do ngôn luận, tự do báo chí. 
Trong 10 tu chính án Hiến pháp, sau này gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền, được thông qua bởi hai phần ba số phiếu đại biểu trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa đầu tiên, và sau đó được phê chuẩn bởi một tỷ lệ cần thiết là ba phần tư cơ quan lập pháp các bang thì ở tu chính án I (phê chuẩn ngày 15 tháng 12 năm 1791) cũng có trình bày:
“Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào liên quan đến việc thành lập một tôn giáo, hoặc cấm tự do tín ngưỡng; hoặc hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí; hoặc quyền của người dân hội họp một cách hòa bình, và kiến nghị chính phủ sửa chữa những bất bình”
Điều 19 trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền của Đại hội đồng LHQ1948 cũng có viết “Mọi người đều có quyền tự do có chính kiến và tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do giữ các quan điểm mà không bị can thiệp, tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin và ý tưởng thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không bị giới hạn”.
Đó là với một quốc gia lớn như Hoa Kỳ. Vậy còn ở Việt Nam, liệu thật sự đã có tự do báo chí?
Báo chí là gì? Dấu hiệu của tự do báo chí?
Báo chí, được định nghĩa theo Wikipedia, là báo, hay gọi đầy đủ là báo chí (xuất phát từ 2 từ “báo” – thông báo – và “chí” – giấy), hay còn có tên gọi cũ là tân văn (như trong Phụ nữ tân văn), nói một cách khái quát là những xuất bản phẩm định kỳ, như nhật báo hay tạp chí. Nhưng cũng để chỉ cả các loại hình truyền thông khác như đài phát thanh, đài truyền hình. Định nghĩa này cũng áp dụng được cho một tạp chí liên tục xuất bản trên web (báo điện tử).
Báo chí dựa trên những kết quả thu thập, tìm kiếm, tổng hợp thông tin…, đem đến cho bạn đọc những bài phân tích, bài phỏng vấn, bài viết, tin tức, làm sáng tỏ những vấn đề của xã hội… một cách khách quan, trung thực, đề cao tinh thần trách nhiệm của người viết. 
Thông qua báo chí, người dân cũng được nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình; giải đáp những câu hỏi cho người dân (điển hình là về luật pháp), góp phần cải tiến bộ máy xã hội. Cũng chính vì những nguyên nhân này mà báo chí thường được dân gian gọi bằng cụm từ “quyền lực thứ tư” (sau hành pháp, tư pháp, lập pháp).
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng Internet, báo chí cũng phong phú, đa dạng hơn: báo giấy, báo hình, báo nói, báo điện tử.
Câu hỏi đặt ra: thế nào là tự do báo chí? 
Nói một cách đơn giản, tự do báo chí được thể hiện qua việc tự do thông tin, tiếp nhận thông tin qua tất cả các nguồn khác nhau, bày tỏ quan điểm chính kiến mà không sợ bị giam cầm hay trù dập.
Vậy câu hỏi đặt ra liệu Việt Nam đã có tự do báo chí?
Tự do báo chí ở Việt Nam
Hiện nay, thế giới mạng phát triển, vượt qua được giới hạn của từng trang báo giấy, không ít báo điện tử cũng lần lượt ra đời.
Lấy phương châm tôn trọng sự thật (điển hình như tờ báo mạng Sài Gòn Báo “Sự thật khách quan là mục tiêu của Sài Gòn Báo”. Có thể xem tại: https://www.facebook.com/saigonpaper?fref=ts ), đề cao một nền báo chí tự do và độc lập. Thế nên, mặc dù có bị “triệu tập” hay bắt bớ, các nhà báo cũng bảo vệ sự thật. 
Điển hình như vụ việc mới vừa xảy ra đây ở Hội Nhà Báo độc lập, chủ tịch Phạm Chí Dũng đã bị bắt. Mặc dù được yêu cầu là trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập cần phải chấm dứt. Tuy nhiên, ông Dũng cũng không chấp nhận. Ông trình bày: “Tôi nói rằng tất cả những vấn đề này tôi phải trao đổi lại với trong Hội, vì tôi không có quyền quyết định. Đó là một…
Vấn đề thứ hai: Bất kỳ những hành động nào của họ muốn ngăn chận tiếng nói tự do, phản biện, chính luận, đều là can thiệp thô bạo vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân đã được Hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992”. (có thể xem tại https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/375306632666025?__mref=message )
