Làm gì có báo điện tử Trí Thức Trẻ để phạt!
(VNTB) – Trên thực tế, tên miền http://ttvn.vn lâu nay gần như chỉ được nhắc đến với một vị trí khiêm tốn trên các trang tin điện tử http://soha.vn/, http://afamily.vn/, http://kenh14.vn/, http://autopro.com.vn/, http://genk.vn/, http://gamek.vn/. Chủ sở hữu các tên miền đó và vận hành toàn bộ từ nội dung đến kinh doanh thương mại là Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam VC Corp.
Sở dĩ buộc phải có tấm bình phong http://ttvn.vn, (thuộc Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, http://www.trithuctre.com.vn/) vì cho đến nay vẫn chưa cho phép báo chí tư nhân. Tư nhân mới chỉ được đầu tư trong khâu phát hành, mời gọi quảng cáo.
Thế nhưng dẫu sao vẫn có một tên miền http://ttvn.vn tồn tại trên internet. Với www.trithuctructuyen.vn thì khác.
Công khai phạm luật
Hãy thử tìm hiểu về những nội dung sau đây: “Giấy phép báo điện tử: số 236/GP – BTTTT. Cơ quan chủ quản: Hội Xuất bản Việt Nam. Q. Tổng biên tập: Ngô Việt Anh. Tòa soạn: Tầng 3, tòa nhà Trung Yên 1. Số 123 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. Hà Nội. Văn phòng đại diện TP.HCM: Tầng 15 tòa nhà Flemington. Số 182 đường Lê Đại Hành, phường 15, quận 11. TP.HCM”.
Báo điện tử trong giấy phép này có tên “Tri Thức Trực Tuyến”, với tên miền: www.trithuctructuyen.vn. Tên miền có ngày đăng ký và ngày kích hoạt đều là 17-05-2013, ngày hết hạn 17-05-2015. Chủ đăng ký tên miền là Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà B15 Lô 2, Khu Đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm, Hà Nội.
Thực tế, báo điện tử www.trithuctructuyen.vn không tồn tại. Khi gõ tên miền này trên bộ máy tìm kiếm google, hoặc trên trình duyệt, tất cả đều chỉ về http://news.zing.vn/, với chủ sở hữu là Công ty cổ phần VNG.
Trong văn bản có tên “Một số câu hỏi liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp” do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát hành ngày 23-09-2013, có nêu câu hỏi: “Khi lấy tin từ báo Infonet, nhưng dưới bài lại ghi là trích từ Zing. Vậy phải ghi nguồn từ Infonet hay Zing?”.
“Trả lời: Khoản 18 điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định: Nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ. Infonet là báo điện tử Việt Nam, còn Zing là trang thông tin điện tử tổng hợp. Như vậy, theo quy định nêu trên thì chỉ được phép trích dẫn từ báo điện tử Infonet, không được phép trích dẫn từ trang tin điện tử tổng hợp Zing và khi trích dẫn phải ghi rõ nguồn trích dẫn từ Báo Infonet”.
Thông tin sau đây sẽ giải thích vì sao không ai dám phạt hay quở trách Hội Xuất bản Việt Nam về chuyện news.zing.vn: Chủ tịch Hội là ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông. Phó Chủ tịch thường trực là ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản (http://news.zing.vn/Chu-tich-Hoi-Xuat-ban-tham-bao-Tri-thuc-truc-tuyen-dip-216-post428201.html).
Thực chất báo tư nhân ở Việt Nam
Các quan chức đã nhiều lần khẳng định tất cả báo chí ở Việt Nam đều thuộc Nhà nước và Chính phủ không có kế hoạch tư nhân hóa báo chí.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú (Thời báo Kinh tế Sài Gòn), đặt câu hỏi: Nếu nói Việt Nam không có báo chí tư nhân, thì câu hỏi đặt ra là “báo chí Nhà nước” sao nhiều tờ cứ chăm chăm nói chuyện kích dục lộ liễu đến thế.
