VNTB – Từ vấn đề ‘du học, ở hay về’ đến quan niệm đóng góp cho đất nước

Châu Tiểu Lan (VNTB) Nhân trường hợp Doãn Minh Đăng, việc tố cáo nhà trường trù dập đã làm dậy lại câu hỏi ” ở hay về” của giới sinh viên đang học tập tại nước ngoài. Sẽ rất đáng tiếc nếu trường hợp Doãn Minh Đăng sẽ củng cố phản ứng “Du học, đi đi đừng về”, trong khi Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết nguồn nhân lực trí thức. Bài viết này muốn đề cập đến nhiều vấn đề cần nhìn lại từ hai phía.

Nhà nước cần cái gì?
Nhà nước có thực sự cần nguồn nhân lực trí thức không? Nếu cần thì cần như thế nào, có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng như thế nào? Nhân dân cần được biết để kết hợp việc thỏa mãn nhu cầu phát triển cá nhân và việc đáp ứng nhu cầu của quốc gia. Mọi sự rõ ràng là cần thiết để nhà nước vận động được nguồn lực tối đa.
Có những cam kết nào với những điều lệ nào về việc tạo điều kiện cho nguồn nhân lực mới làm việc và phát huy khả năng? Mối quan hệ nhà nước-nhân dân này xét cho cùng cũng không khác gì mối quan hệ giữa công ty và nhân viên. Mỗi người có quyền lựa chọn cho cuộc sống của riêng mình, do vậy thông tin cần phải cung cấp đầy đủ và nhất quán để xây dựng niềm tin từ hai phía.
Phía nguồn lực trẻ
‘Đi du học: về, chưa về hay không về’ cũng chỉ là nhân sinh quan riêng của mỗi người, họ luôn biết quyết định điều gì tốt nhất cho bản thân. Mọi sự lựa chọn cần được tôn trọng bởi lẽ mỗi cá thể cần được phát triển đầy đủ khả năng nội tại trước khi đề cập đến sự cống hiến. Mỗi người lại có nhận thức khác nhau về việc đóng góp cho công cuộc chung: cái gì, khi nào và như thế nào.
Nhưng cống hiến phải được hiểu là như thế nào? Quan điểm “tập trung chuyên môn” có phải là sai lầm?
Cần nhấn mạnh rằng, lý tưởng cống hiến luôn đáng được trân trọng. Những nhiệt huyết này nhất thiết phải được sử dụng đúng đắn từ phía nhà nước. Còn đứng về phía nhân dân, chính chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại cách cống hiến.
“Không phải học giỏi là đã thành công” có thể hiểu rộng ra là “không phải chỉ có giỏi chuyên môn thì sẽ thành công”. “Tập trung chuyên môn” là cách nhà cầm quyền hiện tại gieo vào đầu óc trí thức để họ không tham gia vào công cuộc xây dựng và quyết định vận mệnh của đất nước. Thay vào đó nên “tập trung vào chuyên môn”, “tập trung hoàn thiện bản thân” mỗi người, trong khi những phạm trù này đòi hỏi một quá trình phấn đấu không ngừng, một đời cố gắng cũng chưa hết. Kết cuộc là một thế hệ qua đi mà vận mệnh của đất nước vẫn không cải thiện được gì.
Dân Việt rất hiếu học, nhưng nếu không có viễn kiến thì mỗi người sẽ chỉ làm được những việc có hiệu quả giới hạn. Làm khoa học không chỉ là chỉ chăm chú giải quyết vấn đề của mỗi nghiên cứu riêng biệt. Làm nghiên cứu mà chỉ chú trọng vào mỗi đề án nghiên cứu (project based) chỉ là trình độ của hậu tiến sĩ (post-doc), chứ chưa phải là trình độ của nhà khoa học. Nhà khoa học (scientist) phải là người biết giải quyết vấn đề rộng hơn từng vấn đề của đề án đặt ra. Họ phải có phương hướng cho những nghiên cứu của mình, vận động được những nguồn tài trợ vật chất dựa vào giá trị của đề xuất nghiên cứu, tổ chức được nhân sự, quản lý được tài chánh để vận hành nhóm nghiên cứu độc lập của mình, và đặc biệt phải biết quảng bá về hiệu quả cũng như tầm nghiên cứu mà mình theo đuổi để gây ảnh hưởng.
Như vậy một nhà khoa học có tài năng thực sự nhất thiết cũng phải là người có năng lực về quản lý. Tách biệt chuyên môn và quản lý để khẳng định vị trí học giả là một quan niệm sai mà trí thức Việt Nam cần phải thay đổi.
Những người chọn hướng ở lại các nước tiên tiến, trong một xã hội trật tự, để tiếp tục công việc của mình thực chất họ đóng vai trò là những mắc xích của sự phát triển. Thành công của họ sẽ được đo bằng hiệu quả vật chất. Còn những người về Việt Nam trong lúc mọi thứ đang còn tranh tối tranh sáng mà tạo được sự thay đổi thì đó sẽ chính là những thay đổi đầu mối có tính chất quyết định và khả năng gây ảnh hưởng lớn về sau. Những thành công này có thêm một thước đo khác ngoài vật chất, đó là khả năng kiến tạo những điều tốt đẹp. Biến những điều người khác cho là không thể thành có thể quả thực là một thử thách mà chỉ có tuổi trẻ mới dám đương đầu.
Những vấn đề gặp phải khi trở về và hướng giải quyết
Muốn thay đổi mà cơ chế không cho thay đổi thì đây là cơ hội phát huy khả năng thuyết phục và khả năng tạo ảnh hưởng lên người khác.
Các trí thức trẻ Việt Nam khi đã chọn sự trở về phải nhận thức rằng nhiệm vụ của họ không chỉ là đem về kiến thức tiên tiến tiếp thu được trên thế giới mà còn là làm sao để những kiến thức tiên tiến được vận hành theo đường hướng hiện đại với tình hình cơ chế vận hành cũ kỹ của Việt Nam nhằm tạo một sự thay đổi.
Sự thay đổi ở đây phải được hiểu, người trí thức không thể chỉ trưng bằng cấp của mình ra mà buộc người khác phải nghe lời mình được. Nhiệm vụ của họ là tạo ra sự thay đổi. Muốn người khác thực hiện thay đổi, họ phải được hiểu mục đích và tầm quan trọng của vấn đề. Làm theo họ thì được gì, không làm theo họ thì mất gì. Trách nhiệm giải thích thuộc về chính họ.

Việc không áp dụng hoặc phát triển được khoa học kỹ thuật cũng là “trở ngại” đối với nhiều trí thức khi trở về. Các trí thức giỏi theo đuổi những ngành kỹ thuật mũi nhọn thường đặt câu hỏi: “Về lúc này thì làm được gì”. Đây là vấn đề Cung và Cầu không ăn khớp. Không phải cứ đem kiến thức về là sẽ tạo ra sự phát triển cho đất nước mà phải các trình độ đó cần phải có định hướng vào qui hoạch theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của quốc gia, từ đó nhà nước phải tạo điều kiện tương ứng cho mọi người cơ hội làm việc.
Suy cho cùng, mọi quyết định cần được dựa trên sự tìm hiểu thấu đáo các vấn đề  để tránh những thất vọng không lường trước. Mặt khác sự phát triển bền vững đòi hỏi sự trung thực của mọi đối tượng tham gia. Đất nước cần nhân tài, nhưng để tạo sự thay đổi đột phá trong tình hình hiện nay, có lẽ đã đến lúcnhững nhân tài có khả năng tạo ra sự thay đổi cần thể hiện chính mình.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)