Trong bản Hiến pháp của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, về tự do ngôn luận, tự do báo chí, Hiến pháp cũng có quy định (theo điều 25 trong Hiến pháp): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Mặc dù trong Hiến pháp cũng có quy định (dẫn ở trên), tuy nhiên, Việt Nam vẫn ở vị trí gần cuối bảng 172/179 trong Danh sách về tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) ra hôm 3/5. Giải thích về sự sắp xếp này, theo phúc trình của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 30 tháng giêng 2013: “…Bắc Hàn (đứng thứ 178, áp chót), Trung Quốc (173), Việt Nam (172) và Lào (168), 4 nước này cũng bị đặt ở cuối bảng xếp hạng vì họ “từ chối không cho phép công dân của mình quyền tự do được thông tin,”
Cũng theo tổ chức phóng viên không biên giới RSF, trong danh sách các “sát thủ của tự do báo chí” thì tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng tiếp tục nằm trong danh sách 39 sát thủ đối với tự do thông tin (Predators of Freedom of Information).
Bên cạnh đó, trên thực tế, ở Việt Nam, cũng mượn những điều luật như số 88, 258 để “tạo điều kiện” bắt giữ một số blogger, nhà báo. Một số trang blog cũng bị dựng tường lửa.
Với những gì đã viện dẫn ở trên, hình như ở Việt Nam, chưa có tự do báo chí. Điều đó cũng được chứng minh thêm khi những người Việt Nam cất lên tiếng nói yêu nước thì lại bị lực lượng chức năng đàn áp, bắt bớ; buộc phải giải tán (ví dụ như Hội Nhà Báo độc lập https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/375306632666025?__mref=message )
Nói đi cũng nói lại, cũng có một số tín hiệu bật đèn xanh cho tự do báo chí (dù chỉ là nhỏ nhoi trong cái lớn chung): báo Tuổi Trẻ có nhiều bài viết về Gạc Ma (thông qua những bài viết đó, độc giả sẽ tò mò nghiên cứu, tìm hiểu thêm về vấn đề Gạc Ma); vận dụng một số hình thức để nói lên tiếng nói của người dân bị oan (vấn đề này, không ít người chê các báo lớn là không dám lên tiếng dùm những người dân oan, tuy nhiên, nếu một tờ báo lớn mà chăm chăm suốt ngày nói những vấn đề đó một cách trắng trợn, độc giả sẽ nhàm chán và “món ăn” sẽ vô vị).
Trong cuộc sống không có gì là hoàn mỹ, dư luận cũng thế, có một vài nhược điểm. Trên thực tế, nếu như đem những điều nói trên ra trên “bàn tiệc chung” thì có lẽ, người phóng viên, nhà báo đó sẽ bị không ít người “ném đá”, cho là bênh các báo lớn. Tuy nhiên, nếu như làm quá thẳng thắn thì liệu tờ báo đó (không nói đến các báo thuộc về Đảng) sẽ còn tồn tại? Nếu không còn tồn tại, điều đó cũng đồng nghĩa không còn đóng góp gì cho xã hội, không thể chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Rồi các phóng viên, nhà báo sẽ như thế nào? 
Bên cạnh đó, cũng có một số dư luận nói sai sự thật, chưa thật sự khách quan, làm cho không ít độc giả bị nhầm lẫn (điển hình như vụ việc hình ảnh và thông tin về vụ việc một đứa trẻ bị người lớn bắt trói, dìm đầu vào trong chum nước, vì tội ăn trộm… một quả dừa, mới đây trở thành tâm điểm bàn tán, khiến dân mạng Việt vô cùng phẫn nộ. Những dòng thông tin, bức hình được đưa lên mạng, lên án hành động nhẫn tâm này. Nhưng nó chưa thật sự rõ ràng, đã làm cho không ít facebooker hiểu nhầm là xảy ra ở Việt Nam, có người lên án tình người ở Việt Nam (dẫu biết rằng ở Việt Nam có không ít kẻ vô tâm nhưng giá trị tình người vẫn là bất diệt, nhiều người tốt). Cho đến khi thông tin được rõ ràng là xảy ra ở Campuchia thì tin đó lại không được nhiều người thêm chú thích nói cho rõ.
Lẽ hiển nhiên, không phải vì thế mà công nhận Việt Nam đã có tự do báo chí. Khái niệm tự do báo chí đó còn tuỳ xem xét trên những phương diện nào? Nếu lấy Việt Nam của 10 năm trước ra so với thời điểm hiện tại trong cùng một chế độ thì có phải tình hình tự do báo chí đã tiến bộ hơn lúc trước?
Tuy nhiên, nếu cứ mãi “tự sướng”, ru ngủ chính mình thì e là đất nước sẽ khó phát triển. Nếu đem Việt Nam ra so với nước ngoài thì những kết quả viện dẫn ở trên của tổ chức RFS đã cho thấy tình hình tự do báo chí Việt Nam ở mức độ nào? Thậm chí, RFS còn gọi Việt Nam là “kẻ thù của Internet” (http://www.bbc.com/vietnamese/mobile/world/2013/03/130312_rsf_internet.shtml)
Nhà báo, nhà báo độc lập
Nhà báo, được định nghĩa theo Từ điển Tiếng Việt của NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1988 tr.727, một cách đơn giản nhất là người chuyên làm nghề viết báo.
Theo định nghĩa trên trang Wikipeida, nhà báo, còn gọi là ký giả, là người làm công tác báo chí chuyên nghiệp như: phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, các trưởng ban nghiệp vụ báo chí…,, một nghề nguy hiểm nhưng họ vẫn chưa được bảo vệ đúng mức.
Xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển theo thời gian, một số bài báo thoát ra khỏi sự quản lý của ban Tuyên huấn, nói lên những “mặt trái” của đời sống, nhiều nhà báo độc lập xuất hiện.
Mọi công dân đều có quyền làm báo. Xã hội dân sự phát triển, không ít người tự “vỗ ngực xưng tên” mình là nhà báo bằng những dòng trạng thái trên facebook (nói lên những bức xúc cá nhân), trong khi đó một bài cũng không thể viết được; không ít người cũng tự vỗ ngực mình là biên tập viên hoặc biên tập viên chuyên nghiệp mà không thể viết bài; có người lên mạng sao chép bài viết của người khác, lấy về, ký tên mình; có người “ăn cắp” bài phát biểu của người khác, biến thành bài phỏng vấn; có người tranh thủ người nổi tiếng (có thể đó là một học giả, một trí thức hay một nhà báo nổi tiếng…) phát biểu, ghi âm lại, sau đó về nhà cắt ráp, tự ghi âm lời mình nói rồi bằng vài chiêu đơn giản, biến nó thành bài phỏng vấn, hòng qua mặt người biên tập, độc giả. 
Hoặc chăng, có những người có thể viết được, viết hay; nhưng những bài viết đó, tờ báo đó hoàn toàn không cần (lấy một ví dụ đơn giản là trong bàn tiệc chung, đóng góp một món ăn mà thực khách hoàn toàn không thích, không cần. Trong khi món người đó muốn ăn thì nhà hàng không thể cung cấp)…
Có thể nói, từ nhà báo ở Việt Nam hiện đang bị lạm dụng một cách quá đáng. Với những người mới vô nghề, còn non tay, mới tốt nghiệp, chỉ có thể bắt đầu bằng công việc trợ lý phóng viên (assistance to reporter) hoặc chỉ là một phóng viên (reporter).
Chính phủ Việt Nam nỗ lực cho một nền báo chí tự do?
Chiều 19/6/2015, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các nhà báo lão thành và hơn 100 Tổng Biên tập nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động cung cấp thông tin khách quan, nhanh chóng, chính xác, kịp thời cho báo chí, dư luận về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Khách quan, nói một cách đơn giản, là những gì tồn tài bên ngoài chủ quan và không phụ thuộc vào chủ quan. Ví dụ như dù ai đó có nói trái đất đứng yên thì nó vẫn quay quanh mặt trời. Như vậy, có thể nói, dù ngoài mặt chưa công khai khuyến khích tự do báo chí nhưng trong thông điệp của lãnh đạo, đã có ý muốn các báo nên phát huy tinh thần nói thẳng, nói thật.
Làm gì để có tự do báo chí?
Tựu trung lại, nếu đem Việt Nam đi so sánh với các nước khác như Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Mỹ… thì tự do báo chí của Việt Nam thua hẳn. 
Trên thực tế, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại, nhiều người mong đợi Việt Nam sẽ có tự do báo chí, tự do ngôn luận như các quốc gia khác. Người dân lên tiếng góp ý những cái không phù hợp với xã hội sẽ không còn bị bắt. 
Tuy nhiên, có một hiện tượng đang diễn ra mà theo tôi, có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tự do báo chí. Đó là thiếu sự khách quan, thông tin lan truyền không đầy đủ hoặc chỉ nói một nửa sự thật. Chợt nhớ một câu nói: một nửa ổ bánh mì thì cũng là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật. 
Một que diêm đốt lên, phản ánh vấn đề này thì rất có thể bị “ném đá”, cho là “thân Cộng”. Nhưng thiết nghĩ, tự do báo chí cũng cần đến sự khách quan. Con người không ai là hoàn thiện. Điều đó không có nghĩa là họ luôn làm sai. Họ vẫn còn những cái đúng, có ích. Dù thế nào đi chăng nữa, theo tôi, cũng không nên phủ nhận những giá trị đó.
Thế giới có nhiều người giỏi. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Người dân Việt cũng không ít người yêu nước, có tâm huyết thật sự với đất nước, mong muốn đời sống nhân dân sẽ bớt khổ. 
Ông bà ta cũng có dạy: “Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ngẫm lại câu chuyện bó đũa, nếu bẻ từng chiếc đũa sẽ dễ dàng nhưng cả bó thì rất khó. 
Chỉ cần mỗi người, mỗi tổ chức góp lên một tiếng nói, sẽ có ngày xã hội thay đổi tốt hơn, nhân dân sẽ bớt cơ cực hơn.
Tham luận tại Hội thảo “Việt nam: Tự do cho báo chí” do Hội Nhà báo độc lập VN tổ chức tại Sài Gòn ngày 3/7/2015

Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn đang… loạn?

Phan Thanh Hung

Việt Nam: Tự do cho báo chí !

Phan Thanh Hung

Báo chí cần phát triển theo định hướng chuyên nghiệp

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo