VNTB- Tự ứng cử: Cá nhân và tập thể quyền lực

Lữ Hành Gia (VNTB) – Chính vì từ trước đến nay chính trị Việt Nam vẫn quen với những khuôn mặt từ cơ chế tập thể trong chính trị đề bạt lên những ứng cử viên, nên khi có những con người cá nhân từ trong xã hội tự ứng cử tham gia chính trị trong hoàn cảnh như vậy thì sẽ khiến người ta phải dùng từ “dũng cảm, can đảm” để nói về họ – những ứng cử viên độc lập ấy.



Xem lại: Tuyên bố số 9/ Hội NBĐLVN về quyền tự ứng cử đại biểu quốc hội của công dân
https://www.facebook.com/pham.chidung.96/posts/930732860355192
Sự đi lên và phát triển của Việt Nam là sẽ phải đi kèm với sự phát triển cũng như nỗ lực của các yếu tố tập thể tư nhân hoặc là cá nhân trong xã hội .

Từ trước đến nay nếu quan sát kỹ thì dường như trong văn hóa chính trị của chúng ta có lẽ rất ít khi có cái nhìn điềm tĩnh vừa phải về những sự kiện nổi bật mà chúng đến từ cá nhân nào đó trong xã hội .Có lẽ vì chúng ta đã khá quen với cái cơ đồ của tính tập thể cộng đồng mà trong đó có thể dẫn đến sự cao bằng, muốn mọi thứ phải trở lại sự quân bình. Đó là cách nhìn nhận cá nhân của văn hóa cũng như chính trị của Việt Nam từ xưa đến nay, tức là cái cá nhân bị hòa tan vào tập thể, tập thể nắm vai trò chi phối lớn đối với cá nhân và cá nhân bị che lấp bởi tập thể.


Việc tự thân một cá nhân có một dự định nào đó mang tính đóng góp cho đất nước thì hãy xem đó như một điều bình thường hiển nhiên mà nó thể hiện sự sáng tạo, tự do chính đáng của một cá nhân khi mà họ hoàn toàn có thể tự ý thức một cách đầy đủ rằng bản thân thực sự có chuyên môn, sự minh bạch ,tiềm năng nguồn lực để nắm bắt cơ hội để thực hiện dự định của họ thì đấy có thể nói là một điều hoàn toàn bình thường và đòi hỏi họ phải được đối xử một cách bình đẳng. Chính vì thiếu (hoặc không) tôn trọng những cái trên mà vì thế sự tự ứng cử bản thân làm một việc gì đó mà không thuộc “thuyền bè” nào thì rất khó có sự thành công, nhất là trong văn hóa chính trị tại Việt Nam hiện nay. Có thể sự ủng hộ đáng quý và cơ bản nhất đối với các ứng cử viên độc lập đáng quý là chỉ cần đến từ nguyện vọng người dân, nguyện vọng xã hội cộng với ý muốn dấn thân của bản thân ứng viên là có thể được, nhưng khi tham gia thì trên thực tế họ phải có sự ủng hộ của những người trong hệ thống chính trị (cụ thể là Đảng viên) thì họa may mới thành công, đó là cái éo le nhất .


Trong những ngày qua có lẽ việc tiến sĩ Nguyễn Quang A cùng với những người hoạt động xã hội khác tuyên bố tự mình ứng cử vào Đại biểu Quốc hội có vẻ như được miêu tả như một việc làm hết sức dũng cảm, tựa như họ sắp phải đối diện với một thử thách cực kỳ gay cấn. Nhưng nếu xét đến cùng thì việc làm của họ tất nhiên phải được xem là một điều rất bình thường nếu ở trong một xã hội muốn tiến lên sự văn minh tiến bộ tự do dân chủ. Chính vì từ trước đến nay chính trị Việt Nam vẫn quen với những khuôn mặt từ cơ chế tập thể trong chính trị đề bạt lên những ứng cử viên, nên khi có những con người cá nhân từ trong xã hội tự ứng cử tham gia chính trị trong hoàn cảnh như vậy thì sẽ khiến người ta phải dùng từ “dũng cảm, can đảm” để nói về họ – những ứng cử viên độc lập ấy.


Lý do tại sao lại có điều trên thì có lẽ là do hành động của những cá nhân muốn tự mình có một dự án mang tính xã hội một cách tự chủ như thế có lẽ đã vô tình đi ngược lại với cái văn hoá chính trị từ lâu xem trọng tập thể cộng đồng, quân bình như đã nói ở trên. Nó gây ra cái tai hại về sự tham gia của các cá nhân vào các công việc của đất nước, tập thể chính trị có thể “gọt dũa” các cơ hội của họ, có thể sẽ dẩn đến sự san phẳng, dọn đường, cào bằng cho sự thuận lợi của tập thể quyền lực mà làm các cá nhân bị lu mờ, làm mất cơ hội của họ, bằng chứng là qua những thông tin khác nhau chúng ta đều biết là có nhiều ứng cử viên độc lập đã thất bại trong việc ứng cử Quốc hội.


Sự phát huy của các hành động xã hội của tư nhân, cá nhân mà mang tính chính trị xã hội một cách nghiêm túc, có nhận thức một cách rõ ràng về việc đó (chứ không phải  bồng bột, quá khích) hiện nay khá rời rạc, nhỏ giọt, phập phồng vì xuất phát từ nền tảng văn hóa- xã hội và đặc biệt về chính trị của Việt Nam vốn chưa quen với chúng mà chỉ mới làm quen với chúng, bởi vì đã quá quen với hương vị của tính tập thể mà lạ lẫm (hoặc không thừa nhận) với cái cá tính. Chỉ khi nào sự tự do của cá nhân, sự biểu lộ hoài bão cá tính của cá nhân trong xã hội được bộc lộ là chừng ấy chứng tỏ ý thức của những con người trong xã hội ấy bắt đầu cao lên, họ sẽ có nhận thức rõ ràng về bối cảnh đời sống xã hội của mình và sẽ có những dự định hẳn hoi cho chúng và rồi nó cũng chứng tỏ là xã hội đang có sự vận động  đòi hỏi phải cho nó sự tự do vận hành mà gia giảm bớt sự kiểm soát quản lý chặt chẽ từ khu vực công quyền. Tất nhiên những nguyện vọng của các cá nhân trong xã hội ấy phải được xem trọng và họ xứng đáng có được sự ủng hộ để thực hiện những nguyện vọng ấy .

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)