Cứ thử lấy 10 tin đọc nhiều nhất của các tờ báo vẫn đang được xem là báo Nhà nước, người rộng lượng nhất cũng thấy xấu hổ vì các tít này. Ví dụ tờ Người Đưa Tin, cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam rút các tít sau: Chồng muốn tôi đề nghị tư thế ‘yêu’; Sợ mất trinh nên muốn ‘yêu cửa sau’;… Loại báo này ngày càng nhiều, tít ngày càng bạo, hình ảnh ngày càng thiếu vải… Trang Phunutoday, một chuyên trang của Người Đưa Tin càng bạo liệt hơn…
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú (Thời báo Kinh tế Sài Gòn), đặt câu hỏi:
Nếu nói Việt Nam không có báo chí tư nhân, thì câu hỏi đặt ra là “báo chí Nhà nước” sao nhiều tờ cứ chăm chăm nói chuyện kích dục lộ liễu đến thế.
Người ta có thể đặt câu hỏi vì sao Hội Luật Gia Việt Nam lại cho ra đời các tờ báo này làm gì, phục vụ gì cho nghề nghiệp của họ? Vấn đề tôn chỉ mục đích được hiểu như thế nào trong trường hợp này? Nói thêm, Chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam là ông Phạm Quốc Anh, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Chuyện bán măng-sét (manchette) ở đây là không lạ. Song giải thích thế nào khi ra sạp báo, thấy hàng loạt tờ báo mang măng-sét tiếng nước ngoài như Women’s Health, Her World, Esquire, Elle, Cosmopolitan, Harper’s Bazaar…, tất cả đều là báo tiếng Việt, có “cơ quan chủ quản” đàng hoàng và hoạt động theo… Luật Xuất bản.
“Tư nhân thì chắc chắn chưa được vì nhiều lý do, Nhà nước thì không ổn như đã nói, vậy tại sao không gọi chúng là báo chí phi chính phủ hay báo chí dân lập chẳng hạn? Trong ngành giáo dục, hình thức dân lập là một bước đệm để chuyển từ hình thức công lập sang tư thục. Với lãnh vực báo chí cũng thế, nên gọi chúng bằng một cái tên miêu tả chính xác tình trạng của chúng để đánh dấu một bước phát triển của làng báo và để tránh sự nhập nhèm dễ bị lợi dụng lại khó cho giới quản lý” – nhà báo Nguyễn Vạn Phú, đề nghị.
Phải có báo chí tư nhân sạch sẽ
Có thể nói, không cấp phép cho báo chí tư nhân là vi hiến. Hiến pháp 2013 hiệu lực thi hành từ 01-01-2014, tại Điều 25 quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
“Làm báo” khác “viết báo”. “Làm báo”, bao gồm cả xây dựng nội dung, nguồn nhân lực, lợi nhuận kinh doanh. Đó là một doanh nghiệp mà ngành nghề là “làm báo”. Nội dung của chuyện hành nghề sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí và Luật Xuất bản. Còn lại tất cả các khoản khác đều tương tự như những loại hình doanh nghiệp khác. Trong “làm báo”, Luật Doanh nghiệp không có điều khoản nào cấm, Hiến pháp không cấm mà còn cho đây là một quyền hiến định.
Từ ngày 01-04- 2013, báo chí tư nhân chính thức được cấp phép tại Myanmar sau gần 50 năm vắng bóng. Các tờ The Voice, Golden Fresh Land, The Union và Standard Time đã lên kệ và trở thành những tờ báo đầu tiên không bị nhà nước kiểm soát kể từ năm 1964.
Trong đề mục “Tự do báo chí”, trang http://vi.wikipedia.org/, viết: Vì muốn thực hiện quyền tự do báo chí, ngày 4-7-2014 một nhóm ký giả, phóng viên, nhà văn đã đứng ra thành lập một hiệp hội chuyên nghiệp và dân lập chính thức mang tên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Mục đích của hội là “nhằm thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí”. Mong rằng tiếng nói và hành động của hội đoàn dân sự độc lập này sẽ “sạch sẽ” như tôn chỉ của nó.
Minh Tâm
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.