VNTB – Từ vụ án Trương Châu Hữu Danh: sự cần thiết về báo chí tư nhân

VNTB – Từ vụ án Trương Châu Hữu Danh: sự cần thiết về báo chí tư nhân

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu tư nhân được ‘quyền làm báo’, thì có lẽ sẽ rất hiếm hoi phiên tòa như vừa xảy ra với nhóm nhà báo đang được gọi vắn tắt là ‘vụ án Trương Châu Hữu Danh’. 

 

Liên quan đề xuất tư nhân được ‘quyền làm báo’, có căn cứ từ quyền Hiến pháp 2013, như các Điều 2.3 ghi: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”;

Điều 3, “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”;

Điều 4.2, “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”;

Điều 16, “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”;

Điều 25, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định;

Điều 28, “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Như tóm tắt các nguyên tắc hiến định kể trên, cho thấy sở dĩ xảy ra những vụ án được quy kết liên quan an ninh quốc gia như với một số thành viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, gồm các nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn; hay thời sự như với nhà báo Phạm Đoan Trang, nhóm các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Lê Thế Thắng, Nguyễn Thanh Nhã và Đoàn Kiên Giang.

Tất cả những tên tuổi cụ thể ở trên đều được cho là phạm tội từ các bài viết đăng báo không thuộc ‘hệ thống báo chí nhà nước’, hoặc đăng trên mạng xã hội như Facebook…

Ở Điều 25 của Hiến pháp có câu “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, khi quyền tự do viết báo, làm báo chưa được cụ thể hóa bằng pháp luật chuyên ngành, thì đó là lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây, ít nhiều có phần trách nhiệm hiến định của Đảng ghi tại Điều 4.2 như đã dẫn ở phần đầu bài viết này.

Như vậy, nếu nhìn từ quyền hiến định ghi tại Điều 25 và Điều 28, cho thấy để có thể thực thi hiến định ở Điều 3, có nghĩa là người dân được quyền và nghĩa vụ bày tỏ quan điểm ôn hòa, phản biện những vấn đề xã hội, dù dưới hình thức nào, đều là việc cần nên, cần khuyến khích.

Nôm na, nếu pháp luật chuyên ngành về báo chí vẫn chưa chấp nhận về quyền tư nhân được làm báo, được tự do viết báo thì rõ ràng là hiện tại nhân danh điều này, người ta có thể đối mặt với các cáo buộc tù tội theo những điều luật hình sự.

Dĩ nhiên trong chiều hướng ngược lại, vẫn đang có nhiều nhóm người, có tổ chức hẳn hoi, có kinh nghiệm về truyền thông, đã phát tán, lan truyền những tin tức không đúng sự thật, thông tin “cực bẩn”, những hành xử côn đồ, hành vi kích động bạo lực, hay những việc làm, lời ăn tiếng nói vô đạo đức,…, liên tục kéo dài để về bản chất, nó đã trở thành câu chuyện khủng bố vậy.

Từ những nhìn nhận ở trên, và từ hiến định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vậy thì không gì mà ngại ngần trong chuyện tư nhân được quyền tự do làm báo.

Cứ thử nhìn sang lãnh vực y tế. Rõ ràng là những gì đã và đang diễn ra trong mùa dịch Covid, chứng minh sự cộng hưởng đầy hiệu quả của y tế tư nhân. Cùng với đó là những đóng góp của xã hội dân sự từ các nhóm thiện nguyện….


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)