Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Tự vận động tranh cử’ ở Việt Nam: Hãy đợi đấy!

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Có thể thử nghiệm trước qua việc ‘tự vận động tranh cử’ chức vụ… bí thư Đảng chẳng hạn. Khi đâu đó thuần thục, sẽ mở rộng ra luôn cho lá phiếu dân cử.

 

Theo luật bầu cử ở Việt Nam, thì người ra ứng cử không được phép tự mình vận động và tự mình tiếp xúc trực tiếp với cử tri. Lý do là bầu cử ở Việt Nam có những đặc thù riêng, phần lớn người ứng cử do cơ quan hay tổ chức giới thiệu, vì thế những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ra ứng cử.

Ngoài ra không cho phép ‘tự vận động tranh cử’ là nhằm để bảo đảm sự công bằng khách quan, vì hiện tại ở Việt Nam chỉ có hai hình thức vận động là thông qua hội nghị cử tri do Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức, và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng.

Cụ thể hơn, việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị của người muốn ứng cử, sẽ theo 3 bước: Một, đó là ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

Hai, sau đó sẽ tổ chức hội nghị cử tri người dự kiến giới thiệu nhưng phải đang công tác tại các cơ quan đó. Nơi nào dưới 100 cử tri sẽ tổ chức hội nghị toàn thể nhưng mà bắt buộc phải có 2/3 số cử tri tham dự. Nơi nào có trên 100 cử tri có thể mời đại diện cử tri nhưng phải bảo đảm có 70 cử tri tham dự. Hội nghị đó để cử tri nhận xét tín nhiệm với những người được lãnh đạo dự kiến giới thiệu ứng cử.

Ba, trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị mở rộng đến công đoàn các tổ chức trực thuộc để thảo luận, nhất trí chốt lại giới thiệu người đại diện cơ quan tổ chức mình ứng cử đại biểu Quốc hội.

Câu hỏi: Vậy Đảng và Nhà nước sẽ làm gì để khuyến khích những người có tâm, có tài ra ứng cử đại biểu Quốc hội?

Trả lời là tính đến thời điểm cận Tết Tân Sửu 2021, thì vấn đề này không nằm trong hướng dẫn, quy định. Mà về mặt nguyên tắc quản lý của Đảng, điều đó dành cho những cơ quan tổ chức đơn vị giới thiệu người ứng cử.

Người tự ứng cử nếu mà có đủ điều kiện ứng cử sẽ nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử cấp tỉnh mà thường trực là Sở Nội vụ. Nếu Ủy ban bầu cử cấp tỉnh thấy đủ điều kiện để ứng cử sẽ chuyển hồ sơ đó sang Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh. Và Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh nếu thấy có đủ điều kiện sẽ đưa vào danh sách để hiệp thương.

Quy trình ở trên cho thấy đúng là đặc thù của văn hóa chính trị Việt Nam.

Với nhiều quốc gia thì vận động tranh cử là nhằm thuyết phục càng nhiều cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên càng tốt. Ở các nước vận động tranh cử là một quy trình bắt buộc, được chuẩn hóa, cực kỳ chuyên nghiệp như có người chuyên lo việc vận động tranh cử cho ứng viên, từ việc chọn thông điệp, tuyển tình nguyện viên, tổ chức các sự kiện…

Thông điệp tranh cử là một trong những nội dung rất được chú ý trong khi vận động tranh cử ở các nước. Đó là một vài điểm nhấn ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, ăn sâu vào trí não và con tim người nghe, chứa đựng những tư tưởng chính mà ứng viên muốn chia sẻ với cử tri. Thông điệp đó phải được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhằm tạo và giữ ấn tượng trong cử tri.

Ở Việt Nam, như đã nói ở trên, các ứng viên để có tên trong danh sách bầu cử đã trải qua một quá trình hiệp thương dài trước đó, cho nên việc vận động tranh cử bằng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử, thường được tổ chức ở mức độ hạn chế, với thành phần được lựa chọn.

Tạm kết luận: bao giờ văn hoá chính trị ở cấp lãnh đạo cao nhất nước có sự thay đổi, khi ấy mới mong có chuyện ‘tự vận động tranh cử’ giống như các quốc gia khác trên thế giới.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Người cộng sản làm được tất cả

Phan Thanh Hung

VNTB – Những nhà lập pháp đang… thất nghiệp (!?)

Do Van Tien

VNTB – “Cơ chế thí điểm” có nghĩa là gì?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.